Khoảng 8h38 sáng nay (7/4), theo kết quả do Trưởng ban kiểm phiếu Huỳnh Văn Tí công bố, ông Nguyễn Xuân Phúc nhận được 446/490 phiếu đồng ý (tương đương 90,28 % tổng số đại biểu Quốc hội), 44 phiếu không đồng ý(tương đương 8% đại biểu Quốc hội).
Như vậy với đa số đại biểu Quốc hội đồng ý, Uỷ viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức trở thành Thủ tướng mới, vị Thủ tướng thứ 2 được bầu trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII.
|
Ông Nguyễn Xuân Phúc trở thành Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam |
Đứng trước cờ Tổ quốc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ: "Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào nhân dân cả nước, tôi xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ Quốc, Nhân dân và Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Tôi nguyện ra sức phấn đấu rèn luyện để hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Quốc hội ghi nhận lời tuyên thệ. "Chúc đồng chí hoàn thành nhiệm vụ và thực hiện đúng lời tuyên thệ hôm nay", bà Ngân nói khi tặng hoa chúc mừng ông.
Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị mới, ông Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ nỗ lực hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tất cả vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa , dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng văn minh.
"Chính phủ và Thủ tướng sẽ nghiêm túc lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của đồng bào, cử tri cả nước, khắc phục hạn chế, yếu kém...; nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; kiên quyết kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, đem lại cuộc sống ấm lo, hạnh phúc, an ninh, an toàn cho người dân", bài phát biểu có đoạn.
“Là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, tôi sẽ cùng các đồng chí thành viên xây dựng Chính phủ vững mạnh, đoàn kết nhất trí, hiệu lực, hiệu quả, hành động quyết liệt; hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo tinh thần Hiến pháp và pháp luật”, tân Thủ tướng hứa.
Người đứng đầu Chính phủ cam kết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám giát, hợp tác của Quốc hội, của Chủ tịch nước, MTTQ Việt Nam và toàn thể nhân dân, Chính phủ và Thủ tướng tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và kết quả đạt được của các Chính phủ tiền nhiệm; nghiêm túc lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của đồng bào cử tri cả nước, ra sức khắc phục yếu kém, nỗ lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.
Thủ tướng cũng đề cập đến nhiệm vụ tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, kiên quyết, kiên trì, vững tâm bảo vệ sự độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; không ngừng chăm lo đời sống vật chất tinh thần ấm no hạnh phúc, an toàn, an ninh cho nhân dân.
Kết thúc bài phát biểu, tân Thủ tướng gửi lời cảm ơn trân trọng tới ông Nguyễn Tấn Dũng và các Thủ tướng tiền nhiệm về những đóng góp với đất nước. Tặng hoa chúc mừng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc ông Dũng sức khoẻ, hạnh phúc và tiếp tục có những đóng góp trên nhiều phương diện cho đất nước.
Ông Nguyễn Xuân Phúc năm nay 62 tuổi, quê ở Quảng Nam. Ông là ủy viên Trung ương Đảng khóa 10, 11, 12; ủy viên Bộ Chính trị khóa 11, 12; đại biểu Quốc hội khóa 11, 13.
Tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, ông làm cán bộ Ban Quản lý kinh tế Quảng Nam - Đà Nẵng, sau đó làm Chánh Văn phòng UBND tỉnh này.
Học xong quản lý hành chính nhà nước tại Học viên Hành chính Quốc gia, ông về làm Giám đốc Sở Du lịch, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Thời gian này, ông tiếp tục học quản lý kinh tế tại Đại học Quốc gia Singapore.
Giai đoạn 1997-2009, ông Phúc làm Phó Chủ tịch kiêm trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam rồi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam hai nhiệm kỳ 1999-2004 và 2004-2009.
Tháng 3/2006 đến 5/2006, ông làm Phó tổng Thanh tra Chính phủ. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 10, ông được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Hơn một năm từ tháng 6/2006 đến tháng 8/2007, ông là ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ủy viên Ủy ban Kinh tế - Ngân sách khóa 11.
Ông làm Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng từ tháng 8/2007 đến năm 2011. Đại hội Đảng lần thứ 11, ông được Ban chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13 năm 2011, ông được phê chuẩn làm Phó Thủ tướng.
>>> Xem thêm video: Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức - Quốc hội