Lực lượng săn bắt cướp (SBC) huyền thoại ngày xưa từng làm cho tội phạm khiếp đảm, chùng tay, không dám manh động… Sắp tới, để phòng chống tội phạm trong tình hình mới, Công an TP.HCM chủ trương thành lập lại lực lượng này. Lực lượng SBC được tái lập với mô hình nào, đặc quyền, đặc lợi ra sao, hoạt động thế nào… là chuyện đáng bàn.
|
Lực lượng SBC ngày xưa bắt 1 thành viên trong băng nhóm nguy hiểm, chuyên bắt cóc - tống tiền. |
Lực lượng SBC tái lập khác gì với SBC huyền thoại?
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng, Công an TP.HCM đang có đề xuất xin thành lập lại lực lượng SBC để phòng chống tội phạm trong tình hình hiện nay, vốn gây nhiều bất an, bức xúc trong xã hội. Theo đó, mô hình SBC được tái lập này có nhiều điểm tương đồng nhưng cũng có nhiều điều khác biệt so với lực lượng SBC huyền thoại, vốn là nỗi khiếp đảm của tội phạm giai đoạn sau ngày đất nước thống nhất.
Một cán bộ phòng tham mưu của Công an TP.HCM thông tin, nếu tái lập mô hình SBC chắc chắn phải lựa chọn những trinh sát tinh nhuệ, giao cho họ một số đặc quyền, đặc lợi để trấn áp tội phạm hiệu quả. Tuy nhiên, người này cũng nói rằng, lực lượng SBC được tái lập sẽ tập trung phòng chống một số tội phạm đặc thù của TP.HCM hiện nay như cướp giật, cướp, băng nhóm tội phạm có tổ chức…, chứ không chống đủ các loại tội phạm như lực lượng SBC trước đây đã làm.
Đại tá Mai Văn Tấn - nguyên Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP.HCM, một thành viên của lực lượng SBC ngày xưa - kể: Giai đoạn sau khi đất nước thống nhất, tình hình bấy giờ bất an, tàn dư của chế độ cũ, những băng nhóm vốn quen thói cướp bóc bắt đầu ngóc dậy quấy phá… Đầu tiên, ông Trịnh Vinh - Trưởng công an quận 5 - đã thành lập một tổ trinh sát tuần tra, trấn áp địa bàn suốt 24/24h và đạt được những hiệu quả bước đầu. Từ đó, Công an TP.HCM nhìn nhận mô hình này và quyết định thành lập đội SBC vào tháng 3.1978.
|
Lâm Hiếu Long - thành viên một đội hiệp sĩ đường phố, hoạt động hiệu quả ở Sài Gòn - trong một lần bắt đối tượng phạm pháp hình sự trên phố. |
Một cán bộ công an hưu trí từng là thành viên SBC - ông Trần Văn Năm, tức Năm Lửa - kể, lúc đó, nguyên tắc chọn lính SBC rất gắt gao như: Dưới 30 tuổi, có khả năng chạy xe tốc độ cao điêu luyện, bắn súng bằng 2 tay trong các điều kiện khác nhau, võ thuật cao cường… Dù điều kiện khắt khe như thế nhưng có nhiều cán bộ công an xin vẫn đầu quân cho SBC. Chính vì thế, có những cái tên mà tội phạm nghe qua đã khiếp sợ và trở thành những huyền thoại như: Lý Đại Bàng, Dương Minh Ngọc, Võ Văn Thành (tức Hai Thành - đội trưởng SBC đầu tiên), Lê Thanh Liêm (tức Hai Lửa), Mai Văn Tấn… Lực lượng SBC đã từng lập nên những chiến công mà đến nay lịch sử ngành công an còn ghi nhận như: Phá băng nhóm bắt cóc cháu Tô Rô - con trai nghệ sĩ Kim Cương và sát hại vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga; xóa sổ hàng loạt băng cướp như: Bông Hồng Trắng, Võ Tùng Hội…; bắt giữ tướng cướp cô đơn Điềm Khắc Kim; khám phá vụ án thảm sát tại nhà “quận chúa” Mộng Hoa; giải cứu thành công 11 em bé bị bắt cóc đưa lên vùng rừng núi của tỉnh Lâm Đồng…
Sau này, tình hình trấn áp tội phạm đã có những chuyển biến tích cực, do đã hoàn thành sứ mệnh nên SBC tạm ngừng hoạt động. Những cái tên huyền thoại của SBC cũng chuyển sang hoạt động ở các đơn vị nghiệp vụ khác, có những đóng góp không nhỏ.
