|
"Thuốc chưa tiêu" có thể làm mềm, nở thực phẩm. |
Với mục đích tìm hiểu thành phần của loại thuốc “ghê người” này, PV mang gói thuốc đến gặp PGS.TS Trịnh Lê Hùng - giảng viên khoa Hóa học, Chuyên ngành hóa sinh môi trường, Trường Đại học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Sau khi nghiên cứu, phân tích, ông Hùng cho biết: “Có thể đây là hóa chất NaHCO3 (natri hidrocacbonat). Nếu đúng thì không có gì là lạ bởi người ta vẫn thường dùng hóa chất này để làm mềm thịt và làm nở bánh bao... Dùng hàm lượng nhỏ để chế biến thực phẩm sẽ không độc hại, tuy nhiên nếu dùng nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Lý giải tại sao những người làm nghề bốc mộ phải dùng thuốc này, ông Hùng nhận định: “Thi thể người chết sau khi chôn cất, vài năm sau sẽ có dấu hiệu thối rữa. Quá trình phân hủy bắt đầu từ nội tạng, sau đó đến thịt, mỡ và cuối cùng là xương.
Nếu chôn ở vùng đất thịt như miền Bắc, xác sẽ khó phân hủy, nhất là với những người khi còn sống phải uống nhiều thuốc kháng sinh để trị bệnh. Bởi vậy, dùng hóa chất này với hàm lượng lớn sẽ có tác dụng tẩy rửa thịt khỏi xương một cách nhanh chóng”.
Đặt nghi vấn của những người đào mộ cho rằng bác sĩ Tường dùng “thuốc chưa tiêu” hủy hoại xác nạn nhân, ông Hùng lắc đầu khẳng định: “Theo tôi rất khó. Đúng là hóa chất này có thể làm tan thịt nhanh chóng nhưng đó là xác chôn lâu dưới lòng đất đã phân hủy trong suốt thời gian dài.
Còn người vừa mới chết, khó mà dùng hóa chất này làm tan ra được. Chỉ ngâm vào axit đậm đặc cùng với kiềm, thịt mới có thể tan ngay lập tức”.
Nghiên cứu về thành phần “thuốc chưa tiêu”, PGS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cung cấp thêm thông tin. Theo đó, thành phần chủ yếu là hóa chất NaHCO3 (natri hidrocacbonat), Na2CO3 (natri bicacbonat), còn có nhiều tên gọi như Baking Soda hoặc thuốc muối.
|
PGS.TS Trịnh Lê Hùng nhận định về thành phần loại thuốc. |
Các hóa chất này dưới tác dụng của nhiệt độ cao như nước sôi, sẽ giúp quá trình thủy phân protein trong thịt, xương thành axit amin nhanh hơn. Đây là lý do các loại thực phẩm được dùng bột này hầm sẽ rất mềm. Bản thân NaHCO3, Na2CO3 là chất không độc, có trong danh mục chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế ban hành.
Vị chuyên gia cho biết thêm “Các hóa chất này có thể dùng để làm sạch bề mặt rau, củ, quả hoặc chống ôi thiu thực phẩm, thậm chí được dùng tẩy rửa bồn cầu, tẩy mùi xác chết, tẩy uế môi trường… Lưu ý, hóa chất dùng trong thực phẩm là loại tinh khiết, còn hóa chất dùng để tẩy rửa bồn cầu, tẩy rửa xác chết… là loại dùng trong công nghiệp”.
Ngoài ra, NaHCO3 còn được dùng để chữa bệnh đau dạ dày do thừa acid trong dịch vị, ợ chua hoặc chậm tiêu. Tuy nhiên, chỉ nên dùng theo chỉ dẫn với một lượng nhất định.
“Có thể các công ty sản xuất nhập thuốc này từ Trung Quốc, sau đó ngầm cung cấp cho các cửa hàng với số lượng lớn, để làm thành “thuốc chưa tiêu”. Không quản lý cẩn thận, hiện tượng này rất có thể sẽ mang đến hậu quả không lường trước được”, vị PGS nhận định.
Như vậy, “thuốc chưa tiêu” nếu dùng với mục đích xấu và liều lượng lớn sẽ rất nguy hiểm. Vậy tại sao các cơ quan chức năng không kiểm soát, để loại thuốc này bán tràn lan trên thị trường, có thể dễ dàng mua như PV đã mua được?
Cho dù không đủ liều lượng để tiêu hủy, phi tang tội ác, chỉ dùng thuốc trong việc bốc mộ, thì sau đó, khi đổ hóa chất ra môi trường, ai dám khẳng định không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.