Lãnh đạo Vụ Lao động – Tiền lương (Bộ Lao động Thương binh Xã hội) vừa cho hay, dự kiến vào tuần tới sẽ có thông tư hướng dẫn thực thi quy định chủ nhà phải ký hợp đồng lao động với người giúp việc, nếu không sẽ bị phạt cảnh cáo.
Theo Nghị định mới được ban hành ngày 7/4, kể từ ngày 25/5/2014, chủ nhà phải ký hợp đồng lao động với người giúp việc, nếu không sẽ bị phạt cảnh cáo.
Cụ thể, những người giúp việc nhà thuộc đối tượng chủ nhà phải ký kết hợp đồng có thể sống hoặc không sống tại gia đình người sử dụng lao động.
Những người giúp việc này làm các công việc gia đình lặp đi lặp lại trong khoảng thời gian nhất định, như hằng giờ, hằng ngày, hằng tuần hoặc hằng tháng.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ sau ngày ký kết hợp đồng lao động, chủ nhà phải thông báo với ủy ban nhân dân xã, phường thị trấn nơi người giúp việc làm việc.
|
Theo Nghị định mới được ban hành ngày 7/4, kể từ ngày 25/5/2014, chủ nhà phải ký hợp đồng lao động với người giúp việc, nếu không sẽ bị phạt cảnh cáo. |
Ngoài tiền lương, người sử dụng lao động phải trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, hằng năm, người sử dụng lao động phải trả chi phí khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
Người giúp việc phải được nghỉ ít nhất 8 giờ, trong đó có 6 giờ nghỉ liên tục/24 giờ liên tục. Mỗi tuần người giúp việc được nghỉ ít nhất 1 ngày, hoặc ít nhất 4 ngày/tháng.
Ngoài ra, nghị định cũng quy định cụ thể về các trường hợp chấm dứt hợp đồng, quyền và nghĩa vụ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Nếu có tranh chấp lao động mà hai bên không thể thương lượng, giải quyết thì có thể yêu cầu hòa giải viên tại tòa án giải quyết.
Nghị định này được ban hành dựa trên những quy định đã có trong Bộ Luật Lao động tháng 6-2012. Việc xử phạt cũng đã được quy định trước đó trong Nghị định 95/2013/NĐ-CP.
Theo đó, mức phạt là cảnh cáo đối với người sử dụng lao động không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình.
Mức phạt cảnh cáo cũng áp dụng cho trường hợp người sử dụng lao động không trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.
Mức phạt là từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng với người sử dụng lao động có hành vi giữ giấy tờ tùy thân của người giúp việc gia đình.
Nghị định này được đánh giá là sẽ giúp cho vấn đề pháp lý liên quan đến người giúp việc được chặt chẽ hơn, đảm bảo nghĩa vụ và quyền lợi của cả người lao động và người sử dụng lao động.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại về tính khả thi của nghị định này khi nó được đưa vào thực tiễn.