Thai phụ sẩy thai, sinh non do sởi

Google News

(Kiến Thức) - Có thai phụ vừa phá thai nội khoa phải nhập viện để tiếp tục điều trị sởi, lại có trường hợp mang thai 17 tuần bị sởi nên bị sẩy phải chuyển qua Bệnh viện Từ Dũ TPHCM... 

Thai phụ khó tránh mắc bệnh
ThS.BS Lương Thị Huệ Tài chia sẻ, sởi thì lúc nào cũng có, năm nào cũng gặp, nhưng trẻ em bị nhiều hơn người lớn, thai phụ cũng không tránh khỏi nếu không được tiêm ngừa trước hoặc chưa từng mắc sởi. 
Theo y văn, khi phụ nữ mang thai không may mắc phải bệnh sởi khi thai nhỏ thì có thể bị sẩy thai, thai lớn thì dễ bị sinh non và may mắn bình an qua được đợt bệnh sởi thì sinh con cũng bị dị tật với tỷ lệ nhất định, thấp hơn rubella. Tuy nhiên, khi thai phụ bị mắc sởi thì không có khuyến cáo bỏ thai. Mặc dù, bệnh sởi lây rất nhanh nhưng cũng không khuyến cáo tiêm ngừa sởi cho thai phụ.
ThS.BS Nguyễn Thị Hồng Lan, Phó trưởng khoa Nhiễm C, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đang khám cho thai phụ P.T.T.H.  
Một mũi tiêm ngừa 3 bệnh nhiễm
ThS.BS Nguyễn Thị Hồng Lan, Phó trưởng khoa Nhiễm C, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết, những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nếu chưa từng bị bệnh sởi, chưa tiêm phòng thì nên đi tiêm 1 mũi mà ngừa được 3 bệnh sởi, quai bị, rubella để an toàn cho mẹ và bảo vệ cho con. Thai phụ khi đến đây điều trị hầu như là không nhớ là mình đã mắc bệnh sởi rồi hay chưa, cũng không nhớ là đã tiêm phòng bệnh hay chưa. Cũng có người thì đi tiêm ngừa nhưng kiểm tra thấy có kháng thể rubella nên đã không tiêm ngừa mũi thuốc này.
Thai phụ P.T.T.H. (31 tuổi ở quận Tân Phú, TPHCM) đang được theo dõi điều trị tại phòng 327 cho biết: "Em đang mang thai lần thứ 2 được 14 tuần nhưng trước khi mang thai thì không tiêm ngừa do bị vỡ kế hoạch. Ở lần mang thai trước cách đây 3 năm, khi đi tiêm ngừa rubella thì làm xét nghiệm thấy có kháng thể nên không tiêm nữa. Vả lại, em chỉ nghe nói tiêm ngừa rubella, thủy đậu chứ không nghe nói đến sởi".
Chị H. cho biết thêm, chị bị sốt 7 ngày, phát ban thì mới 3 ngày. Ban đầu tưởng là bị cảm sốt, nhưng sau đó thấy mệt vì vẫn còn ốm nghén nên uống sữa là chủ yếu. Ăn vào là ói nên đi khám ở một bệnh viện tư và do nghi ngờ bị sốt xuất huyết nên chuyển viện. Theo ThS.BS Nguyễn Thị Hồng Lan, hiện thai phụ T.H. vẫn còn sốt cao (trên 38,5oC) và kết quả siêu âm thì thai vẫn bình thường nhưng chỉ khi nào thai phụ xuất viện bình an thì mới biết được kết quả chính thức.
BSCK I Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng Khoa Nội A cho biết, người lớn mắc bệnh sởi thì phát ban nhiều, rầm rộ hơn so với trẻ em và cũng sốt cao hơn theo công thức 4 + 4 (4 ngày trước khi phát ban và 4 ngày sau khi phát ban), virus sởi có thể sống 4 tiếng đồng. Diễn biến bệnh ở người lớn giống như trẻ em là sốt cao, ho, phát ban, viêm kết mạc, sổ mũi. 
Theo các chuyên gia, thai phụ sau khi bị sẩy thai thì chuyển qua bệnh viện sản để giải quyết vấn đề bệnh lý sản khoa. Sau đó, bệnh nhân sẽ quay về để tiếp tục theo dõi bệnh. Chị em thai phụ nên tránh đến những chỗ đông người, nếu vì công việc phải đến thì nên đeo khẩu trang đúng, nên rửa tay thường xuyên và vệ sinh cơ thể sạch sẽ, nơi ở cũng phải sạch sẽ, thoáng mát...
Bùi Hương

Bình luận(0)