Đại tướng Võ Nguyên Giáp có cách nhìn sâu sắc, toàn diện về vai trò và sức mạnh tiềm ẩn của giáo dục. Theo Đại tướng, giáo dục là mục đích của cuộc sống, vì con người, không chỉ có sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài mà còn có sức mạnh tạo ra những giá trị văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ và thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhắc nhở: “Mục tiêu cao nhất của giáo dục là chuẩn bị những người chủ hiện tại, những người quyết định vận mệnh của đất nước và của bản thân mình”. Vì vậy chúng ta dễ hiểu sự lựa chọn của Đại tướng “Nếu không có chiến tranh, tôi vẫn làm nghề dạy học”. Thời gian đang còn sinh viên trường Luật, Đại tướng được nhiều Giáo sư người Pháp đánh giá cao về tài - trí.
Năm 1938, Người đã thi đỗ ngoại hạng về môn kinh tế - chính trị, Giáo sư người Pháp là Kherian và Ông Gaetor Pirou (Đổng lý văn phòng của Thủ tướng Paul Doumer) đã bàn bạc để đưa Đại tướng sang Pari học tập. Nhưng đó không phải là sự lựa chọn của Đại tướng với lý do thật đơn giản "Không thể rời bỏ bạn bè và hành động như một người ích kỷ”. Sau khi ra trường, Võ Nguyên Giáp dạy học môn lịch sử tại Trường trung học Thăng Long.
Ở cương vị là nhà giáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đóng góp rất lớn cho ngành Giáo dục nói chung - cho cán bộ, giáo viên giảng dạy bộ môn Lịch sử nói riêng với những kinh nghiệm hay, một số phương pháp dạy học có giá trị. Đại tướng đề cao tinh thần tự học và tự nghiên cứu của giáo viên, học sinh. Trong trí nhớ của nhiều thế hệ học sinh, ông không những diễn giảng rất giỏi về các đề tài lịch sử mà còn có phương pháp sư phạm tốt.
Họ vẫn còn nhớ hình ảnh của Đại tướng đang đứng trên bục giảng: "Đứng thẳng trước lớp, ông nhìn thẳng vào đám học trò và dõng dạc nói: Khá nhiều sách nói về lịch sử nước Pháp, nếu muốn các em có thể tham khảo. Tôi chỉ nói với các em 2 chủ đề: cuộc cách mạng và Napoleon”. Sự hấp dẫn của bài giảng bắt đầu từ việc nêu vấn đề và hướng người học tập trung vào sự kiện, từ sự kiện rút ra bản chất và bài học lịch sử. Trong giảng dạy lịch sử, Người luôn coi trọng tính khách quan của sự kiện, đề cao phân tích nhân vật lịch sử để học sinh hiểu lịch sử, biết được thời đại mà họ đang sống.
Ông Bùi Diễm, cựu đại sứ của Ngô Đình Diệm thời đó là cậu bé 13 tuổi, vẫn không bao giờ quên được phương pháp sư phạm của Đại tướng: "Sự miêu tả chi tiết về sự tàn tạ của vương triều cũng như đồi bại của Mari Antoinette đã đưa học trò đến một nhận định không chút nghi ngờ về số phận dành cho nền quân chủ Pháp; học trò như bị hút hồn về cuộc cách mạng Pháp, về những nhân vật nổi bật của thời đại đó.... Ông muốn học trò hiểu tại sao một đội long kỵ binh lại được bố trí chính xác như thế hay đội cận vệ của Napoleon đã nổ súng đúng lúc như thế nào để giành thắng lợi”.
Người hiện lên trong tâm trí của chúng ta là một người thầy tâm huyết, giản dị, gần gũi với học sinh. Những người được học với Thầy là những nhân vật có tên tuổi trong lịch sử Việt Nam như các ông Lê Đức Thọ, Nguyễn Thành Lê.... Một số trong số họ đã từng nói: “ Chúng tôi rất thích Ông. Ông đã dạy rất hay cho chúng tôi nghe về cách mạng Pháp. Ông không nói với chúng tôi quan điểm của Ông nhưng Ông dẫn lời của Danton bằng giọng sang sảng và say sưa”.
Mặc dù Đại tướng được thế giới biết đến bởi thiên tài quân sự nhưng hình ảnh vị tướng “văn võ song toàn” còn ghi dấu ấn rõ nét trong ký ức của người dân Việt Nam với tư cách là nhà giáo dục. Đại tướng mang cốt cách của một nhà giáo ưu tú và thật sự tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của đất nước. Đại tuớng không khi nào hết lo lắng, trăn trở vì sự nghiệp giáo dục.
Người nhấn mạnh: “Giáo dục rất quan trọng. Muốn chấn hưng đất nước, muốn đào tạo con người có ích cho xã hội thì phải coi giáo dục là ưu tiên bậc nhất. Hiện giờ, giáo dục có nhiều thành tích nhưng kém hơn so với các nước trong khu vực”. Đánh giá thẳng thắn của Người về giáo dục là một dịp để cán bộ giáo viên nhìn nhận lại trách nhiệm của chúng ta với sự nghiệp giáo dục của đất nước.
Sự ra đi của Đại tướng là một mất mát lớn của cả dân tộc và ngành Giáo dục đã mất đi “Người Thầy vĩ đại”. Nhưng với chúng tôi, Thầy giáo - Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn sống mãi.