|
Ông Nguyễn Thanh Chấn, người đã phải chịu 10 năm tù oan ức cho Chung. (Ảnh Hải Ninh) |
Những ồn ào của vụ án rồi cũng sẽ chìm đi trong những tất bật của cuộc sống đời thường..., những kẻ bức hại ông Chấn sẽ phải đối diện với vòng lao lý, ông Chấn sẽ được đền bù và khôi phục quyền lợi hợp pháp theo quy định của pháp luật... Nhưng một câu hỏi còn mãi gây nhức nhối đối với hết thảy những ai có nhân tâm chính là làm thế nào để bảo vệ những người dân hiền lành vô tội khỏi bị khỏi bức hại bởi một số kẻ nhân danh cái gọi là công lý để thực thi pháp luật bất chấp sự thật, đạo lý - nguồn gốc của những vụ án oan đang gây bức xúc trong cộng đồng.
Tại sao một người vô tội như ông Chấn lại buộc phải nhận một tội ác khủng khiếp là “giết người” để rồi phải chịu cảnh suốt đời sau song sắt? Theo bộc bạch của ông Chấn với báo chí sau khi ra tù, ông đã bị nhục hình và bức cung. Những điều tra viên vô lương đã dựng lên kịch bản giết người và bắt ông Chấn “diễn lại” theo kịch bản đó để quay phim, chụp ảnh để làm bằng chứng trước tòa. Sự việc đã mang tính bình luận của nó, nhưng quả thực những lời kể của ông Chấn đã làm hết thảy mọi người đều không khỏi bàng hoàng.
Sáng 5/11,VKSND Tối cao đã tổ chức cuộc họp báo hoành tráng về vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn và xin lỗi công luận. Mặc dù việc nhận lỗi của VKSND Tối cao là sự cầu thị đáng ghi nhận trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, sau những khổ đau, tan nát vì oan khuất mà ông Chấn và gia đình vợ con ông phải hứng chịu, chỉ một lời xin lỗi trơn tru, đơn giản của những người có sứ mạng thực thi luật pháp liệu có đơn giản giải quyết được tất cả? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm và hình phạt vì lối làm việc tắc trách, vô cảm dẫn đến coi thường, rẻ rúng số phận con người? Một ngày tù bằng nghìn thu ở ngoài, chấn thương tâm lý sau tai họa biết bao giờ mới nguôi ngoai trong tâm thức người công dân hiền lành vô tội này sau ba - ngàn - năm – trăm – sáu mươi ngày rên siết chốn lao tù?
Việc bị những người dân vô tội bị bắt, xét xử oan sai không phải là chuyện hiếm ở nước ta thời gian qua. Dư luận hẳn chưa quên vụ 3 thanh niên Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Lợi và Nguyễn Đình Kiên thuộc xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ (nay là PhườngYên Nghĩa, Quận Hà Đông, Hà Nội) được Tòa án tối cao tuyên bố vô tội và trả tự do năm 2010 sau gần 10 năm ngồi tù khốn khổ vì tội hiếp dâm và cướp tài sản, vụ anh Nguyễn Minh Hùng (quê Tây Ninh) được rửa oan sau 2 lần bị tuyên án tử hình vì cáo buộc vận chuyển trái phép 25 bánh heroin năm 2003, rồi những vụ án oan với tội giết người bị án chung thân như: Ông Bùi Minh Hải (Đồng Nai) 1998 (vụ án vườn điều), ông Trần Văn Chiến (Tiền Giang) năm 1979…
Dầu sao thì được minh oan cũng là may mắn, nhưng rồi phần đời còn lại của những công dân thấp cổ bé họng này liệu có bình yên sau những năm tháng ròng rã phải ngồi tù vì cái tội mà họ không hề phạm phải?
Phần nhiều sự xét sử oan sai có hệ lụy không nhỏ trong đời sống xã hội vì nó liên quan tới niềm tin của cộng đồng về công lý và quan trọng hơn là nó liên quan đến chính số phận con người. Quyền công dân sẽ không được coi trọng nếu đó đây trên đất nước này vẫn còn những người thực thi luật pháp vừa thiếu cái tầm vừa thiếu cái tâm.
Gần một thế kỷ trước đây, Felix Edmunovich Dzezinski, bạn chiến đấu của Lê Nin và là cán bộ lãnh đạo công an của nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trong lịch sử, đã nói rằng một khi bộ máy chính quyền bắt oan và xử oan một người, nó tạo ra cho mình một kẻ thù có sức mạnh bằng một ngàn người, vì con người ấy biết chắc mình vô tội và chính nghĩa thuộc về mình…
Những lời nói của Dzezinski phải chăng cũng là một trong những bài học đầu tiên mà những “công bộc của dân” trong công tác thực thi pháp luật nước ta cần ghi nhớ nằm lòng