Xem video:
Lật mặt nhà sư giả danh đi khất thực xin tiền tại Hà Nội
Kỳ 3: Chú tiểu bỏ chạy khỏi chùa
Để tìm hiểu về sư Cường, chúng tôi tìm gặp chú tiểu Vũ Quang Huy. Theo người dân kể lại, cách đây chưa lâu, sư giả Đỗ Văn Cường dọa thiêu cả chú tiểu Huy, vốn được người dân quanh vùng Minh Tân yêu quý. Báo hại, Huy hoảng hồn xách hành lý chạy bán sống bán chết, đến giờ vẫn chưa dám quay trở lại chùa.
Có thời gian ở cùng trong chùa Hồi Long (Minh Tân, Kinh Môn, Hải Dương), nên Huy trực tiếp chứng kiến những hành vi ngang trái của sư giả Đỗ Văn Cường. Chú tiểu này nhận định: “Nếu quả thực là người tu hành thì không thể chấp nhận nổi. Vẫn biết rằng đúng sai sẽ có pháp luật soi xét, nhưng nếu thờ ơ, chúng ta sẽ có tội lớn với những ai đã, đang, và sắp bị lừa…”.
Trước, chú tiểu Huy vốn tốt nghiệp khoa Du lịch của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Nhưng không biết do căn số thế nào mà cậu chỉ thích đi chùa chiền. Đến năm 2013, Vũ Quang Huy chính thức xuống tóc thụ giới, đi theo một sư thầy đức cao vọng trọng ở Hải Dương.
Năm 2014, sư thầy đó bị ốm nặng, cộng với sự phản đối của gia đình nên Huy chuyển về tu tại chùa Hồi Long cho gần nhà. Huy quen một người đàn ông tên Hùng, vốn là trợ lý trông coi mọi việc lớn nhỏ ở chùa Hồi Long khi Đỗ Văn Cường suốt ngày bỏ đi mất tăm mất tích. Khi ông Hùng ngỏ lời, sư giả đồng ý luôn và không quên khuyến khích: “Về chùa thầy nuôi, trông chùa cho thầy, và mỗi tháng được cho thêm 1 triệu để chi tiêu”.
Thế nhưng, tiền đâu chả thấy, chỉ thấy chủ nợ thường xuyên tìm đến chùa đòi tiền. Có người vì quá bức xúc mà chửi bới ầm ĩ chốn tôn nghiêm. Ông sư Cường thì thoắt ẩn thoắt hiện. Chùa không hương, không nến, không đèn không dầu, hương tàn khói lạnh…
Bản thân sư giả cũng bỏ mặc chú tiểu tự lo ăn ở cùng với các cụ già trong vùng. Số tiền hàng tháng của dân đóng góp vào các ngày rằm hoặc ngày mồng 1, Đỗ Văn Cường đều lấy và mang đi đâu mất, vì sư giả này nắm giữ chìa khóa hòm công đức.
Huy bảo, thời gian đầu, mối quan hệ giữa chú tiểu và sư giả cũng rất bình thường. Vốn là người tu hành, nên việc Đỗ Văn Cường không trả tiền như đã hứa, cộng với việc mặc kệ cho bản thân phải tự mình lo ăn ở, Huy cũng rất bình thản, không một lời than vãn oán trách.
Tuy nhiên, có những chuyện cứ phát sinh trong thời gian ở chùa làm cho mâu thuẫn giữa 2 thầy trò ngày càng bột phát.
Việc đầu tiên là sư Cường cứ thu của mỗi cụ trong vùng 20 ngàn mỗi tháng, bảo là để nấu xôi chè cúng phật. Nhưng chè đâu không thấy, hỏi thì Cường gắt gỏng bảo là vẽ chuyện.
|
Đơn tố cáo số tiền bị chiếm đoạt hơn 10 triệu đồng của anh Đào Duy Hiếu. |
|
Chân dung sư giả Đỗ Văn Cường. |
Có một người lái xe tên Hiếu ở Hà Nội suốt ngày tìm đến đòi tiền. Nghe đâu sư giả phỉnh nịnh thuê anh ta lái xe đưa đi khắp nơi cả năm trời mà không trả tiền. Đòi mãi không xong, anh Hiếu chỉ còn biết nhờ cậy chú tiểu và ông Hùng nói khó với sư. Đáp lại chỉ là thái độ khó chịu và lẩn tránh của Đỗ Văn Cường. Hết cách, anh Hiếu đành gửi đơn tố cáo đến Công an thị trấn Minh Tân.
