Phố cổ Hội An có nguy cơ bị cuốn trôi ra biển

Google News

"1/3 diện tích của phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam sẽ bị cuốn trôi ra biển và đổ sập xuống sông", lãnh đạo thành phố Hội An khẳng định.

Hiện triều cường liên tục tấn công bờ biển Cửa Đại, gây lo lắng cho hàng trăm hộ gia đình và các chủ khách sạn dọc bờ biển này.
"1/3 diện tích của phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam sẽ bị cuốn trôi ra biển và đổ sập xuống sông", lãnh đạo thành phố Hội An khẳng định như vậy trước nguy cơ của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong khi đó, kinh phí đầu tư nhỏ giọt hằng năm không đủ để chống lại nạn sạt lở ngày càng nghiêm trọng.
Bước vào mùa mưa bão năm nay, dù mới chỉ trải qua 1 đợt không khí lạnh với gió cấp 6, cấp 7 nhưng những đợt triều cường liên tục “tấn công” bờ biển Cửa Đại, gây lo lắng cho hàng trăm hộ gia đình và các chủ khách sạn dọc bờ biển này.
Bờ biển Cửa Đại bị nước biển xâm thực sâu vào đất liền. 
Hơn 1 tháng qua, đoạn bờ biển dài hơn 300m, từ khu vực bãi tắm công cộng Cửa Đại xuống tới Khu nghỉ dưỡng Victoria bị sóng biển cày nát. Hàng dừa ven biển bị sóng đánh bật gốc nằm ngổn ngang, các cột điện cũng trơ đế do nước biển xâm thực.
Trước đây, khu vực này có rừng dương bao bọc, nay bị từng đợt sóng cao hàng mét cuốn phăng ra biển. “Bức tường chắn sóng” cho các khu nghỉ dưỡng Victoria, Beach resort Hội An đồng thời là vành đai bảo vệ tuyến đường Âu Cơ bị khoét sâu thành những hàm ếch.... uy hiếp tính mạng của hàng trăm hộ dân ở phường Cửa Đại, thành phố Hội An.
Để bảo vệ khẩn cấp bờ kè này, UBND thành phố Hội An vận động nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn góp sức kè tạm đoạn bờ biển bị sạt lở.
Ông Đặng Thu - phường Cửa Đại - TP Hội An tham gia thi công kè biển.
Bờ biển Cửa Đại dài 3 km nhưng không có nơi nào còn nguyên vẹn, có đoạn bị xâm thực sâu vào đất liền hơn 40m. Để bảo vệ đoạn bờ biển Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư 50 tỷ đồng xây dựng tuyến kè biển. Nhưng sau 2 mùa bão, khu vực này tiếp tục bị sạt lở nặng. Hiện, UBND tỉnh Quảng Nam trích nguồn kinh phí dự phòng 10 tỉ đồng đầu tư xây bờ kè khẩn cấp theo cách vừa làm vừa lập hồ sơ.
Thế nhưng, thi công vào thời điểm sóng to gió lớn như hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Đơn vị thi công phải sử dụng phương pháp kè mềm gia cố mái taluy, bằng cách dùng bao địa kỹ thuật bơm đầy cát, trọng lượng 1,6 tấn kê liền nhau, tạo thành bức tường chắn sóng. Đồng thời, đóng cọc thép sát mép nước để bảo vệ bờ bao bên trong.
Theo ông Lê Đình Dương, Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Toàn Cầu - đơn vị thi công kè biển Cửa Đại, đây chỉ là giải pháp tạm thời chống xâm thực trong mùa mưa bão.
Phương án dùng cọc thép chắn sóng trong giai đoạn thi công kè biển. 
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã phê duyệt dự án “Xây dựng công trình kè chống xâm thực bờ biển Hội An”, với tổng mức đầu tư gần 300 tỉ đồng. Công trình này được xây dựng tại 2 phường Cẩm An và Cửa Đại với tổng chiều dài 7.600m, chia thành 2 giai đoạn. Do thành phố Hội An nằm ở cuối sông Thu Bồn, một bên là biển, một bên sông nên rất khó chống chọi với tình trạng sạt lở.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Chúng tôi kiến nghị Nhà nước phải khảo sát lại, để chỉnh trị dòng sông Thu Bồn và khảo sát nạo vét cửa biển vì cửa biển cạn khiến nước mùa lũ giữ lại lâu hơn”.
Hiện nay, trong số 15 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2011- 2015 được đầu tư ở địa bàn tỉnh Quảng Nam, có Dự án tái tạo, phục hồi khu rừng dừa Cẩm Thanh, với tổng kinh phí 7,5 tỷ đồng. Đến khi dự án này hoàn thành sẽ góp phần giúp chính quyền và người dân phố cổ Hội An ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ di sản.
Theo VOV

Bình luận(0)