Đề xuất cho phép bắn đối tượng chống người thi hành công vụ

Google News

Đó là một trong những đề xuất của Bộ Công an trong dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ.

Theo Bộ Công an, tình trạng chống người thi hành công vụ thời gian qua diễn biến phức tạp. Từ năm 2002 đến tháng 6/2012, cả nước đã xảy ra hơn 8.500 vụ việc chống người thi hành công vụ, với hơn 13.700 đối tượng vi phạm. Trong đó, số vụ việc xử lý hình sự là gần 6.900 với hơn 11.000 đối tượng; số vụ việc xử lý hành chính là gần 1.600 với hơn 2.800 đối tượng.

 Công an Hà Nội thu súng trong người một đối tượng

Tình trạng chống người thi hành công vụ nêu trên không chỉ thể hiện ý thức coi thường pháp luật của những người có hành vi vi phạm pháp luật mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc duy trì kỷ cương phép nước, đến hiệu lực, hiệu quả công tác của các lực lượng thi hành công vụ trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước. Đồng thời, tình trạng này còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ, tài sản của Nhà nước,...

Để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ, dự thảo yêu cầu lực lượng thi hành công vụ phải giải thích cho người có hành vi vi phạm biết rõ là họ đã vi phạm pháp luật và yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm đó... Trong trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm sau khi đã được giải thích, tuyên truyền, thì người thi hành công vụ được phép sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật được trang bị để buộc người có hành vi vi phạm pháp luật chấm dứt ngay hành vi vi phạm và tuân thủ hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ.

Dự thảo quy định rõ các trường hợp chống người thi hành công vụ có dấu hiệu của một tội phạm ít nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện kỹ thuật được trang bị để khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.

Trong trường hợp có căn cứ thực tế để cho rằng hành vi chống người thi hành công vụ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ hoặc của người khác hoặc có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hoặc nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ, kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra và bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.

Nếu hành vi chống người thi hành công vụ vượt quá khả năng giải quyết hoặc trường hợp có nhiều người thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ, thì người thi hành công vụ có thể yêu cầu các lực lượng vũ trang nhân dân nơi gần nhất hoặc các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phối hợp, hỗ trợ để ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Ngoài ra, dự thảo yêu cầu cơ quan Công an, các lực lượng thuộc Quân đội nhân dân nơi gần nhất và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có trách nhiệm phối hợp ngay với người thi hành công vụ để kịp thời ngăn chặn, xử lý người có hành vi chống người thi hành công vụ.

Đối với người thi hành công vụ, Bộ Công an đề xuất quy định nghiêm cấm người thi hành công vụ vi phạm điều lệnh, nội quy, quy trình, kế hoạch công tác, vi phạm trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong khi thi hành công vụ. Cũng như không được vi phạm đạo đức nghề nghiệp; tham nhũng, tiêu cực, trục lợi cá nhân, hách dịch, cửa quyền hoặc có hành vi, thái độ, tác phong, lời nói, ứng xử không đúng mực trong khi thi hành công vụ.
 
Ngoài ra, dự thảo còn nghiêm cấm người thi hành công vụ vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ; vi phạm các quy định về nổ súng hoặc vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác trong khi thi hành công vụ.


Theo Dân Trí

Bình luận(0)