Việc tổ chức thi tuyển công khai ở trường tiểu học, THCS tại các quận huyện của TP Đà Nẵng để chọn hiệu trưởng, hiệu phó là một bước đột phá công khai chọn người có thực tài. Thi tuyển minh bạch phần nào gạt bỏ được bớt nạn “chạy chọt” vốn âm ỉ lâu nay trong việc bổ nhiệm theo cách truyền thống.
Khó “chạy chọt”
Ông Đinh Kế, phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Liên Chiểu (Đà Nẵng), cho biết quận vừa tổ chức thi tuyển hiệu trưởng cho Trường tiểu học Hải Vân, sắp tới sẽ tổ chức thi tuyển thêm hai phó hiệu trưởng trường THCS.
“Bây giờ không còn việc bổ nhiệm chức danh như truyền thống trước đây mà hầu hết các chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đều được tổ chức thi tuyển công khai. Cứ trường nào có hiệu trưởng hay phó hiệu trưởng sắp về hưu là quận lên kế hoạch công khai thi tuyển và người nào vượt qua kỳ thi với số điểm cao nhất sẽ được bổ nhiệm. Việc thi tuyển được nhiều người ủng hộ vì công bằng là cơ hội cho người trẻ, chọn người có thực tài vào ghế lãnh đạo”- ông Kế nói.
|
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường TH Núi Thành (Hải Châu, Đà Nẵng) vào tháng 2/2015 sau kỳ thi tuyển chức danh. Ảnh: Trường Trung. |
Theo ông Kế, trước khi tổ chức thi tuyển UBND quận công khai tất cả kế hoạch, thông tin
thi tuyển chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trên các phương tiện thông tin.
“Ngoài ra trong kỳ thi sẽ có hội đồng chấm thi gồm nhiều ban ngành, tất cả ứng viên đều được đối xử và có cơ hội ngang nhau. Việc chấm thi, công bố kết quả cũng hết sức minh bạch, công khai vì vậy khó lòng xảy ra việc “chạy chọt”.
Trong khi đó bà Trần Thị Thúy Hà, trưởng Phòng GD-ĐT quận Hải Châu, cho biết sắp tới quận sẽ tổ chức thi tuyển với 13 vị trí vào các chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường tiểu học và THCS trên địa bàn quận, trong đó có bốn hiệu trưởng các trường tiểu học Lê Quý Đôn, Tây Hồ, Lý Công Uẩn, Lý Tự Trọng và chín hiệu phó các trường tiểu học, THCS.
“Cái lợi lớn nhất của việc tổ chức thi tuyển lãnh đạo các trường là mình có cơ hội lựa chọn được người có năng lực thật sự. Việc thi tuyển là cách tốt nhất nhằm đảm bảo tính công bằng, dân chủ, cạnh tranh, công khai, minh bạch cho tất cả mọi người. Ngoài ra, trong quá trình chuẩn bị thi tuyển, đối tượng sẽ được tuyển dụng có điều kiện chuẩn bị, cọ xát tích lũy kiến thức để thuận lợi cho công tác lãnh đạo sau này. Bao giờ trước khi tổ chức tuyển dụng, mọi thông tin tuyển dụng sẽ được công khai đầy đủ về điều kiện dự thi, đối tượng tham dự trên website của UBND quận và phòng GD-ĐT”- bà Hà nói.
Cơ hội cho người trẻ
Tại huyện Hòa Vang, đến nay đã tổ chức được bốn đợt thi tuyển các chức danh hiệu trưởng và phó hiệu trưởng. Qua các kỳ thi đã tuyển chọn và bổ nhiệm được một hiệu trưởng và 12 phó hiệu trưởng cho các trường tiểu học và THCS.
Ông Lê Văn Phước, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Hòa Vang, cho biết chủ trương thi tuyển các chức danh lãnh đạo đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các ứng viên tham gia, tạo ra sự công bằng và động lực phấn đấu đối với mỗi cán bộ giáo viên.
Theo đó, mỗi khi có vị trí cần thi tuyển thì hội đồng thi tuyển sẽ tổ chức niêm yết các chỉ tiêu và thông báo trên toàn huyện để ứng viên có nhu cầu và chọn lựa các chỉ tiêu dự thi dựa trên năng lực của mình. Để tạo sự khách quan và cạnh tranh, mỗi vị trí thi tuyển phải có ít nhất ba ứng viên dự thi.
Ông Phước cho biết mỗi phần thi tuyển chức danh có ba phần, trong đó hội đồng xét tuyển đặc biệt chú trọng đến phần cá nhân trình bày đề án liên quan đến vị trí thi tuyển.
