Những tay săn tìm huyết khỉ khô khẳng định, dù bây giờ huyết hầu đã khan hiếm nhưng nếu muốn, họ có thể cung ứng đầy đủ. Tuy nhiên, huyết hầu ấy chỉ là một loại huyết giả, không có tác dụng chữa bệnh.
Huyết khỉ vón cục
Dân săn tìm huyết hầu ở Hà Giang không ai không tường Bố Xỉ dưới chân núi Thám Lim, người còn lưu giữ được một số hiện vật về huyết hầu huyền thoại. Bố Xỉ bảo, cách đây vài tuần có người đến tìm mua huyết khỉ khô nhưng ông không bán.
Bố Xỉ nhớ lại, cách đây 5 năm việc đi tìm huyết khỉ khô trên núi như một phong trào. Ai cũng muốn tìm cho được một chút "lộc trời". Nhưng người tìm được thì ít, mà người tai nạn vì ngã núi thì nhiều.
"Trước đó, huyết khỉ còn nhiều vì ít người săn tìm nên có người thu được cả tạ. Kinh nghiệm tìm huyết khỉ là cứ đến những vách đá màu trắng. Ở những vách đá ấy, nếu một thứ hỗn hợp màu đen, có mùi tanh ngọt thì đích thị là huyết khỉ khô vón cục. Cứ thế, với đồ nghề là những cái đục bào của người thợ mộc mà cạo lấy mang về", Bố Xỉ tiết lộ.
|
Theo bà con dân tộc Mông ở Hà Giang, bài thuốc từ máu khỉ có tên gọi là Xá lia - Hli sía. |
Theo Bố Xỉ, khi phát hiện ra vùng có huyết khỉ thì cứ theo dấu vết mà tìm. Có những đoạn dài hàng cây số toàn huyết khỉ khô. Tuy nhiên, đó là chuyện của trước kia, còn bây giờ việc tìm huyết khỉ chẳng khác nào mò kim đáy bể. Cho nên, giữ lại được một chút huyết khỉ trong nhà cũng coi như giữ được khối vàng ròng.
Nhà Bố Xỉ giữ được hơn 1 lạng huyết khỉ nhưng lại không phải là thứ nguyên chất, mà có nhiều tạp chất dính vào. Trong bản Lũng Trang này, ngoài nhà Bố Xỉ, chỉ còn nhà ông Thành còn giữ được số lượng nhỏ. Tuy nhiên, đó chỉ là tin đồn, còn thực sự ông Thành có giữ được huyết khỉ hay không thì chỉ ông mới rõ.
Để chứng minh cho khách thấy, ông Thành vào trong nhà lấy ra một gói nhỏ bảo là huyết khô lâu năm. Huyết khỉ khô vón cục nằm trong túi bóng, động tay vào thấy dẻo như nhựa đường. Ngửi có vị tanh và khi ông Thành lấy ra chút ít hòa nước thì chuyển nhanh thành màu đỏ như máu.
Tuy nhiên, ông Thành cũng tiết lộ, khách hàng muốn mua bao nhiêu huyết hầu thì các thợ săn cũng cung ứng đầy đủ. Nhưng đó không phải là huyết hầu khô thực chất mà là huyết khỉ sau khi bị giết.
|
Bọc đựng huyết hầu khô của Bố Xỉ. |
30 năm đi tìm huyết hầu
Trong giới săn tìm thần dược huyết hầu ở Hà Giang bây giờ, nổi tiếng nhất là ông Triệu Văn Chản ở xã Linh Hồ (Vị Xuyên) với thâm niên 30 trong nghề. Ông Chản cho biết mình đã giải nghệ cách đây 2 năm. Lý do giải nghệ vì thứ nhất, khỉ bị giết hại quá nhiều; thứ hai "lộc bất tận hưởng", không nên hưởng quá nhiều sẽ bị trời phạt.
Trong trí nhớ của ông Chản, 30 năm trước việc đi tìm huyết khỉ khô không phải là một nghề. Nó chỉ dành cho những ai có sức khoẻ và có duyên. Huyết khỉ khô theo ông biết cũng không có tác dụng "cải lão hoàn đồng" hay tăng cường sinh lý như đồn thổi.
