Hình ảnh rau muống tưới bằng nước cống được Phóng viên báo Người Đưa Tin chụp lại tại một vùng trồng rau có tiếng tại quận Hà Đông, nằm ven bờ sông Nhuệ. Có một điều lạ, cho dù những mớ rau được tưới bằng loại nước này vẫn xanh mơn mởn, tươi tốt.
|
Nước thải được "tập kết" tại đây để tưới rau xanh. |
Bà Nguyễn Thị H. cho biết trước kia đây là vựa lúa của tỉnh Hà Tây cũ. Ngoài trồng lúa, các hộ dân còn trồng xen canh những loại rau, củ, quả, hoa mầu,... để tăng thêm thu nhập.
Ngày đó, dân cư sống ở đây thưa thớt, nhiều khi hai nhà cạnh nhau mà muốn đến chơi phải đi qua mấy hecta ruộng: "Lúc đó, nước tưới được lấy từ các con kênh, rạch trực tiếp từ sông Nhuệ. Nước sông Nhuệ lúc đó cũng chẳng bẩn như bây giờ", bà H. cho biết.
|
Chúng được ngăn dòng để đến tới các ruộng rau. Phía trước là ruộng húng quế. |
Nhưng do tốc độ đô thị hóa diễn ra với tốc độ chóng mặt, đặc biệt là từ khi Hà Tây cũ sát nhập vào Hà Nội, nghiễm nhiên Hà Đông trở thành một quận của Hà Nội mở rộng. Nhiều hộ gia đình bán đất ruộng cho những vị khách từ nơi khách đến để lập nhà, mở quán xá. Đường đi lối lại được thay da đổi thịt từng ngày.
|
Ruộng rau muống cũng được tưới tương tự |
"Bây giờ thì nhà cửa xây san sát nhau chẳng khác gì trong thành phố cả, nhà nào nhiều đất như nhà tôi thì vẫn trồng rau, trồng lúa đi bán", bà H. cho hay.
Chính vì nhà cửa nơi đây mọc lên chóng mặt như vậy đã vô tình chặt dòng dẫn nước từ sông Nhuệ tới vùng trồng rau này. Bà H còn tỉ tê: "Nước sông Nhuệ, với nước thải sinh hoạt thì có khác gì nhau đâu, cũng thế cả".
|
Kể cả những mớ rau húng ở đây cũng được khai thác để bán cho người tiêu dùng |
Theo ghi nhận của PV, loại nước đen ngòm này bao gồm nước thải sinh hoạt, chất thải từ các nhà máy, xí nghiệp xung quanh. Đặc biệt nơi đây nổi tiếng với làm thạch cao, phun sơn, xẻ gỗ, vì vậy không thiếu các loại hóa chất hòa tan với nước tạo thành một hỗn hợp nước tưới tiêu đặc sền sệt, lại có mùi hôi thối đặc chưng bốc lên.
Thậm chí, nơi đây là nơi "trao tình" cho những đôi nam nữ mỗi khi trời về khuya. Bao cao su được vứt la liệt từ bờ đến ruộng, nằm "ẩn mình" dưới dòng nước kia rất nhiều, nhiều đến nỗi không thể kể xiết.
|
Bao cao su nằm la liệt ngoài ruộng. |
Không những vậy, nhiều hộ gia đình phàn nàn rằng chính loại nước tưới tiêu này đã "đem lại" cho họ vô số các loại bệnh phát sinh từ ô nhiễm môi trường, đặc biệt là sốt xuất huyết. Anh Hoàng Văn T. cho biết hai đứa con của anh đã 2 lần bị sốt xuất huyết vì có quá nhiều ruồi, muỗi, lăng quăng làm tổ ở đây.
Hài hước hơn, có nhà sống ở ngay đằng trước phải mắc màn ăn cơm vì sợ ruồi muỗi bay vào. Chỉ cần để một miếng thịt ra ngoài, ngay lập tức cả tổ ruồi bay vo ve xung quanh.
Tại ruộng của bà H., có vài hecta chuyên trồng lúa, húng quế và rau muống. Rau được tưới bằng nước cống mà vẫn tốt tươi tới lạ kì. Trên những tán là vẫn còn đọng lại chút ít từ thứ nước đen đen. Bà H. cho biết, những mớ rau xanh "mơn mởn" của bà phải đem đi ra các chợ xa để bán vì dân ở đây chẳng ai dám mua.
|
Cả một ruộng lúa tít tắp được tưới bằng nước cống để bán. |
Anh T còn nói nhỏ: "Nước cống này ngấm vào đất rồi, nên có tưới nước sạch thì nó vẫn bẩn. Ngoài ra, mấy bà còn phun thuốc sâu, thuốc rầy. Thậm chí, còn bón bằng phân tươi của gà, của lợn, có khi cả của người cũng nên (?!)".
|
Thậm chí còn được bón bằng phân tươi |
Dù không thể kể hết những bất cập trong công tác, trồng trọt, tưới tiêu tại đây nhưng một điều hiển nhiên rằng, những mớ rau đó vẫn đang được bán ra chợ hàng ngày. Người dân dù có kĩ tính tới đâu vẫn phải ăn rau nước cống hằng ngày.