Trước đó, dân làng Bích Nhôi có đóng góp một số tiền đáng kể đúc 3 pho tượng thành hoàng làng và Quan Nghè để mang về thờ phụng. Tượng được đúc ngay tại chùa, nhưng được một thời gian ngắn, chưa kịp hoàn thiện thì đã biến mất.
Chú tiểu và dân làng có hỏi thì sư Cường bảo rằng được thần báo mộng, đúc áo giáp không đúng ý của ông ta, nên sư mang đi sửa. Chờ mãi không thấy, các cụ chỉ biết đoán già đoán non là do sư giả gom tiền rồi không trả tiền cho bên đúc tượng mà biển thủ, bên thi công đành đến thu hồi lại tượng. Sự việc cho đến giờ vẫn đang được tìm hiểu, các Phật tử cũng vì ngại ngùng nên không ai lên tiếng.
|
Những hình ảnh thường thấy của sư Đỗ Văn Cường. |
Đỉnh điểm mâu thuẫn giữa 2 thầy trò là vào hồi đầu tháng 11 năm nay, khi mà bà Nguyễn Thị T., thân sinh của sư giả từ trần sau một thời giam lâm bệnh. Chú tiểu cùng các Phật tử đã khuyên bảo hết cách nhưng Đỗ Văn Cường nhất quyết không về quê chịu tang mẹ, còn chửi bới tất cả mọi người.
Trước đó, Huy có nghe kể rằng không biết có mâu thuẫn gì, mà có lần mẹ cùng chị gái của sư tìm về chùa Hồi Long, Cường đuổi thẳng cả 2 người ra khỏi chùa giữa đêm tối. Các Phật tử cho ngủ nhờ và đóng góp tiền để họ lên xe về quê ngày hôm sau.
Nghĩa tử là nghĩa tận, hơn nữa dù sao thì gia đình bà T. cũng có mối liên hệ với chùa Hồi Long, nên khi nhận được tin bà T. mất, mặc cho sư giả cấm đoán, chú tiểu Huy cùng mọi người vẫn cứ đi viếng tang. Sau lần ấy, Đỗ Văn Cường đuổi thẳng chú tiểu ra khỏi chùa.
Các cụ già vẫn giữ Huy lại, bởi cậu vốn hiền lành và sống có đức độ từ khi chuyển về tu hành tại chùa Hồi Long. Sư cường trong một lần trở về chùa, biết chú tiểu vẫn còn được nhân dân bao bọc, liền tức tối tuyên bố: “Có Cường thì không có Huy, mà có Huy thì không có Cường, một trong 2 người phải có kẻ đổ máu ở đây!”.
Nói là làm, Đỗ Văn Cường xách về can xăng để sẵn trong phòng riêng của mình. Nhân lúc chú tiểu có việc ra ngoài, Cường bê cả tủ quần áo của Huy ra chỗ hóa vàng đốt sạch.
Lúc Huy về chùa, các Phật tử lại bảo rằng sư dữ quá, chú tiểu nên tạm lánh đâu đó một thời gian cho yên thân, lỡ có xảy ra chuyện thì chết. Vũ Quang Huy hoảng hồn đành mang theo những đồ đạc còn sót lại bỏ chạy.
PV VTC News đã tìm về xã Phương Liên, Thường Tín, Hà Nội để tìm hiểu về thân thế của sư giả Đỗ Văn Cường cũng như chứng thực câu chuyện đau lòng vừa được chú tiểu kể lại.
Vì một số lý do tế nhị và không gặp được người thân trong gia đình nhà bà T., nhưng rất nhiều người dân quanh đó xác nhận sự việc là có thật. Hôm tang lễ, chỉ có đoàn Phật tử của chùa Hồi Long tìm về, không thấy có mặt Đỗ Văn Cường. Thậm chí, một người hàng xóm bảo rằng, ông Đỗ Văn T. (bố đẻ sư Cường) do quá uất ức đã nói thẳng, nếu một lần nữa có nhìn thấy đứa con bất hiếu ấy, ông sẽ vác dao chém chết…