Bị lừa hàng trăm tỷ đồng
Liên quan tới vụ việc nữ đại gia Việt sạt nghiệp vì cô thợ làm tóc, theo hồ sơ điều tra, năm 2010, bà Hoàng Thị Thu Minh (SN 1979 ở quận 3, TP HCM) được bà Phạm Thị Y Lan ở cùng phường và cùng sinh hoạt trong ca đoàn của một nhà thờ giới thiệu làm quen với Phạm Thị Thủy Tiên (SN 1976, ở quận Tân Phú, là em gái bà Lan) để hai bên trao đổi việc làm ăn. Khi gặp nhau, Tiên tự giới thiệu mình là Tổng Giám đốc của Công ty TNHH TM-DV XNK Toàn Xanh Tứ Quý chuyên kinh doanh mỹ phẩm và máy lọc nhớt từ nước ngoài chuyển về. Ngoài ra, Tiên còn cho biết cô đang làm thêm dịch vụ đáo hạn ở một số ngân hàng.
|
Bị cáo tại tòa. |
Với lý do cần tiền để nhập khẩu hàng hóa về Việt Nam, Tiên đề nghị nữ đại gia Minh cho vay một số tiền với mức lãi suất 0,5%/ngày. Do tin tưởng vào kế hoạch làm ăn của Tiên và muốn kiếm tiền lời nên đầu năm 2010, bà Minh đã cho Tiên vay nhiều lần, mỗi lần vài trăm triệu và được Tiên trả gốc lẫn lãi rất sòng phẳng.
Biết bà Minh đã “say mồi” của mình, Tiên bắt đầu thả lưới để hốt mẻ lớn. Cũng với lý do cần số tiền lớn để nhập hàng về, Tiên đề nghị bà Minh cho vay với lãi suất 21%/tháng. Khi muốn lấy lại tiền thì chỉ cần báo trước cho Tiên 20 ngày là được. Nếu không có tiền thì Tiên sẽ bán nhà, đất để trả cho bà Minh. Không chỉ thế, Tiên còn “chém gió” có anh trai tên Phạm Duy Trung là Việt kiều Mỹ sẽ chuyển 400 triệu USD về Việt Nam để kinh doanh, hiện ông Trung đã mở nhà máy ở tỉnh Sóc Trăng, có gì ông Trung sẽ trả thay.
Cho rằng Tiên là người bấy lâu làm ăn đàng hoàng, nay lại thấy món lời lớn nên bà Minh đã không ngần ngại cho Tiên vay tổng cộng 288 tỷ đồng chỉ trong vòng vài tháng (từ cuối năm 2010 đến đầu năm 2011), bằng cách đưa trực tiếp và chuyển khoản qua nhiều ngân hàng tại thành phố Hồ Chí minh, có lần trăm tỷ, có lần dăm ba chục tỷ mà không hề suy nghĩ đắn đo gì.
Khi vay được tiền, Tiên đã dùng một phần từ số tiền này trả cho bà Minh với hình thức trả lãi rất đúng hạn. Đến cuối tháng 5/2011, bà Minh bảo Tiên trả hết số tiền cả gốc và lãi thì Tiên lần lữa, tìm nhiều cách để trì hoãn việc trả trợ. Chờ Tiên thực hiện lời hứa nhưng không được nên bà Minh đi xác minh thì tá hỏa vì Tiên không phải là Tổng Giám đốc gì cả, mà chỉ là một cô thợ uốn tóc nên làm đơn trình báo với nhà chức trách về hành vi lừa đảo của Tiên.
Thợ cắt tóc hay giám đốc công ty?
Vụ án được cơ quan CSĐT Bộ Công an vào cuộc, Tiên bị bắt giữ để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Riêng một số người như chị gái Tiên, người tình của Tiên… được loại bỏ vì cơ quan điều tra cho rằng qua xác định những người này không bàn bạc, đồng phạm với Tiên, dù có vay, sử dụng một phần tiền do Tiên phạm tội mà có.
