Nằm trơ trọi giữa cánh đồng là nghĩa trang thai nhi Đồi Cốc thuộc xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Chỉ với một mảnh đất khoảng 3 sào, tuy nhiên nằm trên đó là các ngôi mộ thai nhi không có bia khắc ghi tên tuổi. Hàng ngày, ông Nguyễn Văn Thạo người trông coi nghĩa trang lại xuống bệnh viện thành phố xin thai nhi mang về cho vào tủ lạnh, khi nào tủ chật cứng mới đem đi chôn cất.
Xác thai nhi "ướp lạnh" ở Đồi Cốc
Ít ai ngờ rằng những chiếc tủ lạnh ở nghĩa trang Đồi Cốc lại chứa đựng chật cứng bao thai bị nạo phá mang từ bệnh viện về. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nạo phá thai này là do một số người còn thiếu hiểu biết, hoặc có người vì "khôn ba năm dại một giờ" cũng đi phá bỏ. Một số gia đình không muốn con gái nên các thai phụ, cùng các đức ông chồng đã quyết bỏ con mình từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Thực tế này khiến cho những người trông coi nghĩa trang nơi đây lại phải va chạm với một công việc đau buồn là gói những hình hài thai nhi đã chết cho vào túi nilon ướp lạnh.
|
Bà Thêu xếp từng bọc thai nhi cho vào túi chữ thập đỏ. |
Với những người làm công việc này tưởng chừng như đơn giản, tuy nhiên không hề dễ dàng một chút nào, vì họ sẽ phải đối mặt với những bọc thai nhi chưa rõ hình hài. Thậm chí có những bọc thai nhi vừa mới nạo phá hôm trước, hôm sau ông Thạo đã xin về. "Tự nguyện đi xin thai nhi ở khắp các bệnh viện, tôi nghĩ mình đang làm một công việc phải đạo lại có ích cho xã hội. Tuy nhiên ngẫm lại mà đau lòng chú à, vì càng ngày người dân phá thai càng nhiều. Sao bây giờ nhiều người sống buông thả và nhẫn tâm thế không biết, thích phá là phá, để là để". Ông Thạo tâm sự.
Để chứng minh cho điều mình nói, ông Thạo còn đưa chúng tôi xuống thăm khu vực cất giữ những bọc thai nhi mới được mang từ bệnh viện về. Bước vào căn phòng ẩm thấp, tuy rằng nhiệt độ ngoài trời khá nóng nhưng với trực giác khiến chúng tôi chững lại. Vì chúng tôi cảm nhận rõ cái lạnh ẩn chứa bên trong những túi nilon kia là xác đứa trẻ chưa được hình thành đầy đủ chứ không phải là đồ vật. Thỉnh thoảng lại có một vài cơn gió thổi ngang qua khiến cho mùi hôi tanh rò rỉ thoát ra từ những bọc nilon xông vào mũi làm cho người đứng xem càng ớn lạnh.
Ông Thạo nói: "Sáng nay tôi vừa lấy ở bệnh viện về khoảng 40 bọc thai nhi, hầu như toàn là bào thai chừng một đến ba tháng tuổi. Các chú thấy đó, làm cái công việc này nếu không bạo gan thì ít ai dám cầm những bọc thai nhi cho vào tủ lạnh, thậm chí có bọc nó còn tuột cả chân tay ra, nhiều lần tôi vẫn phải bỏ vào túi buộc lại". Theo như chúng tôi quan sát, trên tất cả những bọc thai nhi đều có in rõ chữ thập màu đỏ. Bên dưới chữ thập lại in một dòng chữ khác là: "Lạy chúa xin thương xót chúng con".
Có lẽ những người in dòng chữ này họ đã mượn lời chúa, vì mọi điều xét đoán của Chúa đều là công minh. Những dòng đó, Chúa còn nhắc khéo những kẻ đã đem tội lỗi để rồi vô tình giết chết đứa con của mình khi chúng chưa kịp chào đời. Và những cô thiếu nữ, các bậc làm cha, làm mẹ sẽ phải nhận lấy những lỗi lầm in hằn trong trí não, bởi không một linh hồn nào khi rời xa "cõi trần" xuống "cõi âm" có thể chấp nhận, tha thứ được. Vì lý do đó cho nên những ngôi mộ không tên tuổi ở Đồi Cốc đều được gắn chữ thập của đức Chúa.
|
Ông Nguyễn Văn Thạo Trưởng ban quản lý nghĩa trang. |
Theo như ông Thạo, tất cả các bọc thai này hầu như vừa mới nạo phá, vì vậy những người làm công việc tình nguyện ở đây sẽ phải phân loại rồi bỏ vào nilon. Những túi nilon này tiếp tục được đưa vào tủ lạnh. Thường thì mỗi tủ sẽ chứa được từ 50 đến 60 bọc thai nhi. Bà Vũ Thị Thêu đang xếp thi hài thai nhi vào tủ tâm sự: "Chúng tôi phải xếp đầy tủ lạnh, vì thai nhi mới nên cũng cần thời gian để cho linh hồn các cháu siêu thoát. Do đất ở nghĩa trang chật, vì vậy bắt buộc chúng tôi phải làm công việc này, đợi khi nào đủ số lượng mới tiến hành chôn cất".
