Vụ nuôi nhầm con 42 năm: Có thông tin người thân chị Trang

Google News

(Kiến Thức) - Thông tin mới nhất vụ nuôi nhầm con 42 năm trước, một số manh mối về người thân bé gái bị trao nhầm đã được tìm ra qua công an.

Liên quan đến vụ nuôi nhầm con 42 năm trước ở nhà hộ sinh quận Ba Đình – Hà Nội, tối qua 14/3, chị Tạ Thị Thu Trang đã tiết lộ cho phóng viên một số thông tin về người thân từ phía Công an quận Ba Đình mới có được.

Chị Tạ Thị Thu Trang, bé gái bị trao nhầm cho thai phụ Nguyễn Mai Hạnh, trú tại phố Quán Thánh (Ba Đình – Hà Nội) cách đây 42 năm cho biết, Công an quận Ba Đình mới thông báo với chị việc tìm được một số người cùng sinh vào ngày 10/10/1974, có thể là thân nhân của chị.

“Theo các anh Công an thông báo thì các anh ấy đã gặp những người này và đang cố gắng tiếp xúc thêm những trường hợp khác. Các anh ấy cũng bảo, để các anh ấy có thêm thời gian động viên những người có thể là bố, mẹ, anh chị em của tôi. Động viên họ đi thử AND mới có thể đưa ra kết quả cuối cùng” – chị Thu Trang vui mừng cho biết.

Cũng theo chị Thu Trang, một thông tin khá bất ngờ đó là có một gia đình ở Gia Lâm có con gái sinh vào cùng ngày, tháng, năm sinh và đặc biệt là cùng nhà hộ sinh Ba Đình như chị. Họ cũng đã chủ động đến nhà chị liên hệ để ngỏ ý muốn thử ADN.

“Khi biết thông tin qua truyền thông đại chúng, gia đình cô gái sinh cùng ngày tháng năm sinh với tôi bảo sao tôi giống em gái của cô ấy thế, giống không khác một điểm gì nhưng cô ấy lại không giống nhà tôi hiện tại”, chị Trang tiết lộ.
Theo chị Trang, nhìn chị và cô em gái của người phụ nữ sinh cùng ngày với mình khá giống nhau thế nhưng người này lại không giống ai trong nhà mình nên cô ấy tỏ ra lo sợ.
“Để biết chính xác đó có phải là người thân thực sự của mình hay không, hôm nay chúng tôi đã mang mẫu đi giám định ADN, bên trung tâm họ bảo ngày mai (15/3) họ sẽ báo kết quả. Hôm nay hai bên gia đình chúng tôi đã chia sẻ rất nhiều, khóc cũng rất nhiều”, chị Trang kể lại.
Chị Trang cũng cho biết, gia đình trên thấy nhiều điểm khá trùng hợp nên đã đến ngỏ ý nhận mình khiến chị rất cảm động. “Tôi không ngờ họ lại nhận mình, nếu không phải là con của họ thì không biết sao lại giống như thế. Bác trai bên gia đình ấy bảo cũng có linh cảm mình là con của họ. Tuy nhiên có thể là do thấy khuôn mặt giống quá nói vậy thôi chứ chắc gì mình là con người ta nhưng nếu mà đúng thì hạnh phúc quá”, chị Trang cười nói.“Đêm nay tôi lại hồi hộp không ngủ được”.
Theo chị Trang, điều làm chị rất xúc động trong ngày hôm nay đó là chia sẻ của cô gái sinh cùng ngày tháng năm sinh với chị. “Cô ấy chia sẻ với tôi rằng, nếu Trang là con đẻ của bố mẹ nhà mình thì mình là con nhà ai vì nếu mà so sánh thì cô ấy lại không giống ai trong nhà mình hiện tại cả? Câu nói ấy tôi nghe xong mà rớt nước mắt, tôi chỉ mong sao cô ấy vẫn là con của bố mẹ cô ấy, còn tôi thì chưa tìm được bố mẹ của tôi thì tôi sẽ tiếp tục đi tìm hoặc nếu đúng như thế thì sẽ cùng cô ấy tìm bố mẹ cho cô ấy”, chị Trang tâm sự.
Vu nuoi nham con 42 nam: Co thong tin nguoi than chi Trang
 Chị Vân và chị Thu Trang lật lại những tập hồ sơ để tìm manh mối.
Hiện tại, gia đình chị Trang vẫn đang nhờ cơ quan công an trợ giúp và gia đình chị nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình.
Theo chị Trang: “Có trường hợp rất giống nhưng bản thân người đó cũng không lên tiếng, đây là chuyện riêng tư nhưng người ta không đứng ra nhận thì mình cũng không thể làm khác được”.
“Mấy ngày hôm nay, sau khi câu chuyện nhầm con của gia đình tôi được chia sẻ đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của mọi người. Bản thân tôi nhiều đêm trằn trọc mất ngủ, tối nay chắc tôi lại không ngủ được và hồi hộp chờ đợi đến ngày mai để xem kết quả thế nào. Tôi và mẹ tôi hiện tại đều đã chuẩn bị tâm lý mong muốn tìm được cội nguồn của mình, còn nếu tìm được người thân hay không thì bản thân đã cố gắng hết sức rồi và cũng không hối hận”, chị Trang chia sẻ thêm.
Trước đó, gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (65 tuổi), ở đường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội đã nhờ cộng đồng mạng tìm kiếm người con gái bị trao nhầm cách đây 42 năm thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Ngày 10/10/1974, bà Hạnh sinh một cô con gái ở nhà hộ sinh quận Ba Đình. Những đứa trẻ được đánh số, cùng với số người mẹ. Bà Hạnh mang số 33, nhưng nhận được đứa trẻ mang số 32. Thắc mắc bà Hạnh hỏi nhân viên y tế rằng con mình là số 33, sao đây lại là số 32 thì nhân viên y tế cho rằng trong lúc tắm rửa số đánh dấu bị mờ. Khi ra tìm thì những đứa trẻ đánh số gần cạnh đều đã được gia đình đưa về hết.
Ôm đứa con về nhưng bà Hạnh luôn canh cánh trong lòng không yên và đứa bé được đặt tên là Tạ Thị Thu Trang. Đứa con nhận "nhầm" được gia đình bà hết mực thương yêu. Tuy nhiên, khi tuổi già, chồng mất bà Hạnh lại mong muốn tìm lại đứa con bị thất lạc từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa rõ tung tích người con gái. Chị Trang cũng mong muốn tìm lại được cội nguồn của mình.
Giang Vương

