Tất cả các câu hỏi đều đề cập đến vấn đề Trung Quốc đưa giàn khoan HD981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông.
|
Ông Daniel Russel - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ. |
- Xin ông cho biết quan điểm và phản ứng của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc TQ đưa giàn khoan HD981 ra đặt tại khu vực biển của VN?
Như tôi đã đề cập, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra tuyên bố chính thức mà tôi nghĩ là các bạn nên tham khảo.
Điểm mà tôi nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với các quan chức VN là Mỹ quan điểm mạnh mẽ rằng những tranh chấp về tuyên bố chủ quyền trên các vùng biển, trong đó có vùng biển liên quan đến quần đảo Hoàng Sa phải được xử lý một cách hòa bình, thông qua ngoại giao và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tôi cũng đã đưa ra quan điểm rõ ràng về cam kết của Mỹ đối với nguyên tắc tự do hàng hải, thương mại hợp pháp và điều vô cùng quan trọng là các bên liên quan là phải kiểm chế. Nền kinh tế toàn cầu và khu vực quá quan trọng và mong manh để có thể đối phó với một cuộc khủng hoảng có thể gia tăng thành xung đột.
Vì vậy, tôi thúc giục các quốc gia trong khu vực kiềm chế các động thái có thể đe dọa hòa bình và gia tăng căng thẳng.
- Ông có nói các bên ở Biển Đông phải kiềm chế không sử dụng vũ lực, nhất là trong tình hình căng thẳng hiện nay. Nhưng những gì chúng tôi thấy trên màn hình hôm qua tại buổi họp báo của Bộ Ngoại giao VN là các tàu TQ hung hăng đâm vào tàu VN. Vậy ông bình luận gì?
Mỹ rất quan ngại về bất cứ hành vi nguy hiểm nào trên biển và chúng tôi phản đối bất cứ động thái hăm dọa nào của các tàu, đặc biệt là ở những vùng biển đang tranh chấp.
Đó là lý do chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh thông điệp phải sử dụng các biện pháp hòa bình, các kênh ngoại giao và cả các phương tiện truyền thông, cũng như mỗi bên phải cẩn trọng, kiềm chế.
- Nếu VN sử dụng vũ lực để đối phó với TQ, liệu Mỹ có ủng hộ VN?
Có một truyền thống lâu dài và nổi bật trong ngoại giao là luôn suy nghĩ hai lần trước khi trả lời những câu hỏi "nếu". Tôi muốn nhắc lại quan điểm mạnh mẽ của Mỹ là các bên trong khu vực cần kiềm chế, tạo dựng lòng tin, tận dụng tất cả các biện pháp ngoại giao và các kênh chính trị để giảm thiểu căng thẳng, quản lý các tranh chấp để cuối cùng là giải quyết các vấn đề lãnh thổ.
Quan điểm lâu dài của Mỹ là nếu các kênh ngoại giao không đem lại kết quả, thì các bên có quyền vận dụng các cơ chế quốc tế hợp pháp. Vì vậy, đối với vấn đề này và vụ việc cụ thể vừa xảy ra, thông điệp đơn giản của tôi là tầm quan trọng của việc kiềm chế, đối thoại và tuân thủ luật pháp quốc tế.
- Ông có cho biết đã hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, vậy phía VN có đặt vấn đề muốn có sự ủng hộ của Mỹ trong vụ việc này không? Mỹ đang có tàu nào gần khu vực này không, và có ý định đưa tàu đến gần khu vực này không?
Các quan chức VN mà tôi trao đổi đều nhận thức rõ quan điểm của Mỹ, thừa nhận và chấp nhận, tôi tin là thế, rằng Mỹ sẽ không đưa ra lập trường về các lý lẽ tương đối của các bên tranh chấp về tuyên bố chủ quyền của mình.
Trong các cuộc gặp của tôi không có bất cứ đề xuất nào từ phía VN về vai trò của quân đội Mỹ. Nếu có, tôi cũng nhấn mạnh lại quan điểm mà người phát ngôn Bộ Ngoaị giao Mỹ đã đưa ra là các bên phải giải quyết hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế.