Vì sao nhiều bà thức sớm hơn... gà?

Google News

Mất ngủ ở người già, đặc biệt là phụ nữ do nhiều nguyên nhân và dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Cách trị bệnh mất ngủ:
Mất ngủ ở người già là tình trạng thường gặp, có nhiều nguyên nhân và hậu quả nếu không khắc phục kịp thời.
Nhiều bà đang là nạn nhân của một tình trạng nghịch lý khi muốn chợp mắt quên đời. Đó là nạn nhân tuy không khó ngủ, thậm chí nhiều khi dễ ngủ là khác nhưng chưa quá canh hai thì thức giấc rồi trăn trở đến gần sáng. Tuy nhiều người vẫn có thể “cuốn theo chiều gió” nhưng cách mấy thì ly nước sớm muộn cũng đến lúc phải tràn vì vài giọt nước không đâu. Đó là chưa kể đến chuyện bà khó ngủ ông dễ gì bình yên!
Đừng tưởng là chuyện nhỏ!
Mất ngủ theo kiểu đang thuận buồm xuôi gió ở bỗng gãy gánh giữa đường có thể là hậu quả của một căn bệnh nào khác như trầm uất, bệnh tim, bệnh thận... Nhưng trong nhiều trường hợp mất ngủ như vừa mô tả lại không do bệnh nào hết mà chỉ là hậu quả rất bình thường, dù là với người bệnh thì bất thường, trong một giai đoạn muốn tránh cũng không được của phận má hồng. Đó là giai đoạn mãn kinh!
Theo lời khuyên của thầy thuốc chuyên khoa bệnh lý do stress ở ĐH Munich, không nên xem thường tình trạng rối loạn giấc ngủ theo kiểu bật dậy giữa canh hai nếu xảy ra hơn ba lần trong tuần và nếu cứ thế kéo dài hơn một tháng. Thầy thuốc sở dĩ phân biệt rõ ràng như thế để người trao tráo suốt đêm đừng tự mình chạy thuốc theo quảng cáo đường mật mà nên nhanh chân tìm thầy mát tay.
Vi sao nhieu ba thuc som hon... ga?
Khỏi nói dông dài cũng hiểu chất lượng lao động, học tập, tư duy… lao đao đến thế nào vì gia chủ hết pin do mất ngủ! 
Chuyện gì cũng có lý do
Vì tác động, nói đúng hơn do tác hại của tình trạng thiếu hụt nội tiết tố nữ tính nên chiếc đồng hồ sinh học trong cơ thể bỗng chạy trật giờ khiến não bộ ghi nhận đêm dài chỉ còn có mấy tiếng đồng hồ! Hậu quả là nạn nhân bị đánh thức lúc nửa đêm vì với hệ thần kinh trời đã sáng dù gà chưa hề gáy. Đã vậy lại không dễ dỗ lại giấc ngủ vì trung khu điều hành giấc ngủ rất ngoan cố, hễ nói không là không, dù là… nói trật.
Nạn nhân tất nhiên có thể dùng thuốc an thần nếu mất ngủ. Nhưng nếu đơn giản như thế thì đỡ biết mấy! Bên cạnh chuyện lệ thuộc thuốc, nghĩa là đồng thời khó tránh đau đầu vì tiền thuốc, thầy thuốc dựa vào nhiều công trình nghiên cứu đáng tin cậy trong thời gian gần đây đã báo động là người dùng thuốc ngủ quá thường, không kể chi đến chuyện rối loạn tâm thần và cá tính, là đối tượng dễ bị nhồi máu cơ tim, dễ bị tai biến mạch máu não hơn người không mua giấc ngủ bằng thuốc độc trả góp từng đêm. Như thế, chữa mất ngủ mà quên vai trò của nội tiết tố chẳng khác nào muốn chống kẹt xe mà không lo giải quyết cho xong cầu đường. Thay vì quá nhanh chân tìm thầy thuốc ngành thần kinh, nhiều nạn nhân của chứng mất ngủ nên gõ cửa nhà điều trị chuyên về nội tiết tố.
Chuyện gì cũng có hậu quả
Nạn nhân, dù mất ngủ theo kiểu nào cũng vậy, khó tránh bần thần, mệt mỏi khi thức giấc. Vấn đề lại không chỉ có bấy nhiêu. Thầy thuốc ở Mỹ đã tìm hiểu về mối liên hệ giữa số giờ ngủ ngon và tình trạng xơ vữa mạch máu. Kết quả rõ hơn ban ngày là người ngủ không đủ giờ, người ngủ xong vẫn còn thèm ngủ dễ bị bệnh tim mạch, nhất là cao huyết áp, với tỉ lệ cao gấp bốn lần người đặt lưng là o o đến sáng bất kể xe tải có chạy rầm rầm suốt đêm ngay ngoài cửa.
Đáng nói hơn nữa là người thiếu ngủ không chỉ vướng bệnh tim. Chuyên gia về giấc ngủ đã chứng minh đãng trí, béo phì, trầm uất, lãnh cảm…, thậm chí bệnh tiểu đường, là hậu quả của nhiều đêm mất ngủ khiến hội chứng sút trí tuệ, rối loạn biến dưỡng không hẹn mà cùng nhau gia tốc!
Chuyện nhỏ đừng xé ra to
Nhiều bà đang mất ngủ không hẳn vì bệnh nào nghiêm trọng mà chỉ vì nội tiết tố thể hiện cá tính “phái yếu” giảm dần theo tuổi đời. Nếu chỉ trông mong vào tác dụng an thần của thuốc đặc hiệu thì nếu may mắn ngủ được hôm nay, mai mốt cũng mất ngủ! Tại sao lại chọn liệu pháp may rủi trong khi giải pháp vừa hiệu quả vừa an toàn rất gần trong tầm tay? Y sĩ đoàn ở CHLB Đức ắt hẳn có lý do chính đáng khi khuyên phụ nữ tiền mãn kinh nên chọn châm cứu làm phương án chống bốc hỏa, mất ngủ, trầm uất… Nói riêng ở xứ mình, giải pháp đúng là không thiếu, có thiếu chỉ thiếu thông tin đủ sức thuyết phục, có thiếu chỉ thiếu thầy thuốc chọn giải pháp an toàn, thay vì đánh nhanh, đánh mạnh cho vừa lòng “khách hàng”!
Theo Báo Pháp luật TP HCM

Bình luận(0)