|
Giáo sư Trương Nguyện Thành mặc quần đùi giảng bài. Ảnh: Facebook Vũ Anh |
Trước khi về công tác tại Trường Đại học Hoa Sen, Giáo sư Trương Nguyện Thành từng làm công tác nghiên cứu, giảng dạy tại Đại học Hoa Kỳ, ông là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực hóa tính toán và phát triển hạ tầng cơ sở tính toán. Với tôi, những khoa học gia như Giáo sư Thành, cần phải nhìn họ ở hàm lượng tri thức mà họ mang đến cho nhân loại, cũng như những đóng góp của họ đối với sự phát triển của ngành khoa học mà họ đang nghiên cứu, cống hiến.
Tôi tìm trong các văn bản pháp luật hay các thông tư hướng dẫn không thấy bất kỳ quy định nào ràng buộc giáo viên về mặt trang phục, mà chỉ thấy một số quyết định của các cơ sở đào tạo quy định trang phục của họ. Vậy thì nếu Trường Đại học Hoa Sen, nơi Giáo sư Thành công tác không quy định về trang phục giáo viên, hoặc cho phép ông được sử dụng trang phục theo ý mình để cho mục đích giảng dạy, thì không có lý do gì để chúng ta phê phán hay bình luận về cách ăn mặc của ông khi đứng lớp thuyết giảng.
Tất nhiên trong bất kỳ môi trường nào cũng có những quy chuẩn nhất định về con người. Giáo dục lại càng cần phải có những quy chuẩn để hình thành nên một nhân cách con người. Nhưng ở một khía cạnh khác, giáo dục chính là yếu tốt giúp con người tiếp cận với vũ trụ, với thiên nhiên, với lịch sử và tạo ra những giá trị căn bản cho cuộc sống xã hội.
Giáo dục ở bậc đại học không chỉ dừng lại ở việc truyền thụ những tri thức có sẵn, mà người truyền thụ còn phải kích thích cảm hứng, sự sáng tạo, tư duy phản biện, và quan trọng nhất là từ đó giúp người học tìm ra những chân lý mới thông qua việc phát triển những tri thức nền tảng. Điều này đòi hỏi người dạy cũng phải là những người có tư duy sáng tạo đầu tiên, không chỉ trong việc truyền thụ tri thức mà cả trong phong cách làm việc.
Và Giáo sư Thành, người đã tiếp cận sớm với sự khai phóng trong tư duy và văn hóa của một nền giáo dục hàng đầu thế giới – đã dám thực hiện một hành động trái ngược với suy nghĩ của xã hội Việt Nam về hình ảnh một nhà giáo khi đứng trên bục giảng. Đến đây tôi lại muốn đề cập tới khái niệm “tự do học thuật”. Cùng với tự do nghiên cứu, tự do giảng dạy, thì tự do diễn ngôn chính là những yếu tố căn bản để tạo nên khái niệm này. Vị Giáo sư đã sử dụng cách diễn ngôn độc đáo trong khuôn khổ sự điều chỉnh của tự do học thuật, nhằm mang lại giá trị cao nhất cho việc truyền tải tri thức đến với người học.
Suy nghĩ của tôi về hình ảnh người Thầy dần thay đổi khi tiếp cận với những tầng tri thức trên giảng đường và ở doanh nghiệp. Những người từng giảng dạy tôi chưa mặc quần soóc tới lớp, nhưng họ đã cho tôi cảm hứng về tri thức, rằng sự sáng tạo chưa và sẽ không bao giờ bị ràng buộc bởi bất kỳ một yếu tố chủ quan nào do con người tạo ra. Và cũng chỉ có như thế, những người học như tôi mới có cơ hội khám phá ra vẻ đẹp của tạo hóa và vũ trụ, mới được thực sự đắm mình trong một bầu trời tri thức và những tinh hoa văn hóa của nhân loại.