|
Nguyễn Cao Minh Ngọc tại tòa. |
Phòng xử C TAND TPHCM các bị hại tập chung rất đông, ai nấy đều dè bỉu, nhiếc móc bị cáo: "Lúc cầm tiền của người ta thì ngon ngọt thế! Nào ngờ tâm địa lại lừa đảo dối trá. Sao có thể nuốt trôi được mồ hôi công sức của người khác cơ chứ...". Bị cáo Ngọc trong chiếc áo khoác tối màu, mặt thất thần cúi gục trước vành móng ngựa.
Do cần tiền làm vốn và tiêu xài, Ngọc đã mưu mô làm giả hồ sơ của 1 căn nhà và 3 thửa đất với giá 140 triệu đồng/hồ sơ. Sau đó, mang các hồ sơ giả này đi thế chấp, vay mượn. Tổng số tiền mà Ngọc lừa đảo, chiếm đoạt lên tới gần 10 tỷ đồng. Căn cứ vào kết quả điều tra và lời khai của bị cáo tại Tòa, HĐXX tuyên phạt Ngọc 20 năm tù về hai tội danh trên.
Đã có không ít vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ giấy tờ thế chấp giả, thế nhưng nhiều người không tỉnh mà vẫn cả tin, chủ quan trong giao dịch, tới khi nhận ra thì đã muộn, việc thu hồi tài sản đã mất là cả vấn đề khó khăn. Nhiều gia đình chỉ vì cho vay tiền, dính bẫy lừa mà lục đục, cãi vã nhau thành ly tán...
Về vấn đề này, luật sư Đỗ Ngọc Oánh, Đoàn luật sư TPHCM cho rằng, pháp luật cũng đã ban hành nhiều điều luật, án nặng đối với các trường hợp phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan tới làm giả con dấu tài liệu cơ quan chức năng. Đồng thời, cũng tuyên truyền cảnh báo tới quần chúng, nhưng những vụ án thế này vẫn thường xuyên xảy ra. Có những vụ án chỉ quanh mấy bộ giấy tờ nhà đất giả mà bị cáo lừa tới hơn hơn 100 tỷ đồng, đó là với trường hợp cá nhân đơn phương lừa đảo, chưa kể tới những vụ án lừa đảo lớn gây chấn động dư luận xã hội cũng từ giấy tờ, con dấu và chữ ký giả. Những loại giấy tờ giả này rất tinh vi, bằng mắt thường không thể phát hiện mà phải nhờ tới giám định của cơ quan chức năng.
Người mua bán nhà, đất hay cho vay tiền, vàng về giấy tờ nên tham khảo nhờ luật sư tư vấn, đến cơ quan chính quyền địa phương, phòng tài nguyên môi trường các quận, huyện để xác minh tài sản thế chấp có chủ sở hữu, cầm cố ở đâu không?... Đừng quá cả tin mà "tiền mất tật mang".