Vì đất hẹp, số lượng thai nhi quá tải cho nên tất cả các ngôi mộ ở đây đều phải chôn chung từ 3 đến 5 bao thai trên một mộ. Việc chôn cất ở nghĩa trang là do ban quản lý chỉ đạo, họ luôn phải kết hợp cùng với ban ngành địa phương, chủ yếu là thanh niên tình nguyện. Bạn Trần Duy Anh (sinh viên tình nguyện trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn) chia sẻ: "Mọi người lo tới đây vì sợ hãi, nhưng với tôi chỉ thương thay cho những thai nhi bị phá bỏ bị vứt đi. Hầu như những hôm chôn cất bao thai với số lượng lớn, chúng tôi lại tình nguyện làm công việc này".
Những dòng nhật ký chua xót
Đang ngồi trò chuyện cùng ông Thạo thì bà Nhiệm người cai quản nghĩa trang cũng bước tới: "Hôm nay là cuối tuần khách đến viếng thăm và thắp nhang đông lắm ông à. Từ sáng đến giờ cuốn nhật ký mà tôi cầm đây đã hết cả chỗ viết rồi". Bà vừa nói vừa giơ cuốn nhật ký lên cho chúng tôi xem.
Trên cuốn nhật ký đó chủ yếu là những dòng chữ viết vội, có cả nước mắt, đau khổ và ân hận. "Hôm nay mẹ lại mang hoa cúc đến thăm con. Qua những dòng tâm sự này, mong con hãy hiểu và tha lỗi cho mẹ. Mẹ lúc nào cũng luôn bên cạnh và che chở cho con". Dòng tâm sự được ghi ngày 19/4/2014.
|
Thanh niên tình nguyện giúp nghĩa trang chôn cất thai nhi.
|
Lật sang một trang giấy khác, tuy rằng nó đã nhòe mực những vẫn nhận ra một nét chữ tinh khôi của một cô sinh viên năm cuối: "Năm nay mẹ đã học hết năm cuối đại học và sắp ra trường. Mẹ đau khổ lắm khi phải mất con, như vì lầm lỗi mẹ không còn sự lựa chọn nào khác. Mẹ biết làm thế này là tội lỗi nhưng mẹ còn phải học. Mẹ mong con sẽ được đầu thai ở một nơi khác được vẹn toàn, con nhé".
Tiếp tục lật sang bên lại là một nét chữ khác nhằm ca ngợi những người trông coi nơi đây: "Trong nhịp sống của xã hội ngoài kia vẫn có những mảnh đời bị vấp ngã để rồi họ phải chuốc lấy những sai lầm. Thế nhưng, nơi đây tôi lại thấy có những con người khiến người khác phải ngưỡng mộ. Họ là người rất đỗi bình thường vì hàng ngày luôn phải chăm lo cho những nấm mộ vô danh. Thế nhưng suy nghĩ và hành động của họ đã để lại một giá trị nhân văn cao thượng về tình thương…".
Cuốn sổ nhật ký không chỉ ghi lại những ân hận của các bậc làm cha, làm mẹ vì nông nổi trong thời trẻ mà còn có cả những bài học đắt giá cho các bạn trẻ đến đây. Một nữ sinh viên Học viện báo chí và tuyên truyền viết: "Lên thắp hương cho các em chị mới thấy được nhiều bài học trong cuộc sống. Chị cũng đang yêu và rất yêu người đó. Nhưng nhìn các em nằm trong những nấm mồ trắng, chị dặn mình không được mắc sai lầm. Vì đó là nỗi đau của con người, không bao giờ sửa sai được".
Gập cuốn nhật ký lại, bà Nhiệm kể thêm: "Cách đây ít tháng, một cô gái sau khi bỏ thai còn quay lại phòng khám để hỏi xem xác con được chuyển đi đâu. Sau khi biết được chúng tôi đưa về nghĩa trang này, cô gái lên ngồi khóc nức nở cả buổi chiều. Từ đó, suốt một tháng, gần như cuối tuần nào cô gái đó cũng lên, vừa thắp hương vừa khóc. Cô gái bảo, giá như chưa phá bỏ thì cô sẽ sinh ra để nuôi, nhưng giờ thì đã quá muộn".
Số lượng bào thai ở các bệnh viện đang tăng với tốc độ chóng mặt, ông Thạo (Trưởng ban quản lý nghĩa trang) lo rằng, chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi, có thể sẽ phải bật nắp các ngôi mộ cũ lên để đào sâu xuống lòng đất mới xếp thêm được thai nhi vì đất quá chật.
Chia tay Đồi Cốc, chúng tôi luôn mang theo mình những trăn trở và bài học đắt giá về tình trạng nạo phá thai nhất là trong giới trẻ. Đồng thời hiểu rõ nỗi đau ai oán của những bà mẹ thường xuyên lui tới thắp nhang cho những sinh linh mà mình đã nhẫn tâm vứt bỏ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh - Giám đốc Trung tâm Tư vấn sức khỏe sinh sản, BV Phụ sản Trung ương khẳng định: "Số phụ nữ đến bệnh viện này đề nghị phá thai gái đang ở mức "đáng báo động". Theo quy định của Bộ y tế, các cơ sở tư nhân chỉ được phép phá thai đến hết 7 tuần tuổi. Như vậy, rất nhiều trường hợp muốn phá thai giới tính, không được phá ở bệnh viện lại được phá ở các cơ sở tư nhân. Chính vì vậy số lượng thai nhi bị phá bỏ trong một năm sẽ tăng lên nhanh chóng.