Có bệnh mời vào…nhà nghỉ!
Lân la hỏi chuyện những người đã từng chữa bệnh ở chỗ thầy lang Thịnh chúng tôi xin được số điện thoại của thầy. Vào vai người bệnh, PV gọi điện xin nơi ở cụ thể của thầy để đến tận nơi chữa trị. Nhưng trái với sự mong đợi của chúng tôi, thầy Thịnh không nói địa chỉ cụ thể mà bảo, cứ đến Chợ Vườn Hoa (phường Lam Sơn, TP. Thanh Hóa) thầy sẽ cho người ra đón. Khi bị PV gặng hỏi lý do, thầy lang Thịnh lúc thì giải thích do thầy không có nhà ở đây, lúc lại bảo do người đến chữa bệnh nhiều quá nhà không còn chỗ!?
|
Thầy Thịnh kiểm tra chân cho bệnh nhân sau khi đắp thuốc.Ảnh: T.G |
Khi đến nơi chúng tôi được đón vào một nhà nghỉ bình dân ở trong ngõ thuộc phường Lam Sơn, TP. Thanh Hóa. PV được thầy lang xếp cho vào cùng phòng với bà Trần Thị Mừng (53 tuổi, Quy Hậu, Kim Sơn, Ninh Bình) rồi để chúng tôi ngồi đấy đợi vì thầy còn chạy đi chữa bệnh cho các bệnh nhân đang nằm ở địa chỉ khác.
Bà Mừng cho biết “Tôi bị thoái hóa đốt sống đã mấy năn nay rồi, đi nhiều thầy lang, nhiều nơi khám chữa bệnh từ Nam ra Bắc nhưng không khỏi. Tết vừa rồi gặp thầy Thịnh cũng về quê ăn Tết, thầy nói nhiều người bệnh còn nặng hơn tôi, thậm chí là bị liệt, thầy còn chữa khỏi nên tôi theo. Thầy không cần xem phim chụp Xquang của tôi mà chỉ nắn xương, và xoa bóp 18 vị thuốc Bắc và khẳng định sau 6 ngày sẽ khỏi. Lúc đầu nghe tôi cũng không tin, lại còn bảo chữa trong nhà nghỉ, nhưng “có bệnh thì vái tứ phương” tôi đánh liều đi may ra thì khỏi. Nhưng hôm nay đã là ngày thứ 10 rồi vẫn chưa thấy chuyển biến gì, chắc mai tôi xin về, không thì tốn kém lắm, chưa kể tiền thuốc, riêng tiền phòng đã hết 2 triệu rồi”.
Tìm hiểu xung quanh nhà nghỉ nơi thầy Thịnh chữa bệnh, chúng tôi đều nhận được cái lắc đầu, “không biết tên tuổi vị “thần y” này”, 18 vị thuốc Bắc được thầy kê cũng không rõ là những thứ gì mà tất cả do ông Thịnh tự quảng cáo. Bác Hùng, một tài xế xe ôm ở phường Lam Sơn cho hay: “Ông này (thầy lang Thịnh - PV) hành tung bí ẩn. Chữa bệnh kiểu này khác gì ông tẩm quất dạo chứ?”
Chúng tôi cũng làm việc với lễ tân của nhà nghỉ Quang Linh – nơi ông Thịnh đang chữa bệnh được biết “Rất ít khách được ông đưa đến đây, một năm chỉ có 5-7 người. Việc ông ấy cho bệnh nhân nằm ở đâu nữa thì tôi không biết. Chuyện người dân cho nằm nhờ hơi khó tin vì ở đây cũng hẹp ai cho nằm nhờ”.
