Trước đó, báo Công lý đã có bài: “Dân liều mình qua kênh bằng thang sắt tự chế”, phản ánh tình trạng 56 hộ dân với trên 100 nhân khẩu bị chính quyền phá cầu tạm với lý do để khơi thông dòng chảy khiến người dân đi lại rất khó khăn, phải đi lại qua kênh bằng thang sắt, mất an toàn.
Theo ghi nhận của PV có mặt tại thôn 6, xóm Lưỡi A, xã Thành Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá), hiện cầu mới đã được chính quyền xã Thành Lộc cho làm lại cầu bằng 2 ống cống to, được chèn bằng các bao tải đất, phía trên mặt đổ đất đá để việc đi lại được thuận tiện.
|
Con đường mới qua kênh |
Anh Nguyễn Văn Hải, hiện đang xây nhà dở phải dừng vì không vận chuyển được nguyên liệu vui mừng cho biết: “Sau khi báo chí phản ánh những khó khăn của các hộ dân, UBND xã đã tiến hành làm cây cầu tạm mới để dân chúng tôi đi lại. Toàn bộ kinh phí do xã bỏ ra, dân chỉ mất 2 ngày công và một ít đất đắp nền”.
Về nguyên nhân phá cầu tạm khi chưa làm cầu mới, theo tìm hiểu được biết để khơi thông dòng chảy. Ngày 23/6/2017, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, ông Nguyễn Văn Luệ đã ban hành Công văn số 613/CV-UBND đề nghị các bên liên quan tháo gỡ cầu tạm. Công văn nêu rõ: “Kênh tiêu 10 xã có nhiệm vụ tưới tiêu cho 2322 ha cho các xã: Đại Lộc, Thành Lộc, Cầu Lộc…Tháng 4/2011, Công ty TNHH XDVT Xuân Thanh xin được đặt 1 cống dẫn tạm trên kênh 10 xã để vận chuyển đất san lấp. Sau khi thi công xong công trình, đến nay công ty vẫn chưa tháo gỡ cống dẫn tạm, bên cạnh đó khẩu diện của cống nhỏ và bị bồi lắng, nên mỗi lần bơm nước tưới cho các xã vùng dưới thường gây ách tắc, làm ngập úng một số diện tích lúa mạ. Huyện yêu cầu: Giao cho UBND xã Thành Lộc, chịu trách nhiệm chính thông báo cho nhân dân thôn 6 biết chủ động việc làm cầu để đi lại, không gây cản trở trong quá trình tháo gỡ cống nói trên. Thời gian tháo gỡ phải xong trước 5/7/2017".
Trao đổi với PV, ông Phạm Duy Tấn - Chủ tịch UBND xã Thành Lộc cho biết: “Sau khi báo phản ánh, UBND xã đã xin ý kiến và được UBND huyện đồng ý, chúng tôi đã tiến hành làm cầu tạm mới để các hộ đi lại an toàn và thuận lợi hơn, toàn bộ kinh phí xã trích ngân sách, các hộ chỉ đóng góp ngày công. Cái thiếu sót của chúng tôi là khi phá dỡ cầu cũ chưa có phương án làm cầu mới ngay khiến người dân bức xúc".
Còn việc thu 5 triệu đồng/hộ, tổng số tiền xã thu của 23 hộ là 115 triệu đồng, không đưa vào ngân sách xã, thu xong xã bàn giao lại để thôn mở rộng đường, làm cầu và đường điện. 33 hộ mua đất đợt sau, xã vận động mỗi hộ ủng hộ từ 3-5 triệu đồng vào xây dựng nông thôn mới. Do là xã khó khăn, nguồn thu ít trong khi các công trình cấp thiết khác đã xuống cấp trầm trọng nên chính quyền địa phương dùng số tiền trên đầu tư vào sửa sang trường học và trạm ý tế xã.