Tranh cãi việc lắp camera ở “phố đèn đỏ”

Google News

Trong khi lãnh đạo tại HN và TP HCM có quan điểm trái chiều về việc lắp camera ở “phố đèn đỏ” thì nhiều chuyên gia pháp lý cũng mỗi người một ý. 

Hiện đang có nghịch cảnh: Ở TPHCM rất tâm đắc với mô hình lắp camera ở “phố đèn đỏ” để ngăn cấm mại dâm (tại phường 12, quận Gò Vấp, TPHCM) thì ngược lại ở Hà Nội, nhiều cán bộ cấp phường lại tỏ ra phản đối với mô hình này.
Trong khi lãnh đạo địa phương ở hai thành phố lớn nhất nước đang có quan điểm trái chiều thì nhiều chuyên gia pháp lý khi được hỏi cũng mỗi người một ý. Trao đổi bên lề kỳ họp Quốc hội, ĐBQH Bùi Thị An cho rằng, việc lắp camera ở cổng, ngõ của người dân là việc làm bất bình thường và vi phạm quyền riêng tư cá nhân. Tuy nhiên, mô hình lắp camera ở quận Gò Vấp lại được bộ Công an khen thưởng và TPHCM đang tiến hành nhân rộng. Vì sao?
Cách làm thuận lòng dân?
Dẹp “phố đèn đỏ” khỏi khu dân cư là nguyện vọng của nhiều hộ dân ở TPHCM và Hà Nội. Trên thực tế, nhiều nơi người dân đã ngậm đắng với cảnh “sống chung với lũ”. Tình trạng cơ quan chức năng vừa ra quân chấn chỉnh thì vài ngày sau “gái làng chơi” lại vô tư hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, tại phường 12, quận Gò Vấp. TPHCM, trong hơn 2 năm qua, công an và nhân dân nơi đây đã tiến hành lắp đặt camera ở những khu “phố đèn đỏ” để theo dõi và mang đến hiệu quả hoàn toàn bất ngờ.
Tranh cai viec lap camera o “pho den do”
Trung tâm điều khiển, nơi giám sát hàng trăm camera trên địa bàn phường 12, quận Gò Vấp, TPHCM. 
Cụ thể, thông tin với báo chí, Trung tá Lê Thành Hưng, Trưởng Công an phường 12 , Gò Vấp cho biết, nhờ camera giám sát nên đã giải quyết được tệ nạn mại dâm trên đường Phan Huy Ích và Tân Sơn - nơi được gọi là "phố đèn đỏ" của thành phố. Do đường Tân Sơn nằm giáp ranh với phường 15, quận Tân Bình, nên khi bị truy quét gái bán dâm dạt về bên đó, không cách gì giải quyết dứt điểm.
Đơn vị của ông sau đó cho lắp 4 camera theo dõi ở hai trục đường. Tiếp đó, Công an phường 12 cho lắp camera đối diện các quán cà phê đèn mờ, những con hẻm là tụ điểm cờ bạc, đá gà. Một thời gian sau, những quán này đóng cửa hoặc chuyển đổi hình thức kinh doanh. “Lắp camera cũng như đánh vào tâm lý người ta. Thấy camera theo dõi, khách mua dâm đâu dám tới nữa” - Trưởng Công an phường 12 chia sẻ.
Nhờ hoạt động hiệu quả nên mô hình “camera giám sát khu dân cư” của phường 12, quận Gò Vấp được bộ Công an tuyên dương và đang được nhân rộng ra nhiều phường, xã tại TPHCM.
Ngược lại với tinh thần lạc quan của Công an phường 12, quận Gò Vấp, TP.HCM thì khi trả lời báo chí, bà Phạm Thị Hải Yến, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa - Hà Nội cho rằng, mô hình lắp camera trên các điểm nhà nghỉ, quán cà phê... như vậy là không đúng luật.
Theo bà Yến, lắp camera ở các điểm chốt giao thông thì hoàn toàn nhất trí, trong vườn hoa, sân chơi cũng có camera. Còn khu vực nhà nghỉ, khách sạn là quyền của người ta, theo quan điểm của cá nhân tôi như thế là vi phạm luật. Cũng theo bà Yến, đối với mục đích phát hiện mại dâm thì làm sao phân biệt được đâu là gái mại dâm hay khách đến nghỉ, đương nhiên nó sẽ trở thành việc làm vi phạm quyền riêng tư của con người.
“Mắt thần” có giải quyết tận gốc nạn mại dâm?
Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến khẳng định, ông phản đối quan điểm lắp camera ở “phố đèn đỏ” để hạn chế tệ nạn mại dâm.
Theo vị này, “việc lắp camera giám sát giao thông tại các ngã tư đường phố để phạt nguội hành vi vi phạm luật là chuyện bình thường, nên làm. Tuy nhiên, nên nhớ, tất cả camera này được lắp tại vị trí nơi công cộng, ngã ba, ngã tư. Với việc đặt “mắt thần” ở “phố đèn đỏ” trước nhà dân thì tôi cho rằng đã vi phạm về quy định quyền riêng tư của người dân”.
“Hiến pháp và pháp luật cũng có những quy định để bảo vệ quyền riêng tư, quyền hình ảnh của công dân. Tất cả mọi người đều bực mình và cảm thấy phiền phức khi camera lắp ngay đầu ngõ, trước cửa và hình ảnh sinh hoạt của gia đình mình được truyền đến một cơ quan, tổ chức hoặc người khác. Biết đâu trong “phố đèn đỏ” có nhiều nhà không kinh doanh mại dâm thì tại sao hình ảnh của họ bị thu vào camera. Chắc chắn, người dân sẽ phản đối việc làm này”, Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội nói.
