Chuyến đi hãi hùng của 11 ngư dân chìm tàu ở Trường Sa

Google News

Đêm tối mịt mùng, con tàu QNg 98604 cùng 11 ngư dân Bình Định chòng chành giữa những con sóng dữ, rồi bất ngờ sóng đánh chìm tàu ở Trường Sa.

Sáng 15/7, tàu 561 thuộc Vùng 4 Hải quân đã đưa 11 ngư dân Bình Định trở về cảng Cam Ranh, Khánh Hòa an toàn sau chuyến biển hãi hùng, bị chìm tàu ở Trường Sa.
Chuyen di hai hung cua 11 ngu dan chim tau o Truong Sa
 Các ngư dân cười rạng rỡ khi trở về từ "cõi chết". Ảnh: L.P.
Từ boong tàu bước xuống, đại diện Vùng 4 Hải quân và các ngư dân đã bắt tay thật chặt, ai nấy đều cười rạng rỡ nhưng nét mặt vẫn còn ám ảnh bởi chuyến biển kinh hoàng.
Từ cảng Cam Ranh, các ngư dân gặp nạn được đưa về Đồn Biên phòng TP. Cam Ranh. Vừa đến nơi, chị Nguyễn Thị Tuyết đã khóc òa khi gặp cháu trai Nguyễn Văn Quang(24 tuổi).
Ôm chầm lấy cháu trai, chị Tuyết thút thít: “Cháu của dì đây rồi, hôm trước chị cháu gọi vô trong này dì như ngồi trên đống lửa, cháu có mệnh hệ gì thì mẹ không sống nổi”.
Ngưng nước mắt, chị Nguyễn Thị Tuyết kể, sáng 10/7, cháu gái Nguyễn Thị Sang (chị gái Quang) hốt hoảng báo tin em trai bị chìm tàu giữa biển, chỉ báo về gia đình như vậy rồi mất liên lạc. Mẹ Quang nghe tin dữ đã ngất xỉu, không còn đứng dậy được nữa.
“Nghe tin xong tôi rụng rời, chỉ biết gọi điện cho chỗ nọ chỗ kia, theo dõi thông tin báo chí để hỏi thăm tình hình cháu, đến tối 11/7, nghe tin Hải quân vùng 4 đã cứu được cháu thì mới yên tâm một phần”, chị Tuyết rưng rưng kể.
Nhớ lại giây phút sinh tử, ngư dân Nguyễn Văn Quang chưa hết bàng hoàng: “Tàu chìm xuống, em bơi lênh đênh trên biển, bị “uống nước” khoảng 4 giờ, cứ ngỡ mình không còn sống nữa rồi”.
Thuyền trưởng Đỗ Văn Thu (xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) cho biết, khi nước ập vào tàu, anh em đã cố gắng tạt ra nhưng sóng cứ đánh liên tục, tàu chìm hẳn, các anh em hớt hải vét những gói mì còn sót lại để cầm hơn, “chia ca” ra để một nửa ngồi trên thuyền thúng, một nửa bơi xung quanh bấu víu thấy chiếc thuyền mỏng manh, chòng chành.
Lúc gặp nạn, mỗi người đều cầm một chiếc điện thoại nhưng khi rớt xuống biển chỉ còn một chiếc điện thoại dùng được. Sau cuộc gọi đầu tiên về gia đình trong đêm, chiếc tàu trôi dạt đến nơi không có sóng, lúc này ruột gan người thân trên bờ như lửa đốt. Các lực lượng tìm kiếm cũng gặp khó khăn khi liên lạc với các ngư dân.
Chiều ngày 10/7, Trung tâm cứu nạn khu vực 4 và Vùng 4 Hải quân đã phối hợp liên lạc và tìm kiếm các ngư dân. Trao đổi với PV Lao Động lúc chiều tối, ông La Trần Quang, Trưởng phòng Phối hợp cứu nạn thuộc Trung tâm phối hợp TKCN Hàng hải Khu vực IV (Nhatrang MRCC) nói: “Chúng tôi đã liên lạc với các ngư dân, họ nói đang bơi trên thuyền thúng, cách đảo Nam Yết 1,5 hải lý, nhưng báo cho đảo trưởng thì ông này báo không quan sát được”.