Bình luận(3)

Minh Hiền

Lê Quang Hưng

Tôi là người bố có con sinh ra trong những năm 70s, sau ngày giải phóng ở miền Bắc; lúc vợ tôi sinh tôi túc trực suốt tg sinh con, cho tới khi hộ lý mang bé đi tắm rửa tôi cũng có mặt để rồi ôm con mang vào đặt nằm cạnh mẹ nó; vì thế tôi nghĩ khó có chuyện trao nhầm con xảy ra, trừ trường hợp người ta cố ý tráo con vì lý do nào đó, ko cho mình chứng kiến. Vì thế, để xảy ra chuyện trao nhầm con tới 40 năm như bà Hạnh, 29 năm như của cháu Hiền thì lỗi chính là do cha mẹ ko quan tâm thực sự để tìm ngay dẫn đến nỗi đau cho con cái bây giờ. Cho nên, các bậc cha mẹ cần làm ngay việc xác định con của mình nếu thấy nghi ngờ?

Minh Hiền

Nguyễn Thanh TRâm

Mong rằng những người làm nghề hộ sinh quan tâm, cẩn thận trong công việc giữ và trao trẻ của họ, bởi sự sơ suất của họ là việc nhỏ và rất dễ xảy ra nhưng lại gây hậu quả nghiêm trọng cho những ông bố bà mẹ và những đứa con. Tôi vẫn luôn lo lắng và nghi ngờ về việc có thể nhầm con này, đặc biệt ở nước ta khi sinh thường không cho phép người nhà có mặt và giám sát, sản phụ sinh xong thường không tỉnh táo và nữ y tá tự bế con đi lau rửa luôn.

Minh Hiền

Bac Tu

Ngày xưa khi vợ tôi sanh con, tôi được biết có lúc đứa con bị cách ly hoàn toàn với người mẹ ( để tắm rửa hay vệ sinh gì đó) trong thâm tâm tôi thực sự sợ hãi với ý nghĩ : Các nhân viên có thể tắc trách bế nhầm hay đánh số nhầm gì đó thì sao? Đối với họ thì chỉ là sự nhầm lẫn bình thường của con người, nhưng đối với người cha người mẹ thì cả là một thảm kịch to lớn của đời người. Lúc đó tôi luôn tin thế nào cũng có sự nhầm lẫn nhưng chỉ biết cầu nguyện sao cho đó không phải là trường hợp của mình(!).