“So với việc bổ nhiệm theo truyền thống thì việc tổ chức thi tuyển là một bước tiến rõ rệt trong việc nâng cao chất lượng quản lý giáo dục bởi khi anh trải qua kỳ thi, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu cơ bản anh phải có đề án để nâng cao chất lượng giáo dục ở nơi anh sắp về công tác. Qua thực tế tại huyện, chúng tôi thấy nhiều mô hình được các ứng viên đưa ra trong đề án dự thi tuyển đã được áp dụng tốt sau khi được bổ nhiệm. Hầu hết đề án được ứng viên đưa ra phù hợp với tình hình nơi sắp về công tác. Thông qua sự phản biện của hội đồng, từ đó ứng viên phát huy được vai trò khi nhận nhiệm vụ”- ông Phước cho hay.
Cô Đặng Thị Hạnh, phó hiệu trưởng Trường THCS Phạm Văn Đồng (trúng tuyển trong kỳ thi tuyển chức danh phó hiệu trưởng năm 2011), cho biết việc tổ chức thi tuyển không những tạo công bằng mà còn là dịp để mỗi ứng viên nâng cao kiến thức.
“Việc chuẩn bị nội dung cho đề án trong kỳ thi là dịp để ứng viên hệ thống lại kiến thức chuyên môn, đồng thời là dịp để làm quen với công tác quản lý giáo dục. Những nội dung được hội đồng phản biện rất “sát sườn” mà đến khi làm quản lý tôi thấy có thể áp dụng vào được. Ngoài ra, việc thi tuyển cũng tạo sự tự tin cho những người chưa bao giờ trải qua công tác quản lý”- cô Hạnh cho biết.
Tại quận Ngũ Hành Sơn cũng đã tổ chức được năm kỳ thi tuyển và bổ nhiệm được 17 hiệu trưởng và phó hiệu trưởng cho các trường mầm non đến THCS. Trong đó, sau đợt thi vừa rồi có năm thầy cô được bổ nhiệm.
Đánh giá về hiệu quả, thầy Huỳnh Bá Công, phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Ngũ Hành Sơn, cho biết việc thi tuyển đã tạo động lực cho rất nhiều thầy cô trẻ phấn đấu. Theo thầy Công, lâu nay việc tự bổ nhiệm nhiều khi còn có cái nhìn chủ quan và chưa thấy hết được năng lực của người trẻ.
Những đợt thi tuyển tại quận vừa qua cho thấy rất nhiều giáo viên trẻ có năng lực chuyên môn và khả năng quản lý. Đặc biệt số thầy cô ở cấp mầm non là rất nhiều.
Cô Nguyễn Thị Trà Mân, người vừa được bổ nhiệm phó hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Bá Chánh trong năm học 2014-2015 khi mới 32 tuổi, cho biết việc thi tuyển thật sự là cơ hội cho những giáo viên trẻ phấn đấu.
“Việc thi tuyển sẽ tạo ra tính cạnh tranh công bằng giúp nhiều thầy cô trẻ chưa có cơ hội cống hiến có đủ tự tin làm được nhiều việc hơn. Như tôi trước đây làm chuyên viên ở phòng, nếu xét theo hình thức cũ sẽ khó có cơ hội được làm quản lý ở cấp trường nhưng việc thi tuyển đã cho tôi cơ hội được thử sức ở nhiều vai trò khác nhau. Tôi nghĩ cũng có nhiều thầy cô trẻ như tôi muốn được trải nghiệm và cống hiến ở nhiều vị trí khác nhau. Lâu nay quan niệm của mình thường là “thầy giáo già, con hát trẻ”, điều đó đúng nhưng thực tế xã hội bây giờ có nhiều thầy cô trẻ rất giỏi chuyên môn cũng như tinh thần cầu tiến”- cô Mân bộc bạch.
Ưu tiên nữ nếu điểm bằng nhau
Tại TP Đà Nẵng kỳ thi tuyển sẽ có một hội đồng bao gồm ngành nội vụ, ngành giáo dục, đại diện chính quyền địa phương.
Nội dung thi tuyển vào các chức danh hiệu trưởng và phó hiệu trưởng gồm phần thi viết và đề án. Trong đó phần đề án các ứng viên tập trung trình bày và bảo vệ trước hội đồng thi tuyển các nội dung quản lý và phát triển nhà trường, đánh giá được thực trạng nơi vị trí ứng tuyển và định hướng phát triển trường trong vòng năm năm.
Quá trình xét tuyển căn cứ vào số điểm từ cao xuống thấp, trong trường hợp bằng nhau thì ưu tiên ứng viên nữ. Đối với các trường hợp khác có thể thực hiện câu hỏi phụ hoặc bỏ phiếu kín.
Một trong những quyền lợi của các ứng viên dự thi là khi trúng tuyển sẽ được UBND cấp quận và thủ trưởng các đơn vị nơi công tác tạo điều kiện để thực hiện đề án đã bảo vệ trước hội đồng thi tuyển.