|
Theo Trần Văn Tuân, những vết sẹo trên thân thể là do người quản lý cây xăng đánh đập trong nhiều năm - Ảnh: Hà Mi. |
Ngày 17/11, gia đình đã đưa Trần Văn Tuân đến Công an huyện Thống Nhất để tố cáo vụ việc.
Liên tục bị hành hạ
Ông Trần Văn Thành (anh họ của Tuân) cho biết khi nghe Tuân điện thoại báo về bị người quản lý ở cây xăng Đặng Văn Bích (đóng trên quốc lộ 1, thuộc xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) là ông Phạm Ngọc Bản và vợ đánh đập nên đã tìm cách giải cứu, báo công an.
Tuy nhiên, đến lần thứ tư ông và gia đình mới giải cứu được Tuân. Ông Thành cũng cho hay những lần giải cứu trước, khi ông đưa Tuân ra khỏi cây xăng để về Công an xã Bàu Hàm 2 thì Tuân không thừa nhận ông là người nhà.
Tuân cũng khai với công an không bị đánh, trong khi Tuân rất tiều tụy, thân thể bị nhiều sẹo, tai có vết cắt. Đến ngày 12/11, cha của Tuân cùng người thân ở Bắc Giang thuê xe vào Đồng Nai tìm đến cây xăng mới đưa Tuân thoát khỏi cảnh bị đày đọa.
Tìm đến một căn nhà trọ ở quận 9, TP.HCM chúng tôi chứng kiến Trần Văn Tuân có nhiều vết sẹo trên đầu và khắp thân thể có nhiều vết cắt. Tay chân anh cũng bị nhiều vết nứt nẻ, phỏng được Tuân cho là do người quản lý cây xăng tức giận tạt nước tẩy.
Tuân kể: “Tôi bị ông Bản ở cây xăng và vợ ông ấy dùng ổ khóa, cây đánh vào đầu vào tai gây thương tích. Có lúc tôi quỳ lạy xin tha nhưng họ khó chịu, không hài lòng việc gì đó là kêu tôi vào phòng đánh hoặc ném ly vào đầu...”.
Theo lời Tuân, năm 2011 nhờ người quen ở quê anh xin vào làm ở cây xăng Đặng Văn Bích và được ký hợp đồng hai năm rưỡi (25 triệu đồng/năm) để bán xăng và làm việc nhà. Gần cuối tháng 9-2013, người quản lý cây xăng đưa Tuân ra bưu điện chuyển tiền về nhà 35 triệu đồng.
Sau đó, tiền lương còn lại họ lập sổ tiết kiệm cho Tuân nhưng giữ lấy. Tuân nói: “Bà vợ ông Bản ký hợp đồng tiếp với tôi 15 tháng để dọn cỏ, quét nhà với giá 100 triệu đồng nhưng sau đó tôi bị hành hạ thân xác chịu không nổi phải tìm cách bỏ trốn”.
Không dám khai thật vì sợ mất lương
Ngày 17/11, chúng tôi đã tìm gặp ông Phạm Ngọc Bản - người bị tố đã đánh đập Tuân. Ông Bản xác nhận ông và vợ được người bác giao quản lý cây xăng.
“Trần Văn Tuân từng làm việc tại cây xăng Đặng Văn Bích được vài năm và đã nghỉ việc” - ông Bản nói. Tuy nhiên, ông nói thông tin chi tiết về tiền lương, hợp đồng của Tuân do vợ ông nắm. Còn việc đánh đập Tuân: “Tôi không biết vì hay đi đi về về. Có gì tôi hỏi lại vợ rồi thông tin lại sau”.
Đề cập vụ việc trên, ông Nguyễn Văn Tùng - trưởng Công an xã Bàu Hàm 2 - cho hay công an xã từng mời đại diện cây xăng, gia đình Tuân và Tuân về làm việc.
Tuy nhiên, khi hỏi trực tiếp về sự việc trên thì Tuân nói không có. Gia đình kêu Tuân về nhà, nghỉ việc luôn Tuân cũng không về. “Vì bị hại không thừa nhận bị đánh nên công an không thể tiếp tục xử lý” - ông Tùng giải thích.
Còn ông Luân - công an viên xã Bàu Hàm 2, người tiếp nhận vụ việc trên - cho biết: “Công an xã đã tách Tuân ra để hỏi riêng nhưng Tuân vẫn khăng khăng là không có chuyện gì xảy ra... và nguyện vọng được tiếp tục làm tại cây xăng Đặng Văn Bích. Kể cả khi gia đình hỏi về hay làm ở đó, Tuân vẫn đòi làm ở cây xăng chứ không về nhà”.
Nói lý do không khai thật với công an, Tuân giải thích: “Khi ra công an tôi bị người ở cây xăng hăm dọa giết, không trả lương. Họ nói “mày khai là mất hết tất cả” nên tôi không dám nhận người thân của mình và nói không bị ai đánh. Tôi phải cam chịu vì tiếc tiền lương đã làm thuê bao nhiêu năm”.
Cũng theo Tuân, sau khi ở công an trở về, anh tiếp tục bị đánh đập.
Chiều cùng ngày, gia đình Tuân cho hay đã được Công an huyện Thống Nhất mời lấy lời khai và ghi nhận vụ việc. Gặp điều tra viên, Tuân đã khai rành mạch từng người ở cây xăng đã đánh đập anh...