Chân dung ông sư "đại bịp" trong chùa ở Hải Dương

Google News

Ông sư bịp “chém gió” gì mà mấy hôm sau, các cụ đưa hẳn sư Cường về, xếp chỗ cho ông ta trong chùa.

Kỳ 2: Cám cảnh sư chạy trốn, chùa bỏ không, dân bị lừa…
Chùa Hồi Long (Minh Tân, Kinh Môn, Hải Dương) tiêu điều lạnh lẽo. Phía trong là dãy nhà khóa im ỉm, cửa mốc rêu phong, chỉ có mấy con chó sủa vang khi thấy có người lạ tiến vào.
Nếu như không có người dân chỉ dẫn, thì tôi cũng không biết đó là chùa Hồi Long, và nếu như khách lạ chắc họ sẽ nghĩ đó là một di tích hoang phế ở Minh Tân.
Một người dân ở cạnh đó (giấu tên) cho biết, chỉ mấy ngày trước, họ mới thấy Đỗ Văn Cường xuất hiện ở chùa Hồi Long, vào phòng rồi khóa kín cửa, rồi cũng nhanh chóng biến mất khi nhìn thấy những chủ nợ bắt đầu lảng vảng gần đó.
Một cụ ông tên T. khẳng định: “Hồi trước ông sư bịp Cường thường xuyên có mặt ở chùa, vận động bà con quyên góp, mà chùa cũng chả thấy thay đổi gì. Dạo gần đây, toàn thấy người ta tìm đến đòi nợ, rồi sư lại bỏ đi, hoặc nếu có về thì cũng ít ai biết được, may chăng thỉnh thoảng mới có người nhìn thấy…”.
Chan dung ong su
Cổng chùa Hồi Long. 
Ông T. còn bảo thêm, cũng chả hiểu vì sao mà cái hồi năm 1997, các cụ lại mời sư Cường về. Hồi đó, chùa Hồi Long chưa có ai chăm nom. Một ngày đẹp trời, có mấy cụ đang ngồi uống nước chè đầu ngõ thì bắt gặp Đỗ Văn Cường lang thang ở thị trấn Minh Tân, rồi kéo lại nói chuyện, xưng là Thích Trung Nguyên.
Không biết ông Cường “chém gió” kiểu gì mà mấy hôm sau các cụ đưa hẳn sư Cường về, xếp chỗ cho ở trong chùa, rồi làm hẳn đơn xin cho gã sư bịp làm trụ trì. Tuy nhiên, chỉ mới ở chùa được ít lâu, thì Đỗ Văn Cường đã gây chuyện.
Trong buổi làm việc với công an Minh Tân, ông Nguyễn Kế Thừa, trưởng công an thị trấn thừa nhận, từ khi Đỗ Văn Cường về cho đến nay không hề cung cấp được bất cứ tài liệu, giấy tờ nào liên quan đến bản thân, và luôn có thái độ bất hợp tác với chính quyền địa phương.
Đồng thời, công an Minh Tân cũng cung cấp cho chúng tôi một loạt văn bản của cả bên Giáo hội Phật giáo huyện lẫn bên cơ quan công an xung quanh sự việc Đỗ Văn Cường.
Chan dung ong su
Đơn xin tạm trú của Đỗ Văn Cường. 
Đầu năm 2000, từ sau những sự việc lùm xùm của sư giả tại chùa Hồi Long, công an huyện Kinh Môn đã có văn bản thông báo để BCH Đảng ủy và UBND Minh Tân nắm được, đồng thời thông báo cho toàn thể nhân dân trong xã biết và tố giác những hành vi phạm pháp của Đỗ Văn Cường với cơ quan pháp luật, đồng thời cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo của sư giả này.
Văn bản này cũng cho biết, từ giữa năm 1995, Đỗ Văn Cường có vào học tại trường cơ bản phật học Đại Tòng Lâm ở thị trấn Phú Mỹ (Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu). Tuy nhiên mới được nửa năm, đến tháng 2/1996, Cường đã bị đuổi học vì lý do đi quyên góp tiền trái phép cho bản thân nhưng lại nói là quyên góp cho nhà trường. Sau đó, Cường dạt về nhà “đại bịp” Lê Quốc Hổ ở Đức Giang (Long Biên, Hà Nội), và đến 1997 thì chuyển về chùa Hồi Long.
Tháng 4/1998, sư giả này đến nhà chị B.T. ở phường Hòn Gai (Hạ Long, Quảng Ninh) để vận động quyên góp. Trong khi ngồi nói chuyện, thấy chủ nhà có đeo một chuỗi hạt ngọc trai khá đẹp (giá trị vào thời điểm đó là 3,6 triệu đồng), Đỗ Văn Cường bảo chị đưa chuỗi hạt về chùa để trì chú đeo cho may mắn, hẹn 1 tuần sẽ gửi trả. Nhưng chị B.T. mòn mỏi chờ đợi, thậm chí đến tận chùa Hồi Long để đòi nhưng vẫn không có kết quả.
Tháng 9/1998, sư giả này dẫn đoàn phật tử Hà Nội về chùa Hòa Liễu (Thuận Thiên, Kiến Thụy, Hải Phòng) làm lễ và biểu diễn văn nghệ. Trong chuyến đi đó, Cường “tiện tay” hỏi vay tiền của một quan chức trong xã, và sau đó mất tích mặc cho chủ nợ đã tìm đến chùa Hồi Long nhiều lần.
Cũng cuối năm đó, sư giả có nhờ một phụ nữ ở Hà Nội đưa lên Vĩnh Phúc để đóng giá chuông và giá trống với giá hơn 5 triệu. Tuy nhiên, Đỗ Văn Cường chỉ trả được có 2 triệu. Phần còn lại cùng với tiền thuê xe để chở đồ về Hải Dương, sư giả chạy làng.
Chan dung ong su
 