Trước tình hình cướp giật nói riêng, tội phạm đường phố nói chung trên địa bàn TP.HCM diễn biến phức tạp trở lại, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, lúc đó do Đại tá Mai Văn Tấn làm trưởng phòng, đã quyết định thành lập mô hình có đặc điểm hoạt động giống đội SBC, có tên gọi là hình sự đặc nhiệm (tức đội 3) để trấn áp tội phạm. Từ đó đến nay, hình sự đặc nhiệm vẫn hoạt động tích cực suốt ngày đêm, trên mọi tuyến đường và có những dấu ấn không nhỏ trong công tác trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho thành phố, điển hình như: Xóa sổ băng cướp của đại ca Đạt “trắng”, triệt phá băng nhóm Indonesia rải đinh tấn công xe chở tiền để trộm cắp, chặn bắt các băng nhóm từ TP.HCM đưa xế độ xuống Vũng Tàu tổ chức đua xe ăn tiền, truy bắt băng nhóm dùng súng cướp tiệm vàng Anh Sang ở huyện Nhà Bè…
|
Hình sự đặc nhiệm trấn áp tội phạm trên đường phố Sài Gòn. |
Cho đặc quyền để SBC hoạt động
Đại tá Mai Văn Tấn có quan điểm “đồng tình với việc tái lập lực lượng SBC huyền thoại. Tội phạm nghe qua cái tên SBC là đã khiếp sợ, không dám hoạt động”. Ông kể, ngày xưa SBC có những đặc quyền, đặc lợi để hoạt động như: Khi truy đuổi tội phạm có thể chạy vào đường ngược chiều, đường cấm; sử dụng súng quân dụng có thể bắn hạ đối tượng tội phạm; có thẻ riêng mang tên “SBC” để có thể trưng dụng, tranh thủ sự hỗ trợ của các lực lượng công an khác trong mọi lúc khi truy bắt tội phạm…
Theo ông Tấn, ngày xưa các quy định pháp luật chưa đầy đủ, do đó SBC có những vụ mắc sai sót về quy định cũng dễ thông cảm. Nhưng, với hệ thống pháp luật ngày nay, nếu lực lượng SBC được tái lập, được trao những đặc quyền, đặc lợi như ngày xưa là điều không thể và nếu xảy ra việc gì thì rất phiền phức.
Một cán bộ Công an TP.HCM thông tin, lực lượng SBC tái lập chắc chắn là không thể đứng trên các quy định pháp luật. Theo cán bộ này, thực tế, đội SBC ngày xưa và đội hình sự đặc nhiệm ngày nay có mô hình giống hệt nhau, chỉ khác nhau tên gọi, còn lại cách hoạt động, phòng ngừa, trấn áp tội phạm là như nhau. Ông này cũng nói, nên chăng là trao thêm quyền, trang bị đầy đủ trang thiết bị, chăm lo đời sống vật chất cho lính hình sự đặc nhiệm để hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn?
Một chuyên gia nghiên cứu tội phạm học cho rằng, việc tạo dựng lại thương hiệu SBC để tội phạm nghe mà khiếp sợ chưa chắc đã hiệu quả, bởi lẽ tội phạm ngày nay có học thức, tinh vi và có nhiều chiêu đối phó khôn lường. Theo ông, tái lập SBC chỉ là một phần của vấn đề, chiến lược trấn áp tội phạm trong tình hình mới mà thôi, cái quan trọng vẫn là phòng ngừa tội phạm từ gốc bằng những biện pháp căn cơ, đồng bộ…