Ngày 21/9, sau khi dư luận bàn tán xôn xao về một bức ảnh trên diễn đàn mạng được cho rằng giống với hình ảnh mẫu tàu tuyến Cát Linh – Hà Đông, Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) đã công bố một số hình ảnh về đoàn tàu mẫu sắp được chuyển về Việt Nam để trưng bày lấy ý kiến người dân và các chuyên gia.
Theo đó, mô hình tàu điện mẫu tuyến Cát Linh - Hà Đông được sơn chủ đạo màu xanh, trắng; đầu tàu được thiết kế vát nhọn, có biểu tượng Khuê Văn Các, phía dưới là dòng chữ Cát Linh - Hà Đông....
Đoàn tàu gồm 4 toa xe, thân tàu sử dụng vật liệu thép không gỉ do Công ty Trách nhiệm hữu hạn trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh sản xuất.
|
Mẫu tàu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. (Ảnh: Ban Quản lý dự án Đường sắt) |
Ngay sau khi báo chí công bố những hình ảnh về đoàn tàu mẫu này, nhiều ý kiến bạn đọc và trên các diễn đàn mạng đã nổ ra một cuộc tranh luận sôi nổi.
Đáng chú ý, không ít các ý kiến cho rằng, đoàn tàu mẫu mà Ban Quản lý dự án Đường sắt công bố là quá xấu, nếu so sánh giữa Metro ở Sài Gòn và Hà Nội thì là một trời một vực.
“Cũng ở Việt Nam cả đấy. Cũng là vay tiền nhưng chấp nhận dễ dãi quá”, một bạn comment trên diễn đàn mạng.
Đồng tình với quan điểm trên, bạn đọc thanhtran… cho rằng, màu xanh này nhìn không sang trọng và không đẹp! Sao không lấy mẫu tàu của Nhật hay châu Âu: Hiện đại, đẹp và sang trọng nhiều so với mẫu thiết kế này! Xanh blue kết hợp với trắng hoặc trắng với đỏ... đẹp hơn và nhìn sáng sủa hơn!?
Trái với ý kiến trên, bạn đọc có nick facebook Viet Khanh cho rằng “Anh thấy mẫu tàu này khá đẹp, màu này chạy ở trên cao, đường phố Hà Nội sẽ bớt nóng bức, ngột ngạt. Tuy nhiên, anh thích nó được sơn màu xanh ngọc hơn”.
|
Nội thất bên trong đoàn tàu mẫu. (Ảnh: Ban Quản lý dự án Đường sắt) |
Cũng theo facebooker này, nói về mẫu mã, phải thừa nhận là Trung Quốc đi trước Việt Nam hàng chục năm về thẩm mỹ thiết kế, từ nhà cửa tới vật dụng... Sang Trung Quốc nhìn quy hoạch đô thị và thiết kế nhà cửa của họ mà thèm, hiện đại, phóng khoáng trang nhã vô cùng…
Đồng tình với ý kiến trên, bạn đọc Pham Hieu viết: “Trông cũng đẹp ấy nhưng nhìn cái đèn thì chợ trời quá, nhiều khi cặp mắt là cửa sổ tâm hồn nên làm đẹp hơn”.
Đã từng có dịp sống ở bên Pháp và đi qua một số nước khác bên châu Âu, Nhật Bản, hiện đang sống ở Singapore, bạn đọc Noname viết:
Thứ nhất, về kiểu dáng nhìn chung khá ổn, cũng như hầu hết các nước khác. Vì là tàu nội đô nên không cần quá nhiều chỗ ngồi, do đi ngắn, nhanh và độ biến thiên lớn.
Thứ hai, hàng ghế nên được phân chia từng ghế riêng biệt, tạo sự thoải mải khi ngồi, tránh trường hợp tranh giành ghế.
Thứ ba, các ghế gần cửa nên làm màu sắc khác biệt, dành riêng cho người cần ưu tiên (phụ nữ có thai, người cao tuổi, trẻ sơ sinh ...), và dán kí hiệu chỗ ưu tiên vào đó. Cái này tôi nghĩ quan trọng.
Thứ tư, không cần cửa ngăn giữa các toa, để thông nhau vừa thoáng vừa tăng số hành khách.
Thứ năm, tại mỗi cửa ra vào nên có cần kéo dừng tàu khẩn cấp, và có nút bấm để nói chuyện với train captain hoặc operator.
Thứ sáu, tại cửa lên xuống tàu ở sân ga nên kẻ vạch phân chia chiều lên, chiều xuống tránh lộn xộn khi lên/xuống tàu. Cá biệt bên Nhật họ còn kẻ hàng 2 bên cửa tầu để mọi người xếp hàng tránh xô lấn. Cái này rất cần thiết ở Việt Nam. Mặc dù biết rằng cần nhiều nỗ lực và thời gian tuyên truyền để mọi người có ý thức xếp hàng.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, một số chuyên gia giao thông cho biết, do Ban Quản lý dự án mới công bố các bức ảnh chụp cho nên rất khó có thể đánh giá chính xác về đoàn tàu.
“Cuối tháng 10 khi đoàn tàu mẫu được trưng bày, chúng tôi sẽ tới tham quan và đưa ra những ý kiến riêng”, một chuyên gia thận trọng.
Theo hợp đồng đã ký kết với phía Trung Quốc, Việt Nam sẽ mua 13 đoàn tàu cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Chi phí mua tàu là hơn 63,2 triệu USD đã được Bộ Giao thông thẩm định.
Theo kế hoạch, trong tháng 10 tới, toa tàu mẫu sẽ được tổng thầu Trung Quốc đưa về Việt Nam. Sau đó sẽ được trưng bày tại vị trí thuận lợi để người dân đến tham quan và góp ý.