Chan dung ong su
Văn bản thông báo của Công an huyện Kinh Môn. 
Ngoài ra, còn vô số các vụ việc khác mà PV VTC News đã thu thập được đầy đủ bằng chứng lẫn hồ sơ trong lần về điều tra tìm hiểu về nhân vật đình đám đang “đại náo” cửa phật ở chùa Hồi Long. Nhưng, tại sao những sự việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đã rõ như ban ngày như thế, Đỗ Văn Cường không bị trục xuất khỏi chùa hoặc khởi tố?.
Nhiều người khi được hỏi đến đều bảo rằng, không hiểu sao mà vào cái thời ấy, khá nhiều bô lão vẫn tin theo những lời đường mật của gã. Cứ mỗi lần chính quyền đến làm việc, một số phật tử còn huy động cả con cháu ra để bảo vệ. Thậm chí, có cụ còn tuyên bố: “Động vào ông Cường phải bước qua xác tao”.
Nghe tin có nhà báo đến tìm hiểu vấn đề, một loạt cụ già kéo chúng tôi vào một ngôi nhà đóng kín cửa ở thị trấn, rồi thi nhau kể tội sư Cường, cam đoan những câu chuyện kể là sự thật 100%.
Các cụ yêu cầu chúng tôi không được quay phim, chụp ảnh cũng như giấu kín thân phận cho họ. Bởi họ bảo mình già rồi, mình cũng là nạn nhân, mang tiếng với họ hàng.
Một số cụ còn lo ngại nếu sư Cường biết mình kể tội thì sẽ tức giận mà làm phép yểm bùa thì các cụ sống cũng không được yên ổn. Tuổi già rồi, ai cũng muốn được bình yên nơi cửa Phật và vui vầy với con cháu, chỉ tại những hành động không chấp nhận được đang diễn ra ở chùa Hồi Long mà họ phải đứng lên tố cáo.
Một số cụ già còn cung cấp thêm, hiện tại vẫn đang còn một số Phật tử tìm mọi lý do bảo vệ cho sư giả Đỗ Văn Cường mỗi lần trở về chùa Hồi Long.
Khi được hỏi lý do, một phật tử nói kiểu nửa đùa nửa thật: “Chúng tôi mất ít, còn những người đang che chở Thích Trung Nguyên chắc có lẽ họ đã bị lừa kha khá. Giờ nếu mà sư Cường bị bắt hay mất tích, thì họ chả biết đòi vào đâu, mà lỡ lộ ra chuyện thì mang tiếng với con cháu, với làng xóm. Đành phải bảo vệ sư và giữ sư lại ở chùa, may chăng còn có cơ hội đòi được nợ...".
Theo VTC News

Bình luận(0)