“Không có giấy phép hành nghề nên chữa bệnh dạo”
Đến chiều tối thầy Thịnh mới đến khám bệnh cho chúng tôi và đắp thuốc cho bà Mừng. Không hỏi han gì nhiều, thầy lang Thịnh chỉ nắn cổ và phán “cô bị thoái hóa đốt sống cổ rồi, đây này, chỗ này bị lồi xương. Bệnh này không chữa sớm là bị liệt đấy, phần này quan trọng lắm. Thầy nắn cho các xương khớp vào nhau, sau đấy đắp bằng 18 vị thuốc Bắc là được. Cứ yên tâm chữa ở đây 1 tuần là khỏi”(?). Những lời thầy nói, hứa hẹn với chúng tôi cũng không khác gì so với những lời thầy nói với bà Mừng.
Sau đó, chúng tôi được cho ngồi sang một bên để mục sở thị thầy đắp thuốc cho bệnh nhân. 18 vị thuốc Bắc mà thầy nói, được tán nhỏ thành một thứ bột đen, cho vào chiếc xô nhỏ, sau đó thầy lấy bột đen đó cho đều ra một tấm vải rồi bó lại vào chân bệnh nhân, cứ để như thế đến sáng hôm sau mới tháo ra.
Khi chúng tôi cố gặng hỏi về 18 vị thuốc Bắc mà thầy nói gồm những gì thì thầy nổi cáu: “Đây là bí quyết gia truyền, hỏi làm gì? Hỏi thì có biết không mà hỏi lắm thế?”. Sau khi đắp thuốc cho bệnh nhân xong, thầy lang Thịnh thao thao bất tuyệt về tài năng của thầy: “Tôi đi nhiều nơi lắm rồi từ Sài Gòn, đến Huế, Móng Cái, bệnh nhân không ai là không khen giỏi, cũng không cố định một nơi nào, họ cũng phải vào nhà nghỉ để điều trị”…
Nhân cơ hội đấy chúng tôi cũng hỏi chuyện, vì sao thầy quê ở Ninh Bình, chữa giỏi như thế sao không ở quê chữa bệnh, có nhà cửa cố định mà phải đi nơi khác? thì thầy lang Thịnh trả lời: “Quê tôi nghèo, người dân kém hiểu biết, họ chẳng chịu chữa, bỏ ra vài triệu để chữa họ xót tiền. Đi các nơi khác họ thoải mái, chữa tốn vài triệu họ cũng không băn khoăn gì”.
Khi được hỏi sao không tìm thuê một địa điểm chữa bệnh cố định cho bệnh nhân, đỡ mất công đi lại thì thầy Thịnh phản ứng: “Nếu thuê nhà như thế tôi phải đặt cọc ít nhất là nửa năm đến 1 năm tiền nhà, lúc có khách, lúc thì không, lấy đâu tiền trả. Với lại tôi chữa giỏi nhưng không có giấy phép hành nghề nên không thuê nhà tử tế cho bệnh nhân nằm được. Hơn nữa, tập trung nhiều người vào một chỗ sẽ bị chú ý, các cơ quan vào hỏi này nọ lại lắm chuyện, tôi chỉ muốn yên thân chữa bệnh thôi”.
Tìm hiểu những người bệnh từng đến gõ cửa thầy lang Thịnh, nhiều người nhận ra sự vô lý, bất thường trong cách chữa bệnh nhưng với tâm lý chung “có bệnh thì vái tứ phương” nên họ vẫn “nhắm mắt đưa chân”.
Chính quyền sẽ vào cuộc kiểm tra
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Ngà, Phó Chủ tịch UBND phường Lam Sơn, TP. Thanh Hóa cho biết: “Việc ông Thịnh chữa bệnh chúng tôi chưa nắm được, cũng chưa thấy ông đăng ký giấy phép hành nghề ở phường. Chúng tôi cũng chưa nhận được thông tin kiện cáo về chuyện ông Thịnh chữa bệnh. Việc ông Thịnh chữa bệnh là đúng hay sai thì chưa thể khẳng định được. Chúng tôi sẽ xem xét kiểm tra trong thời gian tới”.