Uống đắng cho nó tỉnh
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn ở thôn Me, xã Nghĩa Trung (Việt Yên, Bắc Giang) để thấy rõ hơn tình cảnh hiện thời của ông sau những năm tháng ngục tù oan khuất. Cánh cổng khép hờ không khóa, ngôi nhà cũ tênh hênh không bóng người.
Tưởng lầm nhà, chúng tôi gọi với. Con chó vàng còi cọc xích bên gốc cây nhổm dậy, mắt trân trân nhìn khách lạ, chỉ ư ử kêu chứ không sủa. Từ sau nhà, người đàn ông da sạm, gầy đen xuất hiện, đó là ông Chấn. Trên khuôn mặt khô xác ấy, một nụ cười không có gì là ấm áp thiết tha. Nó chỉ đủ hiền lành thôi.
Vẫn theo thói thường, chưa biết khách là ai nhưng ông Chấn đã mời vào nhà. Ông đon đả chạy đi pha nước. Trong lúc ấy, tôi kịp ngắm quanh ngôi nhà để biết cảnh tình ra sao. Ngôi nhà ngói cũ bốn gian, tường vôi vữa đã hoang hóa rơi rụng; một gian để làm buồng đựng những thứ linh tinh như giẻ rách, xô thủng. Ba gian còn lại là nơi sinh hoạt của cả gia đình.
Gian nhà giữa là nơi đặt ban thờ tổ tiên cùng một chiếc tủ bị bụi phủ mờ. Gian phía tay phải kê hai cái giường mà mắt thường cũng thấy nó ọp ẹp lắm, lại cáu bẩn bởi hai cái chiếu ám mùi mồ hôi. Phía gian trái để một cái giường nhỏ tin hin đủ một người nằm. Đối diện cái giường nhỏ này là cái bàn uống nước cạnh cửa sổ, hướng nhìn ra con chó vàng. Tôi đồ rằng, những thứ ấy như hàng chục năm bà vợ đi kêu oan kia chẳng có thời gian chăm chút, lau chùi. Mà lau chùi làm chi, khi người chẳng có thời gian để mà cười.
Ông Chấn bưng khay nước lên cùng một ly cà phê và đĩa bánh quy ỉu. Ông bảo: Cà phê ngon thật, tôi uống để tỉnh táo, để không phí cái giờ phút tự do. Nói rồi ông gạn ra chén mời tôi. Nhấp một ngụm, tôi nhăn mặt vì cà phê đắng ngắt không đường. Ông Chấn cười: Nhà hết đường rồi chú ạ! Uống đắng cho nó tỉnh.
|
Ông Chấn hạnh phúc trở lại cuộc sống đời thường. |
Hình như lúc ấy ông giời đi ngủ
Ông Chấn lờ mờ nhớ lại cái thời khắc kinh hoàng dẫn ông vào 10 năm oan sai: "Hôm xảy ra án mạng, chính tôi là người đã gọi điện báo công an. Tôi cũng là người điện thoại cho chồng nạn nhân về gấp; rồi đem điện giăng sáng cho người ta mổ tử thi. Tôi còn đi mua gà nấu cháo cho công an ăn đêm. Rồi mang xe ngựa của nhà đi mua quan tài cho nạn nhân kia mà.
Tôi vốn làm anh phu xe ngựa, lại nhanh nhảu tháo vát, nghĩ hàng xóm có chuyện thì tận tình giúp. Thế nhưng, hình như lúc ấy ông giời đi ngủ. Ông để cho những kẻ vô lương, bất tài ghép tôi vào cái tội tày đình. Cái còng số tám chính thức bập vào tay tôi vào chiều 28/9/2003 giải đi trại Kế".
|
Ngày nào ông Chấn cũng thắp hương xin tổ tiên phù hộ để không bị oan khuất. |
Họ cho dựa cột, đòm phát là đứt!
"Tôi vẫn nghĩ mình không có tội thì sẽ được ra ngay. Nhưng đâu có, tôi bắt đầu mê man, hoảng loạn khi bị nếm nhục hình. Họ đấm đá thụi bịch chán thì cầm dép vã mạnh vào mặt khiến tai trái của tôi bị điếc. Họ không cho ngủ và nằng nặc bắt tôi nhận tội. Tôi không nhận, họ còn đá dập cả ống xương tay của tôi. Chú cứ xem cái phim chụp này thì biết", ông chấn kể.
Đang lúc ấy thì vợ ông Chấn, bà Nguyễn Thị Chiến đi đâu về. Bà giơ cái phim chụp X-quang cho tôi xem. Bà than thở: “Nào đã hết, sau này chồng tôi vào tù còn bị cái thằng tên là Phạm Duy Hồng bóp hạ bộ gần chết. Bộ Công an cũng đã điều tra về điều này rồi, thằng Hồng nó cũng đã nhận”.
