Chiều 29/11, phóng viên có mặt tại hiện trường nơi xảy ra vụ việc. Cụ Vũ Văn Tháu, 82 tuổi, thôn Truy Lễ, xã Hà Thanh (Tứ Kỳ, Hải Dương) cho hay đoạn sông Luộc chạy qua địa bàn xã, phía bên kia thuộc địa bàn hành chính huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) 3 năm trở lại đây thường xuyên xuất hiện các tàu cát tặc ngang nhiên hút cát dưới triền sông, làm sạt lở hàng trăm mét bãi triều trồng hoa màu của người dân.
Bức xúc trước sự việc trên, người dân đã tổ chức ngăn cản. Theo người dân ở đây, có lần đã bị cát tặc đã đánh chết một người ngăn cản tàu khai thác cát.
Người dân địa phương đã nhiều lần làm đơn phản ánh, kiến nghị với chính quyền và các cơ quan chức năng từ xã đến tỉnh, tuy nhiên đến nay tình trạng cát tặc vẫn hoành hành suốt ngày đêm nhưng không được ngăn chặn dứt điểm.
|
"Cát tặc" đang lộng hành trên sông Luộc, qua địa bàn hành chính xã Hà Thanh (Tứ Kỳ, Hải Dương), làm sạt lở nghiêm trọng diện tích đất trồng hoa màu của người dân và ảnh hưởng đến đê điều - Ảnh Minh Khang. |
Đỉnh điểm của những bức xúc này là vào ngày 11/11 vừa qua, khi phát hiện thấy tàu của cát tặc hút cát, người dân trong thôn đã cùng nhau đốt tàu để cảnh cáo và phản đối.
Gần đây nhất là vào đêm 27/11, một số tàu vào hút cát tại mép sông phía bài triều xã Hà Thanh, người dân phát hiện đã thông báo cho nhau và cùng ra đuổi bắt để làm chứng cứ tố cáo hành vi hút cát trộm của những tàu này.
Phát hiện thấy người dân truy hô bắt tàu, cát tặc đã nổ máy bỏ chạy, một số tàu đã va vào nhau và trước sự bao vây của người dân. Khoảng 5h sáng, 27/11, một tàu đã bị chìm dưới sông.
Sau khi chiếc tàu bị chìm, hàng trăm người dân đã tổ chức phong tỏa hiện trường, không cho chủ phương tiện trục vớt tàu để chờ các cơ quan chức năng đến lập biên bản và trục vớt, làm chứng cứ chứng minh cho việc người dân bắt được tàu cát tặc trong khi cơ quan chức năng bất lực.
Từ ngày xảy ra vụ việc đến nay, phía chủ tàu bị chìm đã một số lần định thuê tàu khác trục vớt nhưng bị người dân ngăn cản dẫn đến xô xát.
|
Tàu 'cát tặc' đang bị chìm dưới sông vẫn chưa được trục vớt - Ảnh Minh Khang. |
Theo người dân thì có cả thành phần “xã hội đen” được chủ tàu thuê để dằn mặt người dân bằng việc đứng trên tàu dùng chai thủy tinh ném vào người dân đứng trên triền sông và chửi bới, xúc phạm, lăng mạ người dân ngăn cản việc trục vớt tàu.
Đến chiều ngày 29/11, 2 chiếc tàu chở theo cẩu đến hiện trường định tiến hành trục vớt nhưng gặp phải sự phản đối của người dân nên việc trục vớt vẫn chưa thực hiện được, con tàu bị chìm dưới sông đang gây mất an toàn giao thông đường thủy tại đoạn sông này.
Chính quyền địa phương nói gì?
Trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Điền, Phó chủ tịch UBND xã Hà Thanh (Tứ Kỳ, Hải Dương) cho biết, 5 năm trở lại đây, tình trạng khai thác cát trái phép xảy ra liên tục, do bên phía bãi triều sông thuộc xã Hà Thanh là bên bồi nên nhiều cát. Chính vì vậy mà xảy ra các vụ việc cát tặc lộng hành.
Theo thống kê, từ năm 2007 - 2012, toàn bộ khu vực triền sông đã bị cát tặc làm sạt lở mất 3,5ha. Đây là đất công điền xã giao cho nhân dân sử dụng để trồng cây cối, hoa màu ngắn ngày.
Những thời kỳ cao điểm cát tặc hoành hành, chính quyền địa phương đã có báo cáo lên huyện, huyện đã thành lập đoàn liên ngành kết hợp với lực lượng công an xã phát hiện, bắt giữ các tàu trộm cát, có thời điểm xử lý được 12-13 tàu..
Tuy nhiên tình trạng này vẫn không ngăn chặn được, đặc biệt mỗi khi có đoàn liên ngành của huyện về kiểm tra thì các tàu cát tặc lại rút đi nên càng khó khăn hơn. "Trong khi thẩm quyền của địa phương thì có hạn, hầu hết là phát hiện rồi lại báo cáo lên huyện" , ông Điền nói.
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Hải Dương đã có công văn nghiêm cấm việc khai thác cát trái phép trên triền sông Luộc, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
|
Cụ Vũ Văn Tháu, 82 tuổi, thôn Truy Lễ, xã Hà Thanh bức xúc trước thực trạng cát tặc lộng hành nên cùng dân làng phục kích để "xử" cát tặc - Ảnh Minh Khang. |
Sự việc mới xảy ra ngày 27/11 vừa qua, cho đến ngày 29/11, lực lượng chức năng của huyện cũng đã về làm việc, vận động nhân dân không gây mất an ninh trật tự và để cho chủ tàu được trục vớt tàu.
Tuy nhiên người dân vẫn không đồng ý mà yêu cầu phải để các cơ quan chức năng của huyện lập biên bản và trục vớt tàu để làm bằng chứng cho việc các tàu cát tặc lộng hành, để cơ quan chức năng xử lý.
Cho đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng vẫn chưa có thông báo kết luận về vụ việc đốt tàu ngày 11/11 và việc tàu "cát tặc" bị chìm ngày 27/11 vừa qua.
Khi phóng viên nêu lên những nghi vấn của người dân về việc liệu có sự "bảo kê” để cho "cát tặc" lộng hành suốt thời gian qua hay không, ông Trần Văn Điền cho biết, đó là việc người dân phán ánh thôi và từ chối bình luận.