Tối cùng ngày, liên lạc với ngư dân tiếp tục bị đứt quãng nhiều lần do mất sóng. Đến lúc tưởng chừng vô vọng, tàu cá BĐ-95541-TS đang đánh bắt gần đó đã cứu vớt và báo với các lực lượng chức năng.
Đại tá Nguyễn Công Sơn-Ủy viên Thường vụ Đảng ủy-Phó Chính ủy Tư lệnh vùng 4 cho biết, lúc 13h30 chiều 11.7, các chiến sĩ hải quân đã tiếp cận và đưa toàn bộ 11 ngư dân lên tàu sơ cứu, cứu chữa, chăm sóc sức khỏe, sau đó đưa vào đảo Song Tử Tây.
Tại đây, kíp quân y, cán bộ chiến sĩ trên đảo đã tích cực chăm sóc sức khỏe, cung cấp quần áo và nhu yếu phẩm cho 11 ngư dân.
Theo chỉ đạo tàu, tàu 561 đã tiếp nhận 11 ngư dân và đưa vào đất liền đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Những việc làm của các chiến sĩ vùng 4 hải quân thể hiện quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa hải quân và ngư dân. “Việc cứu ngư dân là mệnh lệnh của trái tim, thể hiện hải quân là chỗ dựa vững chắc của ngư dân”, đại tá Sơn khẳng định và chúc các ngư dân sớm ổn định cuộc sống, tiếp tục vươn khơi bám biển.
Tại lễ bàn giao 11 ngư dân, ông Phạm Trường-Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn đã thay mặt chính quyền Bình Định cảm ơn Vùng 4 Hải quân và tặng bánh tráng dừa, đặc sản của Bình Định cho các chiến sĩ tham gia cứu hộ 11 ngư dân Bình Định.
Vùng 4 Hải quân đã trao 500 nghìn đồng/ người, ông Phạm Trường cũng thay mặt UBND tỉnh Bình Định hỗ trợ 4 triệu/ người cho các ngư dân. Sau lễ bàn giao, các ngư dân đã được lên xe về huyện Hoài Nhơn, Bình Định.
Cha và con trên cùng con tàu gặp nạn
Trong chuyến biển gặp nạn, ngư dân trẻ nhất là Lý Ngọc Thiện(17 tuổi), Thiện là con trai của ngư dân Lý Văn Tâm, cha con em Thiện anh Tâm cùng làm bạn cho tàu QNg 98604.
Thiện kể, em đi biển từ năm 17 tuổi, hai cha con là lao động chính trong gia đình có mẹ Lê Thị Nga và chị gái Lý Ngọc Thảo.
“Lúc tàu gặp nạn, hai cha con em gọi một cuộc về nhà, mẹ khóc qua điện thoại, sau đó thì mất sóng, đầu dây bên kia im bặt”, Thiện nhớ lại.
Như Lao Động đã đưa tin, sáng 10/7, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bình Định đã có công văn đề nghị Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo điều phương tiện ra khơi cứu nạn khẩn cấp đối với tàu cá mang số hiệu QNg 98604 TS.
Tàu QNg 98604 TS do ông Phạm Ngọc Thành (Đức Phổ, Quảng Ngãi) làm chủ, mang theo 12 ngư dân, hành nghề lưới vây tại vùng biển gần đảo Đá Lớn thuộc quần đảo Trường Sa.
Lúc 20 giờ 30 phút ngày 9/7, tàu này bị nước tràn, chìm dần xuống biển. Từ thời điểm 21 giờ 30 phút, nhóm ngư dân gặp nạn hoàn toàn mất liên lạc với gia đình và các cơ quan chức năng trên bờ.
Theo Lao Động

Bình luận(0)