Hoài nghi quanh tòa hành chính 2.000 tỷ ở Đà Nẵng

Google News

Năm 2007, khi Đà Nẵng có ý định xây dựng tòa hành chính 2.000 tỷ, dư luận có nhiều hoài nghi.

Nhiều người cho rằng, số tiền gần 2.000 tỷ đồng đầu tư ​vào công trình này là quá lớn trong điều kiện kinh tế còn khó khăn. Mặt khác, các công sở của Đà Nẵng vẫn đang còn khang trang và hoạt động hiệu quả thì không nhất thiết xây một trung tâm hành chính đồ sộ và tốn kém.
Ngay trong nội bộ lãnh đạo TP Đà Nẵng khi đó cũng có người không đồng tình với việc triển khai dựng dự án này.
Một đại biểu HĐND TP Đà Nẵng kể, vào thời điểm đó, để đi đến quyết định xây dựng trung tâm hành chính, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã phải họp rất nhiều lần.
"Khi tôi đi tiếp xúc cử tri, người dân còn nói, tại sao Đà Nẵng vẫn còn có người phải sống trong các căn nhà chật hẹp ở khu ổ chuột mà lãnh đạo lại đem số tiền lớn như vậy để xây dựng trung tâm hành chính", vị đại biểu này kể .
Tại cuộc họp HĐND TP Đà Nẵng đầu năm 2007, khi vấn đề xây dựng tòa hành chính 2.000 tỷ được đưa ra bàn thảo, các đại biểu cũng tiếp tục "truy" lãnh đạo TP Đà Nẵng.
Hoai nghi quanh toa hanh chinh 2.000 ty o Da Nang
 Toà nhà hành chính 2.000 tỷ đồng của Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Nguyên.
Một số đại biểu cho rằng, nếu xây dựng trung tâm hành chính mới thì việc giải quyết công việc của lãnh đạo có tốt hơn trước. Toàn bộ hơn 20 công sở của các sở ban ngành sẽ xử lý như thế nào?
"Những hoài nghi trên đều được ông Nguyễn Bá Thanh (cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) giải thích thấu tình đạt lý. Ông Thanh còn cam kết với người dân là xây dựng trung tâm hành chính mới, Đà Nẵng sẽ rút ngắn thời gian trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.
Các sở, ban ngành cũng sẽ cắt giảm được nhiều chi phí đi lại, xăng xe, giảm ôtô công... Vốn để xây dựng trung tâm hành chính thì chỉ sử dụng một phần ngân sách, số tiền còn lại lấy từ việc bán đất", vị đại biểu này kể.
Ông Văn Hữu Chiến (nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) cũng từng thừa nhận, để đi đến quyết định xây dựng trung tâm hành chính với số vốn lên đến gần 2.000 tỷ đồng là rất khó khăn. Tuy nhiên, sau khi suy tính, Đà Nẵng quyết định tiên phong xây dựng trung tâm này vì thấy hợp lý.
Sau khi giải thích và được đại đa số người dân ủng hộ, ông Nguyễn Bá Thanh quyết định cho khởi công công trình vào cuối năm 2008. Tòa nhà cao 37 tầng được đưa vào sử dụng ​ngày 8/9/2014.
Hiện ​mỗi ngày có khoảng 1.800 công chức, viên chức thuộc 24 sở, ban ngành đến làm việc và trên 600 lượt công dân đến giao dịch.
Sau 15 tháng đưa vào sử dụng, tòa nhà này đã góp phần đáng kể trong việc giải quyết thủ tục hành chính. ​Các cán bộ, công chức cho biết có nhiều thuận tiện ​khi làm việc tại đây.
Ông Huỳnh Tấn Cường (Sở Xây dựng) cho biết, trước đây chưa có tòa nhà, mỗi lần trình văn bản lên UBND TP Đà Nẵng các nhân viên phải đi quãng đường dài.
"Nhưng từ khi vào trung tâm hành chính, muốn trình văn bản gì lên UBND TP thì chỉ mất khoảng 3 phút đi thang máy. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các sở ban ngành với nhau cũng thuận lợi hơn", ông Cường nói.
Hoai nghi quanh toa hanh chinh 2.000 ty o Da Nang-Hinh-2
 Từ khu trung tâm hành chính vào hoạt động, chính quyền Đà Nẵng đã rút ngắn được nhiều thời gian để giải quyết công việc cho dân và doanh nghiệp. Ảnh: Đoàn Nguyên.
Bà Lê Thị Thu Trang (Sở VH-TT-DL) cho biết, trước đây nếu có việc cần trao đổi với lãnh đạo sở khác phải đi xe máy mất gần 20 phút. Còn nay, có việc gì trao đổi chỉ cần bấm thang máy 2 phút sau là mọi người có thể gặp nhau để trao đổi công việc.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các sở cũng tiết kiệm được rất nhiều thời gian để giải quyết các công việc cho người dân và doanh nghiệp.
Đối với người dân, trước đây khi cần liên hệ với lãnh đạo các sở ban ngành, họ phải mất thời gian đi tìm địa chỉ. Nhưng từ các sở về làm việc tập trung tại tại trung tâm hành chính, người dân chỉ cần đến tòa nhà này, sẽ có lễ tân hướng dẫn đến tận nơi.
Ông Trần Văn Khanh (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) kể, ông làm chủ một doanh nghiệp quảng cáo nên thường xuyên phải làm việc với lãnh đạo Sở VH-TT-DL và Sở Xây dựng.
Trước đây, mỗi khi đi xin giấy phép treo tấm biển quảng cáo, ông mất 15 phút mới đến được đường Lê Lợi để gặp lãnh đạo Sở VH-TT-DL. Sau khi nội dung quảng cáo được lãnh đạo sở này thẩm định, ông mất thêm khoảng 20 phút nữa để qua Sở Xây dựng thẩm định về kích cỡ, vị trí treo biển quảng cáo.
Tính cả thời gian đi lại và làm việc, ít nhất phải mất một buổi, ông Khanh mới xin được giấy phép treo biển quảng cáo. Còn hiện nay, chỉ mất khoảng một giờ là có giấy phép.
"Sau khi chuẩn bị đủ hồ sơ, tôi đưa lên cho lãnh đạo Sở VH-TT-DL thẩm định. Nếu không có sai sót, tôi chỉ mất 3 phút là đến Sở Xây dựng để trình hồ sơ. Tất cả thời gian cộng lại, chưa đầy một giờ là có giấy phép", ông Khanh nói
Theo Zing News

Bình luận(0)