Không chỉ có người dân Đà Nẵng nhớ ông Bá Thanh mà có rất nhiều người ở tận trong Nam, ngoài Bắc, trong dịp này đã tìm về Đà Nẵng và đến viếng mộ ông - người mà họ ngưỡng vọng vì đã để lại trong lòng người dân những dấu ấn khó phai.
|
Ông Nguyễn Bá Thanh.
|
Ông Lưu Ba, người chạy xe ôm trước ga Đà Nẵng kể lại câu chuyện sáng ngày 24/1, khi trời vừa sáng, chuyến tàu nhanh HN-SG vừa đỗ lại ga Đà Nẵng thì một người đàn ông vừa xuống tàu liền nhờ ông chở đến mộ ông Nguyễn Bá Thanh (ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang).
Người này nói quê ở Nghệ An nhưng sống ở Khánh Hòa, đợt ông Thanh mất ông không thể ra viếng nên đợt ngày về quê tranh thủ ghé Đà Nẵng thắp nén hương.
“Ông này trạc tuổi 50 nhưng cứ một hai xưng ông Nguyễn Bá Thanh là bác” - ông Lưu Ba cho biết.
Ông chỉ mang một túi xách nhỏ, một ấm trà và tờ báo nhờ tôi chở đến mộ thắp hương rồi về. Hôm đó trời Đà Nẵng đột ngột trở lạnh, trời rét tôi run cầm cập nhưng dù ông ăn mặc phong phanh vẫn ngồi trước mộ ông Bá Thanh rót trà uống chung. Ông ngồi hồi lâu rồi ngước lên tấm mộ bia nói như khóc “Tiếc quá bác Bá Thanh ơi” “ - ông Ba kể.
Theo người trông coi phần mộ của ông Nguyễn Bá Thanh, trong suốt năm qua, không có ngày nào khu mộ bác Nguyễn Bá Thanh vắng người hương khói. Ngày thường đã vậy, những dịp lễ, tết thì lượng người đổ về thắp hương viếng ông không có chỗ chen chân. Phần đông trong số họ là những bác xích lô, anh xe ôm, những bạn trẻ một thời lầm lạc, những cặp vợ chồng gặp nhau trong trại cai nghiện... đã được ông giúp đỡ, hỗ trợ họ làm lại cuộc đời.
Trong khi chờ thắp hương viếng ông, một bác xích lô quen ở chợ Hàn nhớ lại, “Hồi trước tụi tui làm ăn lầm lũi, đâu có ai nhớ tới. Tự dưng cái tết năm 2000 tụi tui được thành phố lì xì cho 200 nghìn đồng. Số tiền đó với gia đình tui lớn lắm, đủ ăn một cái tết có bánh, mứt, thịt heo và hai bộ đồ mới cho hai đứa nhỏ. Gia đình tui ơn bác Thanh lắm. Từ đó đến nay, năm nào gia đình tui cũng được thành phố hỗ trợ tiền tết”.
Một bạn trẻ ghé chợ Hàn mua hoa hồng trắng viếng mộ ông, chị bán hoa hỏi mua làm gì. Khi nghe cô bạn này nói mang lên mộ bác Thanh, chị bảo để chị làm cái lẵng hoa đẹp hơn và giảm 50 nghìn dù giá hoa giáp Tết khá đắt. Chị kể: hồi xưa ông ghé đến chỗ tụi tui miết. Mà chị lên đó thắp giùm tui nén hương nghe.
Bên cạnh khu mộ ông Nguyễn Bá Thanh, những người dân tưởng nhớ ông đã dựng một tấm bảng, trên đó họ viết những câu thơ, nốt nhạc để nói về ông. “Một giọt sương xuân, một giọt sầu; Một cành hoa rụng thôi còn đâu; Một con chim lạc, muôn người tiếc; Một kiếp tài ba, ai biết đâu” hay “Đón Xuân thắp nén hương lòng; Ngày 30 tết từng dòng người đi; Tiễn Người trong cảnh sầu bi; Sông Hàn sóng gọi, còn chi nữa mà”...
Có lẽ khó có ai làm quan mà khi mất đi lại được nhiều người dân thương tiếc và ngưỡng vọng như ông Nguyễn Bá Thanh. Tên ông gắn liền với danh xưng Đà Nẵng. Người ta thường gọi ông là ông Thanh Đà Nẵng.
Danh xưng này dành riêng cho ông - “Một "kiến trúc sư trưởng" của một Đà Nẵng từng ngày đổi mới. Một người không chỉ có bản lĩnh và tầm nhìn đủ để suy nghĩ và hành động đúng đắn, mà còn biết lắng nghe và sẵn lòng điều chỉnh những cách nghĩ, cách làm mà ông vừa kịp nhận ra là chưa thật đúng, là có phần sai” (báo Xuân Đà Nẵng 2016).
Và rồi trong ngày giỗ ông, chắc sẽ có nhiều nén hương sẽ tỏa khói làm ấm chỗ ông nằm, và nhiều nén hương lòng sẽ cháy mà không cần lửa.