Sống giữa Thủ đô mà không điện, không nước
Qua ghi nhận thực tế, PV báo Người Đưa Tin tại khu ĐDV từ LK 6,7,10,11 phường Vạn Phúc, Hà Đông, các hộ dân sinh sống ở đây hoàn toàn không có nước sinh hoạt mà phải sử dụng nước giếng khoan không đảm bảo an toàn vệ sinh.
Cách thức chủ yếu của người dân hay làm để có thể sử dụng nước là xây dựng những bể lọc nước thủ công. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian, những bể nước đó đều bị ố vàng, mùi tanh từ nước bốc lên nồng nặc.
|
Những hộ dân cư ở đây nhà ai cũng có những bể lọc nước giếng khoan đã ngả màu. |
Để có thể có nguồn điện để sinh hoạt, cách duy nhất mà người dân có thể làm đó là xin đấu nối, kéo dây từ những khu vực lân cận với giá cao mà nguồn điện cũng phập phù không ổn định.
Hệ thống đường dây điện đi "vay" được kéo nối nhằng nhịt và gá tạm bợ trên những cọc tre tiềm ẩn nguy cơ xảy ra chập cháy đe doạ trực tiếp đến tính mạng của những hộ dân đang sinh sống tại đây.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Đặng Quốc Phương, người dân sống ở khu ĐDV Vạn Phúc cho biết: “Gia đình tôi chuyển về đây sinh sống được gần 4 năm, nhưng từ khi chuyển về đây đến giờ thì gia đình tôi cũng như những hộ dân khác không được cấp điện, nước sinh hoạt dù đã đóng góp đầy đủ các loại phí dịch vụ hay cơ sở hạ tầng”.
|
Người dân sinh sống ở đây đều tỏ ra bức xúc vì không được cấp điện, nước sinh hoạt. |
"Để có nước, chúng tôi phải dùng nước giếng khoan và phải lọc qua rất nhiều bể lọc mới dám sử dụng để tắm rửa, bởi khu này trước đây là nghĩa địa nên việc sử dụng nguồn nước khoan hoàn toàn không đảm bảo vệ sinh”, ông Phương cho biết thêm.
Cùng chung hoàn cảnh, ông Vũ Đức Tiến tỏ ra mệt mỏi: “Đã nhiều năm nay, chúng tôi sống trong cảnh không có điện, nước sinh hoạt, cuộc sống vô cùng vất vả khó khăn. Người dân đã kiến nghị nhiều lần tới các cấp chính quyền để sớm được cấp điện nước sinh hoạt nhưng từ đó đến nay vẫn chưa được. Trong khi đó, mỗi hộ dân chúng tôi đều đã đóng đầy đủ các khoản phí cơ sở hạ tầng có nhà lên tới hàng trăm triệu đồng, ấy vậy mà hà cớ gì đến những tiện ích thiết yếu nhất như điện, nước cũng không có để sử dụng”.
“Chúng tôi phải đấu nối điện từ những khu vực lân cận để dùng với mức giá cao đến 5 nghìn đồng/số điện. Mà điện cũng chập chờn lắm, mỗi nhà chỉ dùng cho việc thắp sáng và sử dụng một hay hai cái quạt thôi, điều hòa và máy giặt là không dùng được vì điện quá yếu”, ông Tiến tâm sự thêm.
Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, dự án này được UBND quận Hà Đông phê duyệt giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất Quận là đơn vị thu hồi mặt bằng, sau đó chuyển cho ban Quản lý dự án quận Hà Đông (BQLDA) làm chủ đầu tư. Dự án bắt đầu bàn giao đất cho các hộ dân từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2015 thì hoàn thành. Tuy nhiên, suốt từ thời điểm bàn giao đất cho dân tới nay phía chủ đầu tư dự án liên tục chậm trễ trong quá trình thi công hoàn thiện cơ sở hạ tầng.
Câu trả lời của các cơ quan có thẩm quyền
Để tìm ra câu hỏi về vấn đề này, chúng tôi đã tìm đến UBND phường Vạn Phúc và được bà Nguyễn Thị Bích Hằng, cán bộ quản lý đô thị phường cho biết: “Ban quản lý dự án dân cư mới hiện tại vẫn đang làm cơ sở hạ tầng cho nên chưa thể đấu nối điện nước được và vì chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng thế nên phường cũng chưa được bàn giao quản lý”.
Trao đổi với PV ngày 2/11, ông Nguyễn Trần Minh Anh, Phó giám đốc BQLDA quận Hà Đông cho hay: “Việc chậm tiến độ dự án là do đơn vị thi công mặt bằng chưa giải phóng hết mặt bằng yêu cầu nên phía dự án cũng không thể hoàn thiện đúng các hạng mục”.
|
Ông Nguyễn Trần Minh Anh, Phó giám đốc BQLDA quận Hà Đông đang tìm giấy tờ liên quan đến khu ĐDV Vạn Phúc, Hà Đông. |
Theo ông Minh Anh cho biết, hiện tại để đảm bảo cho đời sống của những hộ dân đang sinh sống trong khu ĐDV thì BQLDA đã làm việc với công ty điện lực Hà Đông đấu nối tạm một trạm điện từ tòa Hà Nội Landmark 51 sang khu dân cư để sử dụng và UBND phường Vạn Phúc chịu trách nhiệm quản lý và thu tiền điện của người dân.
Còn vấn đề về nước sạch, ông Minh Anh cho hay: “Đối với nước sạch, sau khi công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông có công văn trình UBND quận yêu cầu BQLDA phối hợp thực hiện và chúng tôi đã được chấp thuận từ phía sở Công thương Hà Nội thì đơn vị hiện đang tiến hành lắp đặt đường ống tạm để cấp nước cho người dân”.
Để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, đề nghị UBND quận Hà Đông khẩn trương chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị liên quan rà soát, xây dựng kế hoạch khắc phục vấn đề liên quan đến hệ thống cấp điện, nước cho người dân.