Tại cơ quan điều tra, Tiên khai đã vay của bà Minh số tiền như đã nêu. Tiên thống kê ra số tiền đó đã đưa cho ai, để làm gì. Cụ thể sau khi vay được tiền, Tiên đã dùng chính số tiền vay đó để trả qua tài khoản cho bà Minh (với hình thức trả lãi) được tổng cộng gần 184 tỷ đồng, cho chị gái là Phạm Thị Y Lan vay 95 tỷ đồng để chị này gửi vào ngân hàng lấy lãi, mục đích là để chị gái mình tạo uy tín với ngân hàng để sau này vay tiền cho dễ. Sau đó số tiền này đã được bà Lan rút ra và trả lại cho Tiên.
Mãi đến tháng 5/2011, khi có nguy cơ vỡ nợ thì Tiên bắt đầu dựng lên chiêu bài thành lập Công ty TNHH Toàn Xanh Tứ Quý cho riêng mình để kinh doanh nhằm che mắt bà Minh. Theo đó, Tiên đã chuyển 25 tỷ đồng cho công ty của anh trai mình là Phạm Duy Trung để ông này chuyển tiền qua Mỹ nhập thiết bị về giao lại cho công ty của Tiên, nhưng làm ăn thất bát.
Điều đặc biệt là công ty này do người tình của Tiên là Trần Trọng Khôi ở quận Gò Vấp làm Chủ tịch HĐQT, còn Tiên chỉ làm Tổng Giám đốc "hờ". Theo lời khai của Tiên, do quá yêu Khôi, tin tưởng vào tài kinh doanh của Khôi nên khi có tiền, Tiên đã nhiều lần đưa tiền mặt cho Khôi với tổng số hơn 62 tỷ đồng nhưng không có bất cứ bằng chứng nào. Ngoài ra, Tiên còn nhiều lần chuyển cho Khôi hơn 20 tỷ đồng qua tài khoản, đến nay Khôi không trả lại cho Tiên đồng nào với lý do… kinh doanh thua lỗ.
“Do có tình cảm và tuyệt đối tin tưởng nên sau khi đưa hơn 62 tỷ đồng tiền mặt cho Khôi dùng chi phí cho 2 công ty, nhưng sổ sách tôi không hề được biết, không được Khôi báo cáo, mà toàn bộ đều do Khôi quyết định. Tôi chỉ biết Khôi chi vào một số khoản như tài trợ cho ngày giỗ tổ ngành tóc (2011) 1 tỷ đồng. Hỗ trợ bức tranh từ thiện của một diễn viên 230 triệu đồng. Mua một xe mecceder S500 cho Khôi sử dụng, một xe mecceder C250 cho Hồng Thuận - Giám đốc Công ty TNHH TM-DV XNK Toàn Xanh Tứ Quý sử dụng, một xe Audi A6 cho Phạm Thị Dung sử dụng, một xe Camry 2.4 cho Trần Trọng Đức (anh trai của Khôi sử dụng)… Tất cả những xe trên đều do Khôi đứng trên.
Tuy nhiên trong thời gian kinh doanh không có lãi, Khôi đã bán hết số xe này và dùng vào chi phí cho công ty, nhưng chi phí thế nào thì tôi không được biết. Thực sự tôi đưa tiền mặt cho Khôi là vì tin Khôi, bởi Khôi nói đưa tiền mặt sẽ tránh được các phiền phức về khai báo thuế và để tạo uy tín cho Khôi trước các đối tác. Do quá yêu Khôi và muốn cùng nhau xây dựng sự nghiệp của chúng tôi để sau này trở thành vợ chồng của nhau nên tôi mới làm như vậy…”.
Trong khi đó, Khôi lại cho rằng do có tình cảm nên Khôi có hợp tác làm ăn với Tiên nhưng Khôi chỉ là người làm thuê, còn mọi vấn đề đều do Tiên quyết định. “Những chiếc xe đứng tên của tôi thì Tiên đã kêu bán và trả lại tiền cho Tiên. Tôi có cho người tình cũ của tôi 900 triệu đồng, số tiền này tôi có xin và được Tiên đồng ý. Thực sự tôi không biết được tiền đó là do Tiên phạm tội mà có, vì Tiên nói đó là tiền của Tiên và gia đình Tiên nên tôi mới tin tưởng. Giờ công ty làm ăn thua lỗ, tôi đề nghị cơ quan điều tra cho người vào kiểm toán để làm rõ…”, Khôi cho biết.
