Ông Nguyễn Văn Thắng - Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hôm nay (16/11), TAND tỉnh Hà Tĩnh mở phiên xử 4 bị cáo về hành vi Vi phạm quy định về an toàn lao động trong vụ sập giàn giáo ở Formosa. Trong số này, có 2 bị cáo người Hàn Quốc là Kim Jong Wook (43 tuổi) và Lee Jae Myeong (62 tuổi).
TAND tỉnh này cũng đã nhận được thông báo phúc đáp của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Hàn Quốc và các cơ quan chức năng liên quan phía Hàn Quốc tại Việt Nam. Theo đó phiên tòa sẽ có đại diện của các cơ quan nói trên cùng luật sư và phiên dịch viên người Hàn Quốc tham dự.
|
Cơ quan điều tra đọc lệnh khởi tố, bắt giam hai quản lý người Hàn Quốc (ngoài cùng bên phải). Ảnh: Công an cung cấp.
|
Theo kết quả điều tra của Công an tỉnh Hà Tĩnh, ông Lee Jea Myeong là giám đốc đơn vị quản lý công nhân làm việc tại hai giàn giáo (Lane 1 và Lane 2). Ông Kim Jong Wook là chỉ huy trưởng công trường sản xuất lắp đặt giếng chìm bến cảng Sơn Dương, thuộc công trường Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng).
Tối 25/3, hệ thống giàn giáo tại khu vực cầu cảng Sơn Dương bất ngờ đổ sập làm 13 người chết, 29 người bị thương. Trước khi sập, nhiều người thấy giàn giáo rung lắc ba lần nên đã cảnh báo đến đốc công nhưng họ không dừng lại cho đến khi gây ra hậu quả thảm khốc.
Đến ngày 31/3, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án về hành vi Vi phạm các quy định về an toàn lao động.
Ngày 19/5, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định khởi tố, bắt giam 4 người. Ngoài hai người Việt Nam còn có hai người Hàn Quốc là Lee Jea Myeong và Kim Jong Wook.
|
Hiện trường vụ sập giàn giáo ở Hà Tĩnh. Ảnh: Phạm Hòa.
|
Đoàn điều tra tai nạn lao động tỉnh Hà Tĩnh xác định, giàn giáo sập do 4 nguyên nhân.
Đầu tiên, giàn giáo sập do tuột phanh, tuột kích, gây mất ổn định của thanh cột ray, tạo rung lắc. Thứ hai, kết cấu của giàn giáo được thiết kế với độ an toàn thấp. Với tác động của khí hậu khắc nghiệt ở miền Trung, độ an toàn này thực tế còn thấp hơn do sự ăn mòn kết cấu thép, khi gặp trục trặc hay các vấn đề vận hành vượt quá giới hạn thì sụp đổ.
Thứ ba, trước khi giàn giáo sập, sai lệch cao độ các kích (do tuột phanh, tuột kích) lớn hơn giới hạn cho phép theo quy định của nhà sản xuất là 3 mm. Giàn giáo không có hệ thống cảnh báo sớm về nguy hiểm khi vận hành và chưa có quy trình xử lý sự cố.
Nguyên nhân cuối cùng được đưa ra là do bề mặt của một số má phanh bị rỉ sét do không được bảo dưỡng.