Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) vừa đề nghị truy tố Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây Dựng – VNCB, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) và 23 đồng phạm về hành vi cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng (còn gọi là giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh).
Theo kết luận điều tra vừa mới hoàn tất, việc vi phạm quy định về cho vay, cố ý làm trái xảy ra tại bốn ngân hàng gồm: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank), Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB).
|
Phạm Công Danh sau phiên phúc thẩm đầu năm 2017 vụ đại án 9.000 tỉ |
Trong vụ ‘đại án’ xảy ra tại VNCB liên quan đến Phạm Công Danh, Cơ quan tố tụng đã quyết định tách phần liên quan tới ba ngân hàng Sacombank, TPBank và BIDV ra để điều tra sau.
Nay cơ quan này cho biết đã đủ cơ sở kết luận ông Danh và các đồng phạm đã gây thiệt hại cần phải truy tố đưa ra xét xử.
Cụ thể từ năm 2012, ông Danh với chức vụ Chủ tịch HĐQT VNCB đã chỉ đạo các lãnh đạo, nhân viên ngân hàng và nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh lập các hồ sơ khống để vay tiền ngân hàng rồi sử dụng và trả nợ mặc dù lúc này VNCB đang bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Cụ thể, ông Danh đã vay tiền lòng vòng từ ngân hàng này để trả nợ cho ngân hàng kia. Danh đã lập hồ sơ, chứng từ khống để vay 1.800 tỉ đồng từ ngân hàng Sacombank để trả 1.700 tỉ đồng tiền nợ cho BIDV. Ông Danh còn dùng tiền vay được từ TPBank để mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung (do ông Danh sáng lập).
Ngoài ra, ông Danh còn dùng tiền gửi của VNCB tại BIDV để bảo lãnh và trả nợ thay cho 12 công ty do mình thành lập. Kết luận điều tra thể hiện hành vi nêu trên của ông Phạm Công Danh và đồng phạm gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.000 tỉ đồng.
Cũng cần nhắc lại, ‘đại án’ VNCB giai đoạn 1 với số thiệt hại "khủng" là 9.000 tỉ. Đó là khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu TrustBank (9/2012), Phạm Công Danh đã nắm quyền kiểm soát, chi phối TrustBank (sau này đổi tên là VNCB). Thời điểm đó, TrustBank đang bị Ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát và mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỉ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát- NHNN.
Ông Danh ở vị trí là Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCB, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Thiên Thanh, đã chỉ đạo thuộc cấp thực hiện các hành vi phạm tội gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỉ đồng. Cụ thể ông Danh đã dùng các công ty do mình thành lập để ký hợp đồng khống, rút tiền từ VNCB để chi tiêu cá nhân và trả nợ cho Tập đoàn Thiên Thanh của ông. Từ tháng 12/2012 đến tháng 5/2014, ông Danh đã đề ra chủ trương, chỉ đạo, tổ chức phân công cho những nhân viên dưới quyền của VNCB và những nhân viên làm thuê tại Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật...
Và với những hành vi này, hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên phạt Phạm Công Danh 30 năm tù về các tội cố ý làm trái và vi phạm quy định về cho vay và hàng loạt đồng phạm khác phải lãnh án.