Vụ án lừa đảo nữ đại gia Việt đã được đưa ra xét xử nhiều lần nhưng đành phải hoãn vì còn rất nhiều lý do. Tại phiên mới đây, Tiên khai rất bất nhất, khi thì cho rằng khi vay tiền của bà Minh thì cô vẫn là thợ làm tóc chứ không làm công ty, khi lại cho rằng đã có công ty từ trước. Tiên cũng cho rằng sở dĩ bà Minh cho Tiên vay tiền là vì Tiên đã vạch ra được một kế hoạch kinh doanh rất hiệu quả, chứ không phải là bị cáo lừa bà Minh. Hơn nữa, bà Minh và bị cáo quen biết và chơi với nhau từ nhỏ, chứ không phải do chị gái bị cáo giới thiệu mới biết. Bà Minh thường đến chỗ bị cáo để làm tóc…
Tại phiên tòa này, vấn đề là vì sao bị cáo đăng ký mở thẻ trong ngày 6/12/2010 thì vừa đăng ký xong là trong tài khoản của bị cáo đã có 100 tỷ đồng? Chủ tọa thắc mắc và xoáy sâu vào vấn đề này với đại diện Ngân hàng A. Sau đó tương tự tại một tài khoản khác thì vừa đăng ký xong cũng có số tiền rất lớn… Vậy quy trình thủ tục về vấn đề này như thế nào? Lưu sổ sách, hệ thống chứng từ ra sao?... Tại sao trong hồ sơ vụ án không có… Vị chủ tọa đề nghị Ngân hàng A cung cấp những tài liệu này.
Điều ngạc nhiên là dù bị lừa số tiền khổng lồ nhưng bà Minh vẫn không đến tham dự phiên tòa mà ủy quyền lại cho luật sư. Khi chủ tọa hỏi luật sư đại diện một số vấn đề tế nhị thì luật sư không trả lời mà cho rằng bị hại đã khai trong hồ sơ.
Việc nữ đại gia vắng mặt tại phiên tòa khiến những người tham dự khán rất tò mò về sự “bí ẩn” của nữ đại gia này. Người ta bàn tán xôn xao và đặt ra nhiều nghi hoặc. Có người cho rằng vì sao bà Minh lại dễ dàng chuyển mỗi lần mấy chục tỷ, thậm chí có lần cả trăm tỷ đồng chỉ trong một thời gian rất ngắn cho bị cáo Tiên vay? Dù trong hợp đồng vay giấy tay không thỏa thuận ngày, tháng trả, không thỏa thuận lãi suất 21%/tháng, nhưng thực tế thì sao? Liệu trong vòng chỉ 6 tháng, bị cáo đã chuyển vào tài khoản cho bà Minh với số tiền 184 tỷ đồng, vậy tiền này là gốc hay lãi…?
Kết luận điều tra và cáo trạng đều xác định đến thời điểm này bị cáo Tiên còn nợ bà Minh 104 tỷ đồng. Như vậy cho thấy số tiền mà Tiên đã trả cho bà Minh là tiền gốc. Từ đây người ta lại đặt tiếp vấn đề, liệu bà Minh có lòng tốt đến như mức chuyển hàng trăm tỷ đồng cho một người chỉ quen biết qua một người khác mà không hề lấy một đồng tiền lãi nào? Bà Minh nhiệt tình đến nỗi bị cáo vừa đăng ký mở tài khoản là bị hại đã chuyển ngay trăm tỷ vào lập tức…?
Xét thấy vụ án còn nhiều vấn đề chưa rõ nên HĐXX đã tuyên trả hồ sơ để điều tra lại.
(Tên bị hại đã được thay đổi)