Sáng 22/8, TAND TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã mở lại phiên tòa đưa bị cáo Lê Thị Minh Trang (SN 1984, trú 120/39 Nguyễn Thiện Thuật, Nha Trang, nguyên thiếu úy phòng PC67
Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Khánh Hòa) ra xét xử về tội “tham ô tài sản” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Mặc dù tòa triệu tập 178 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, cùng 767 người làm chứng nhưng chỉ có 4 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và 15 nhân chứng đến tòa. Sau khi hội ý, tòa đã quyết định xét xử.
|
Bị cáo Lê Thị Minh Trang trước vành móng ngựa.
|
Tại phiên tòa, Trang khai chỉ biết thu chứ không rõ quy định xe giá trị bao nhiêu thì thu bao nhiêu, mà do các đồng nghiệp khác truyền lại. Tòa hỏi ghi chênh lệch nhằm mục đích gì thì Trang bảo không nhằm mục đích gì mà ghi theo sự chỉ đạo đã có từ trước đó, bị cáo chỉ làm theo và người lãnh đạo trực tiếp là bà Phạm Thị Khánh (đội phó). Số tiền thu được hàng ngày, Trang cũng giao nộp cho bà này, nếu bà này vắng mặt thì nộp cho một đội phó khác hay đội trưởng trực ngày đó. Tòa hỏi giao có ký nhận không thì Trang khai “lính chỉ chấp hành chứ không có ý kiến gì hết, vì đã nhận sự chỉ đạo phân công”. Tòa truy, tiền chênh lệch hàng ngày ai kiểm tra, kiểm soát? Trang khai “Cuối ngày giao lại biên lai, lãnh đạo kiểm đếm tiền”. Tòa tiếp, tiền của mình thu sao giao cho người khác đếm thì Trang bảo “Đó là “mệnh lệnh” không được ý kiến, bị cáo mới bước chân vào đi làm cấp trên nói phải nghe theo, việc làm của bị cáo có sự giám sát của lãnh đạo”.
Tại phiên tòa Trang cũng cho rằng tiền mà bị cáo gửi ngân hàng, đứng tên của bị cáo là do bà Khánh chỉ đạo gửi vì để ở đội sợ đồng nghiệp mượn và mang biên lai về nhà viết cũng được bà Khánh cho mang về. Tòa hỏi có gì làm bằng chứng không thì Trang nói “mệnh lệnh” từ miệng chứ không có giấy tờ gì làm bằng chứng, mới về làm nên làm theo “mệnh lệnh” chứ không biết là vi phạm
pháp luật. Cũng theo Trang chính bà Khánh viết ra giấy hướng dẫn cho bị cáo làm theo, số tiền chênh lệch thu được Trang nộp hết cho bà Khánh, vì là lính không biết được số tiền đó và cũng không được chia gì hết cứ làm việc như một cái máy thế thôi. Theo Trang thì việc làm của mình không sai vì làm theo sự chỉ đạo của lãnh đạo. “Một mình bị cáo không thể nào làm được mà cả một tập thể, việc làm này đã có từ trước và ai cũng có hành vi ghi phiếu sai, tại sao các người khác chỉ bị xử lý hành chính còn bị cáo thì bị truy tố”. Trang nói.
Cũng theo cáo trạng, trong quá trình điều hành, chỉ huy và quản lý của một số lãnh đạo Phòng PC67 và chỉ huy Đội đăng ký quản lý phương tiện gồm ông Phan Long Để, bà Cao Thị Đoàn, ông Cao Cân, ông Văn Hùng, ông Huỳnh Dương Tuấn, bà Phạm Thị Khánh đã không kiểm tra, giám sát việc thu tiền phí, lệ phí đăng ký biển số xe mô tô, để cho Trang chiếm đoạt tiền, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước và các chủ phương tiện. Tuy nhiên, khi phát hiện ra sai phạm của Trang, lãnh đạo Phòng PC67 đã báo cáo kịp thời toàn bộ sự việc lên cấp trên để xem xét chỉ đạo, xử lý. Đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để cơ quan CSĐT làm rõ vụ án. Các cá nhân trên là những cán bộ công tác lâu năm, có nhiều đóng góp cho ngành
công an. Sau khi sự việc xảy ra. Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa đã quyết định xử lý kỷ luật hành chính. Vì vậy không xem xét trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân trên.