Trái ngược với hai quan điểm trên, TS.Bùi Thị Đào, giảng viên đại học Luật Hà Nội cho rằng, lắp camera ở “phố đèn đỏ” chẳng có gì là vi phạm pháp luật. Bởi, đó là nơi công cộng. Sở dĩ, nhiều chuyên gia tranh cãi về việc bất hợp pháp của việc này là vì hiện nay không có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể.
“Tôi cho rằng, lắp camera ở “phố đèn đỏ” được xem là việc ứng dựng thành tựu khoa học kỹ thuật vào quản lý nơi công cộng. Giống như lắp camera ở nơi ngã tư để theo dõi giao thông. Còn quan điểm cho rằng việc lắp camera ở “phố đèn đỏ” là vi phạm quyền riêng tư theo tôi là không đúng. Bởi, theo quan điểm của tôi, “phố đèn đỏ” là nơi công cộng”, tiến sỹ Đào nói.
Mặc dù có sự tranh cãi về căn cứ pháp lý và cách ứng xử khác biệt giữa TPHCM và Hà Nội, nhưng các chuyên gia đều có chung nhận định, cách làm này chỉ giải quyết phần ngọn chứ chưa giải quyết được cái gốc của vấn đề.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc trung tâm Điều tra dư luận xã hội nhận định: “Camera ở cao tốc, ở ngã tư bị ném vỡ thì không có lý do gì mà camera ở các khu “phố đèn đỏ” lại không bị tấn công. Tôi cho rằng, nhà chức trách có lắp camera hay không, tính hiệu quả của nó đều phụ thuộc vào hành động của con người. Theo quan điểm của tôi, với hoạt động mại dâm ta nên quản lý hơn là chống”.
Đồng quan điểm, TS. Bùi Thị Đào nhận định, lắp camera nhưng ý thức của người dân không tốt thì cũng không có tác dụng gì. Nếu như ý thức kém, khi lắp camera ở phố này thì người ta lại đi phố khác. Do đó, tính hiệu quả của nó cũng cần nghiên cứu kỹ, tránh nhổ cỏ chỉ nhổ phần ngọn.
Hình từ camera không thể là bằng chứng để xử phạt
Trao đổi với PV, PGS.TS Phùng Trung Tập, Trưởng bộ môn Luật Dân sự, ĐH Luật Hà Nội cho rằng, hình ảnh camera ghi lại hình ảnh của cá nhân đến khu phố này không thể lấy làm bằng chứng để xử phạt hành chính hay kỷ luật về mặt tổ chức. Bởi vì, không ai có quyền cấm người “tử tế” đó đến khu phố này vì công việc, vì phải đi qua, vì vô tình, vì không có một thông tin chính thức nào xác định khu phố này “người tử tế” không được đến, cấm đến?
Hơn nữa, không có căn cứ nào để kết luận đối với người đến khu phố này là người mua bán dâm? Khi chứng cứ không xác định được thì không có căn cứ quy trách nhiệm nào đó cho người bị ghi hình trong camera! Không ai có quyền công bố hình ảnh của cá nhân đến khu phố này mà bị quay vào camera trên các phương tiện truyền thông, trang mạng xã hội. Vì hành vi này bị xác định là hành vi xâm phạm hình ảnh của cá nhân nhằm mục đích chống lại quyền tự do đi lại của cá nhân! Vì thiếu căn cứ xác định người đến khu phố này là người có mục đích mua bán dâm.
Chưa phải là giải pháp tổng thể
Trao đổi với PV bên lề Quốc hội về vấn đề này, ĐBQH Bùi Thị An (đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) cho rằng: “Tôi không ủng hộ việc lắp camera ở “phố đèn đỏ”. Bởi đây không phải là một giải pháp tổng thể để có thể hạn chế tiến tới loại bỏ tệ nạn mại dâm. Chính vì vậy, vấn đề này cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc. Việc lắp camera là một giải pháp tình thế để chống lại thực trạng mại dâm hiện nay.
Bởi cái gốc tệ nạn mại dâm xuất phát từ việc tuyên truyền chưa tốt, các cơ quan chức năng chưa làm hết nhiệm vụ của mình. Theo tôi, ở Hà Nội, nên dành camera cho các hoạt động như quan sát đường giao thông để xử phạt, lắp camera trong phòng hỏi cung để chống bức cung, nhục hình, ở những cơ quan hành chính để lãnh đạo đơn vị giám sát được nhân viên…”.
ĐBQH Bùi Thị An cũng cho rằng, hiệu quả của việc làm này sẽ không cao. Hơn nữa, việc lắp camera ở cổng, ngõ của người dân là việc làm bất bình thường, ảnh hưởng và vi phạm quyền riêng tư cá nhân. Nếu một gia đình vi phạm pháp luật, các cơ quan chức năng có thể đến lập biên bản, thậm chí là bắt giữ. Còn khi công dân làm những việc mà pháp luật không cấm thì không có lý gì để giám sát quá trình đi lại, làm việc của họ.
Vì tính hiệu quả của mô hình này nên đến nay phường đã có 230 “mắt thần” lắp tại 132 khu nhà trọ, 19 tuyến hẻm và nhiều tuyến đường với tổng kinh phí gần 850 triệu đồng. Lúc đầu, công an phường phải mang máy chiếu, hệ thống giám sát qua máy tính đến từng khu phố trình diễn mô hình cho người dân xem, ai cũng tâm đắc. Chính người dân đã đóng góp để mua hệ thống camera nói trên. Cũng từ đó tình hình an ninh trật tự được ổn định hơn.
Theo ĐSPL

Bình luận(0)