|
Con nghiện giết bà nội Nguyễn Quốc Huy tại phiên xử lưu động. |
“Tôi đã giết chết bà của mình. Tôi không đáng được sống, xin Tòa cho tôi nhận án tử hình...”, nghịch tử giết bà nội Nguyễn Quốc Huy (SN 1986, quê Kiên Giang) từng là con nghiện nặng đã thốt lên lời nhận tội, hắn đã nhận ra tội lỗi của mình vào phút cuối cùng được sống làm người. HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo không còn khả năng cải tạo, quyết định tuyên án tử hình Huy về tội “Giết người”.
Vì thường xuyên sử dụng ma túy, nên trong lần Huy đến nhà bà nội là Nguyễn Thị Tuyết (ngụ tại quận 10, TPHCM) chơi, bà Tuyết chửi bới, đuổi Huy ra khỏi nhà. Tức giận, Huy nhặt cây gỗ trong nhà đánh bà Tuyết gục ngã. Huy tiếp tục dùng cây gỗ đánh hai cháu của mình là Ngô Minh Thành và Ngô Thị Như Ý. Bà Tuyết tử vong tại bệnh viện. Hai người cháu bị thương tật 60 - 70%.
Phiên xử lưu động diễn ra tại trường Mầm non phường 1 (quận 10, TPHCM), có rất đông bà con khu phố tới chứng kiến. Nghe Huy run giọng khai quá trình ra tay giết bà nội của mình, nhiều người dự lắc đầu: “Đã dính vào hút chích thì chẳng còn là con người, chửi mà chi cho thiệt thân”. Có người thở dài: “Gia đình có con cháu nghiện lâu ngày mà không khuyên nhủ đi cai nghiện, xảy ra sự việc hôm nay cũng một phần do gia đình tất trách”.
Theo các chuyên gia tâm lý, ma túy gây ra những biến đổi trong cấu trúc, chức năng của não, ảnh hưởng đến hành vi, thái độ của người nghiện. Ma túy ảnh hưởng tiêu cực đến tâm sinh lý người nghiện qua những dấu hiệu bất thường như: trong quan hệ ứng xử, suy sụp tinh thần, đánh mất lương tâm, dám làm những việc bất nhân... Gia đình không may có người thân bị nghiện ma túy, việc chửi rủa, hay than vãn, trách móc người nghiện không phải là biện pháp tốt, đôi khi là nguyên nhân gây ra những bi kịch đau lòng như vụ án trên. Cần phải hiểu họ, để giúp họ sớm tỉnh ngộ mà quay về.
Trường hợp người nghiện là con trẻ, không nên nặng lời, ép, hoặc dọa nạt con phải thề thốt bỏ ma túy... Hãy nhẹ nhàng, chọn thời điểm thích hợp để giải thích cho người nghiện hiểu về tác hại của ma túy, luôn tỏ rõ gia đình là chỗ dựa vững chắc nhất, giúp người nghiện vượt qua cơn nghiện. Cai nghiện không đơn giản, không thể bỏ ma túy trong vòng một vài ngày, phải có một quá trình qua nhiều giai đoạn phục hồi khác nhau, nhưng quan trọng nhất vẫn là tình cảm của người thân, thực tâm, sẵn sàng giúp người nghiện thoát nghiện.