Một số cán bộ của Phòng PC67 như Trần Nguyên Sinh, Lê Thị Ngọc Trinh, Phạm Thị Khánh, Nguyễn Thị Mai, Ngô Thị Hồng Trường, Phan Ngọc Anh, Mai Thị Kiếm, Nguyễn Đình Phú, Đinh Tấn Anh, Nguyễn Hoàng Minh, Nguyễn Quốc Thắng trong quá trình thu tiền phí, lệ phí đăng ký mới biển số xe mô tô, ở mức độ khác nhau cũng có những sai phạm tương tự nhưng cơ quan CSĐT không thu được liên 2 (liên giao cho chủ xe) nên không đối chiếu, xác định được có hay không sự chênh lệch số tiền với liên 1 và liên 3 (liên lưu và liên báo soát). Do đó, không đủ căn cứ chứng minh được động cơ vụ lợi. Số cá nhân này sai phạm có mức độ. Đã thừa nhận sai phạm và khắc phục hậu quả thiệt hại do mình gây ra. Công an tỉnh Khánh Hòa đã kiểm điểm, xử lý kỷ luật và điều chuyển công tác đến đơn vị khác theo quy định của ngành.
Dự kiến phiên tòa diễn ra trong 2 ngày.
Theo cáo trạng, Trang công tác tại Đội đăng ký, quản lý phương tiện thuộc Phòng PC 67 (Công an tỉnh Khánh Hòa), được giao nhiệm vụ thu tiền phí, lệ phí đăng ký biển số xe ô tô. Lợi dụng nhiệm vụ được giao, Trang đã có hành vi gian dối trong việc thu tiền phí, lệ phí để chiếm đoạt tiền và gây thất thu ngân sách nhà nước.
Theo đó, trong thời gian từ ngày 1/1/2008 đến ngày 31/5/2011, Trang đã thu tiền phí lệ phí đăng ký xe mô tô sai với quy định của nhà nước 9.508 xe. Chiếm đoạt 41.600.000 đồng và gây thất thu cho ngân sách nhà nước tổng số tiền 2.036.618.083 đồng.
Cụ thể thu thừa 35 xe, gây thiệt hại cho chủ phương tiện 7 triệu đồng, thu thiếu 9.473 xe, gây thất thu cho ngân sách nhà nước 2.069.000.000 đồng. Trong đó, cơ quan điều tra thu được 150 tờ biên lai (liên 2) thể hiện số tiền Trang ghi ở liên 2 cao hơn số tiền ghi ở liên 1 và liên 3. Qua đó Trang chiếm đoạt số tiền 41.600.000 đồng. Số tiền còn lại 2.027.400.000 đồng, mặc dù Trang khai nhận có chiếm đoạt, cũng với phương thức thủ đoạn nêu trên, nhưng cơ quan điều tra không thu được liên 2 của biên lai thu tiền phí, lệ phí và các giấy hẹn có ghi tắt số tiền phải nộp của mỗi xe nên không đủ cơ sở chứng minh Trang chiếm đoạt số tiền này. Tuy nhiên, Trang phải chịu trách nhiệm về việc gây thất thoát cho ngân sách nhà nước số tiền 2.027.400.000 đồng và thu thừa 35 xe gây thiệt hại cho chủ phương tiện 7 triệu đồng. Số tiền lệ phí đăng ký biển số xe mô tô thu được, Trang gửi một phần vào tài khoản cá nhân của Trang tại ngân hàng từ ngày 10/9/2008 đến ngày 15/4/2010 tổng cộng 328 triệu đồng, số tiền lãi phát sinh là 2.218.083 đồng. Toàn bọ số tiền này Trang đã sử dụng vào mục đích cá nhân.