Chiều 3/12, tại cuộc họp báo thường kì, PC67 (Công an TP Hà Nội) đã cung cấp, giải đáp các thông tin về công tác đảm bảo TTATGT trong tháng 11 và việc tiến hành xử phạt vi phạm giao thông qua hệ thống camera.
Xử phạt qua camera, người vi phạm không thể chối cãi
Tại buổi họp báo, Đại diện PC67 (Công an TP Hà Nội) cho biết, trong tháng 11/2015 đã kiểm tra xử lý hơn 42.000 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 12 tỷ đồng, tạm giữ 2.085 phương tiện và 15.604 bộ giấy tờ, tước 2.783 GPLX.
Riêng hai ngày 1 và 2/12, qua hệ thống camera, PC67 đã tiến hành xử lý 58 trường hợp vi phạm, lập biên bản xử lý theo đúng quy định, phát hiện 68 trường hợp vi phạm khác để xác minh và gửi văn bản đến chủ phương tiện để yêu cầu chủ phương tiện hoặc đại diện chủ phương tiện hoặc người có hành vi vi phạm cùng phương tiện vi phạm đến trụ sở Công an để giải quyết. Đáng chú ý, có hai trường hợp xe công vụ (một biển xanh, một biển đỏ) và một xe buýt cũng bị xử phạt.
|
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng cung cấp, giải đáp các thông tin liên quan cho PV. |
Theo thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội), việc xử phạt qua camera giúp cho ý thức người tham gia giao thông được nâng lên rõ rệt vì người dân sẽ tự định hình được mình đi trên đường có camera giám sát, nếu vi phạm sẽ bị xử lý.
Ngoài ra, việc xử phạt qua camera chính là hình ảnh khách quan, bằng chứng xác thực nhất khiến người vi phạm không thể chối cãi; góp phần làm giảm thiểu việc dừng, đỗ sai quy định, gây ùn tắc giao thông.
Không thể lấy hình ảnh người dân, báo chí cung cấp làm căn cứ xử phạt
Liên quan đến vấn đề phạt nguội, người dân có quyền khiếu nại khi bị xử phạt qua hệ thống camera hay không, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Người vi phạm hoàn toàn có quyền khiếu nại. Khi có quyết định xử phạt nếu người vi phạm cho rằng kết luận xử phạt của CSGT chưa chính xác và khách quan, người vi phạm có thể gửi kiến nghị đến các cơ quan trực tiếp thụ lý vụ việc, theo đúng quy định của Luật khiếu nại. Nếu không được giải quyết thỏa đáng thì tiếp tục kiến nghị lên cấp cao hơn nữa.
Về ý kiến thắc mắc nếu người dân phát hiện hành vi vi phạm Luật giao thông, chụp ảnh rồi gửi về cơ quan CSGT thì có được chấp nhận hay không, thiếu tá Hùng cho biết: "Theo quy định tại Thông tư số 165, những hình ảnh thu được do cơ quan báo chí, người dân cung cấp chúng tôi sẽ tiếp nhận kết hợp với tài liệu khác để xác minh. Nếu đúng thì chúng tôi sẽ báo cáo cấp lãnh đạo để ra quyết định xử lý chứ không được lấy đó làm căn cứ xử phạt".
Trả lời câu hỏi của PV Kiến Thức về phương thức áp dụng phạt nguội với những xe ngoại tỉnh, Thiếu tá Hùng cho biết: "Với những trường hợp là xe ngoại tỉnh thì xe biển số tỉnh nào vi phạm sẽ gửi danh sách về Phòng CSGT của tỉnh đó cùng phối hợp xử lý. Ngoài ra còn gửi về các điểm đăng ký xe để khi các xe đó đi sang tên đổi chủ sẽ có các biện pháp để họ thực thi trách nhiệm đối với vi phạm".
Tuy nhiên, theo ông Hùng, việc xử phạt nguội chưa có chế tài đủ mạnh nên lực lượng CSGT rất mất thời gian trong việc xác minh đối với tài xế vi phạm. Hiện chưa có chế tài, quy định để tiến hành xử phạt chủ xe đối với trường hợp cho thuê, cho mượn.
Ông Hùng cho rằng, để nâng cao hiệu quả trong việc xử phạt nguội và tránh gặp phiền phức cho cả người dân và lực lượng CSGT, khi trao đổi, mua bán, tặng… cần làm thủ tục sang tên đổi chủ.