Minh chứng ông Chản đưa ra là ông dùng nhiều huyết khỉ khô nhưng già vẫn hoàn già. Chuyện sinh lý thì ông cũng bình thường, không có gì nổi trội. Tác dụng thực sự mà ông thấy huyết khỉ khô đem lại là giúp phụ nữ sau sinh chóng hồi phục, thứ nữa là làm thuốc xoa bóp thấp khớp hoặc vết thương sưng tấy.
|
Cận cảnh huyết hầu khô vón cục. |
Ông Chản nhớ về chuyến săn tìm huyết hầu thành công nhất là những năm sau 1990, ông cùng một số người vào rừng lần theo dấu vết của khỉ và thu lượm được tất thảy 30kg huyết khô. "Lúc ấy, chúng tôi bán nó cho mấy lang y dưới chợ huyện với giá 1 triệu đồng. Số tiền này thời điểm ấy là to lắm rồi. Lang y họ mua về chủ yếu để pha chế thuốc cho phụ nữ và trẻ em mà thôi", ông Chản cho hay.
Ông Chản khẳng định, suốt hơn 30 năm săn tìm huyết hầu, ông chưa từng giết hại một con khỉ nào. Bởi theo ông, lấy huyết hầu là thu lượm thứ huyết "đến tháng" của con khỉ cái, chứ không phải giết khỉ để lấy máu lừa bán cho người khác. Làm thế là thất đức.
|
Huyết hầu khô đem pha nước sẽ có màu đỏ. |
Tai họa săn tìm huyết hầu
Cũng từ việc săn tìm huyết khỉ khô mà không biết bao nhiêu người đã gặp tai họa, nhẹ thì sứt đầu mẻ trán, nặng thì gẫy tay gẫy chân hay ngã núi mất mạng. Thế nhưng, vì món lợi trước mắt nên nhiều người vẫn đánh đổi mạng sống mình để săn tìm thứ "thần dược" tự phong.
Theo kinh nghiệm của ông Chản, huyết hầu chỉ có ở trên những vách đá rất cao nơi rừng sâu, xa nơi cư trú của con người. Có nhiều trường hợp leo lên cao chưa chắc đã có huyết hầu vì chỗ nào có dấu chân con người thì khỉ sẽ tránh ra xa. Chính vì vậy, việc săn tìm huyết hầu là rất khó và nguy hiểm. Chính ông Chản đã từng suýt chết mấy lần vì trượt chân ngã xuống dưới.
Hành lý của những người săn tìm huyết hầu chỉ có ba lô, dao, đục mỏng. Nhiều khi họ phải treo mình trên những vách đá lần theo vết máu đến nơi có huyết vón cục. Khi đã phát hiện ra huyết hầu, người ta sẽ dùng cái đục mỏng bào nhẹ để lấy hỗn hợp màu vón cục kia.
Mùa săn tìm huyết hầu thường là đầu xuân, khi đó động vật vào mùa động dục nên hiểm nguy rình rập những người săn tìm huyết hầu là không ít. Theo như ông Chản, rừng núi trước kia còn nhiều hùm beo nên không ít người đã bỏ mạng. Số nữa là ngã núi hoặc bị rắn độc cắn.
|
Bố Xỉ, người đang giữ 1 lạng huyết hầu khô. |
Ông Chản cho biết, trước đây tổ tiên của ông cũng làm nghề này, nhưng không phải để bán lấy tiền. Thời xưa, người vùng này phải theo lệnh các quan đạo lên núi tìm huyết hầu dâng tiến vua chúa triều đình và phương Bắc. Không biết bao nhiêu thợ săn đã bỏ mạng ở những cánh rừng chết chóc này.
Tuy nhiên, theo ông Chản, quan niệm huyết hầu ngày xưa thực chất là loại hỗn hợp được chiết xuất ra từ mồ hôi của cả khỉ lẫn voọc. Chính loài khỉ cũng rất ưa thích hỗn hợp này vì nhiều người từng chứng kiến chúng cạy ăn như một món bổ dưỡng.
(còn tiếp)
"Huyết hầu khô trước đây chỉ tập trung nhiều ở vùng núi Thám Lim. Vùng núi này trước là mỏ diêm sinh, nhưng người dân đọc chệch đi cũng để "đánh dấu" là khu vực nhiều huyết hầu khô".
Ông Triệu Văn Chản
"Có một số người ở Hà Nội đánh xe lên Ba Vì và hỏi tôi có bài thuốc từ huyết khỉ khô vón cục hay không. Tôi trả lời là có nghe đến bài thuốc chứ không có. Điều tôi băn khoăn là trong các bài thuốc Đông y chưa từng nghe đến phương thuốc lạ này. Cho nên mọi người phải cẩn thận trước những tin đồn chưa được xác định".
Lương y Lều Văn Trọng (Chủ nhiệm HTX thuốc Nam Ba Vì)