Ông Chấn cắt lời vợ: "Tôi chẳng làm gì mà vẫn bị thằng Hồng lao vào bóp hạ bộ. Một số bạn tù bảo tôi hay là giết quách cái thằng khốn nạn ấy đi. Tôi lắc đầu bảo không. Đến con kiến tôi còn chẳng dám di tay cho nó chết, huống hồ con người. Mà từ khi bị còng số 8 bập vào tay, đêm nào tôi cũng nghĩ. Thôi thì đổ cho phận mình hẩm hiu, phận của con sâu cái kiến. Mình sống vô vi thôi, oán trách chẳng ai được gì. Chỉ mong các ông công an, ông tòa án và những người cầm cân nảy mực làm việc sao cho thật thà. Mong cho những người oan sai như tôi không còn một giây, một phút nào phải chịu nhục nhã nữa.
Bố tôi là liệt sĩ. May mà bố tôi hy sinh, chứ nếu không phải là con liệt sĩ thì tôi đã vàng xương rồi. Chỉ cần họ cho dựa cột, bắn đòm một phát là coi như đứt. Cọp chết để da, người chết để tiếng. Cái tiếng của thằng giết người thì ghê tởm lắm. Mà tôi không lo cho mình mấy đâu, lúc nào cũng nghĩ cho vợ con kia mà.
Tôi đi tù, ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học phải bỏ dở, chỉ còn đứa út được học cho biết cái chữ. Nhưng nó cũng ôm hận nuôi sầu nhiều lắm. Mẹ già của tôi đi ăn đám, mâm cỗ sáu người ngồi mà họ chỉ bổ thức tráng miệng ra có năm miếng. Nhẽ ra là kính lão đắc thọ, nhưng mẹ tôi trơ ra không được miếng nào. Miếng ăn là miếng nhục, nhưng mẹ tôi còn nhục hơn khi không được chia phần.
|
Ông Chấn cho PV xem những kỷ niệm của bạn tù. |
Tròn 5 tháng tôi thấy mặt trời
Hôm nay chú đến đây, cũng là tròn 5 tháng tôi được nhìn thấy ánh mặt trời. Tôi đang làm cái tấm chắn chuồng lợn giúp vợ con đỡ vất vả. 10 năm tôi tù ải họ đã khổ lắm rồi. Vợ tôi mấy thứ bệnh nặng, có khi đơ ra như sắp chết. Nhiều lúc nghĩ dại, tự nhiên họ lại đến còng tay mình giải đi thì chắc bà ấy chỉ còn nước đập đầu chết đi mà thôi.
Câu chuyện đang dang dở, bà Chiến sực nhớ điều gì đó mới hỏi chồng: “Có phải nhà mình bị ám bùa gì không hả ông?”. Ông Chấn mới nhớ ra: "Trước mấy tháng bị bắt, tôi gặp một ông già bán gương bát quái. Ông ấy đưa cho tôi một cái túi vải bảo chôn trước nhà. Tôi cũng làm theo, rồi tai họa ập xuống.
Bà Chiến quay sang nói với tôi: "Lạ lắm chú ạ, cái cây trầu trước nhà đang tươi tốt thì lụi dần đi từ khi chồng tôi bị bắt. Suốt mười năm nó chỉ còn một cái mầm. Nó diễn biến theo thăng trầm của ông ấy. Hôm ông ấy được thả, tự dưng cái mầm xanh vụt lên tươi tốt lạ thường. Chỉ mong sao nó đừng lụi đi nữa".
Trời sẩm tối, tôi đọc câu thơ của sa môn Thích Hạnh Hải như món quà tặng người oan khuất trước lúc từ biệt: “Sống không giận, không hờn, không oán trách”. Ông Chấn thẩn thơ nghĩ, rồi bật câu đáp mà 10 năm oan tù ông đã học được của một triết nhân: “Đời kham khó bất công đừng oán hận/Làm bạn ân tình tức nhẫn tại tâm”.
Chồng tôi năm nay là 54 tuổi. Năm ngoái tuổi hạn 53, nhưng lại ra tù. Coi như 10 năm oan sai là cái hạn trời bắt phải vậy. Bốn đứa con tôi giờ có thể ngẩng mặt mà đi rồi, chúng không còn phải chịu cái tiếng có bố giết người nữa. Nhưng thực tình tôi lúc nào cũng lo ngay ngáy. Nhỡ, tự dưng người ta ập vào bắt chồng tôi đi và phán là có tội thì sao? Ai mà biết trước được điều gì, chú nhỉ? Bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn)