Tuy nhiên, theo các chuyên gia cảnh báo, không ít công thức tự chế tiềm ẩn nhiều nguy cơ phơi nhiễm hóa chất.
Cồn Iso-propyl và tinh dầu
Bên cạnh những nguyên liệu tự nhiên và an toàn như chanh, giấm, bột nở (baking soda)... không ít các công thức tự chế dung dịch tẩy rửa mà chị em áp dụng lại kèm theo các thành phần hóa chất. Ví dụ như cồn Iso-propyl được dùng rất nhiều trong các công thức pha chế nước xịt phòng, tẩy kính, vệ sinh bếp, phòng tắm... “Tôi thường dùng cồn Iso-propyl pha với nước và vài giọt tinh dầu, đổ vào bình xịt và lắc đều để xịt phòng. Tùy theo phòng ngủ, phòng bếp hay phòng tắm mà chọn loại tinh dầu có mùi hương phù hợp. Nhiều khi làm cũng do quen tay chứ chả có tỷ lệ gì. Có lần pha bị đặc thì mùi cồn, mùi dầu thơm nồng nặc quá nên lần sau rút bớt đi, pha tỷ lệ loãng hơn”, chị Nguyễn Hoài An (B6A Nam Trung Yên, Hà Nội) chia sẻ.
Còn chị Lê Thu Hà (381 Nguyễn Khang, Hà Nội) cũng thường dùng chanh, giấm để tẩy rửa bếp, phòng tắm, nhưng đọc trên các trang mạng thấy chị em nhắc đến việc dùng cồn Iso-propyl hiệu quả hơn, chị liền áp dụng ngay. Chị Hà cho biết, khi cho thêm Iso-propyl vào chị thấy rõ mùi cồn, mang đến cảm giác như mọi thứ đều đã được tiệt trùng sạch sẽ, cộng thêm hương chanh dịu mát rất khoan khoái, dễ chịu.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Vinh, Công ty dịch vụ vệ sinh Nhà sạch cho rằng, cồn Iso-propyl hay các tinh dầu tổng hợp mà mọi người thường dùng để tự pha chế dung dịch tẩy rửa, xịt phòng cũng là hóa chất và việc dùng bừa, không có nguyên tắc về tỷ lệ pha chế cũng là một hình thức lạm dụng hóa chất. “Nếu tự chế mà như vậy thì cũng chả hơn gì việc sử dụng các hóa chất tẩy rửa chuyên dụng một cách hợp lý và đúng hướng dẫn của nhà sản xuất”, ông Vinh nhận xét.
|
Nếu muốn vệ sinh nhà cửa bằng các dung dịch tự pha chế thì chỉ nên dùng chanh, giấm, bột baking soda. |
Cẩn thận trầm cảm, ngộ độc
Theo TS y khoa George Krucik, Tạp chí Healthline (Hoa Kỳ), cồn Iso-propyl là một loại hóa chất không màu, dễ cháy, và có mùi cồn đậm đặc, rất có tác dụng trong việc diệt khuẩn nên thường được dùng phổ biến trong việc tẩy rửa và vệ sinh. Tuy nhiên, theo Trung tâm Kiểm soát Chất độc hại, cồn Iso-propyl khác với thành phần cồn ethanol hay ethyl trong bia, rượu, vì thế nếu lạm dụng Iso-propyl có thể gây tình trạng nhiễm độc. Cồn
Iso-propyl có thể gây độc qua uống, hít và qua da. Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo, chỉ nên sử dụng làm chất tẩy rửa ở các khu vực thoáng khí, tránh gần nơi có lửa, gần các thiết bị tỏa nhiệt lớn. Và đặc biệt trong việc cất giữ cần hết sức phòng tránh nguy cơ có thể vô tình uống phải, nhất là đối với trẻ nhỏ. Các triệu chứng của ngộ độc Iso-propyl bao gồm chóng mặt, choáng váng, nhức đầu, huyết áp tụt, đau bụng, nôn mửa, nặng hơn có thể khó thở, gặp vấn đề nghiêm trọng với hô hấp, thậm chí hôn mê, trầm cảm...
Ông Nguyễn Thành Vinh cũng cho rằng, việc sử dụng tinh dầu tổng hợp để pha chế các dung dịch vệ sinh cũng cần chú ý liều lượng nhất định. Bởi tinh dầu tổng hợp được pha bởi các dung môi hóa chất và hương liệu tạo nên hương thơm tổng hợp tựa như mùi hương tự nhiên. Nếu chỉ sử dụng một lượng tinh dầu nhỏ, vừa đủ để tạo hương thơm thoang thoảng sẽ không có ảnh hưởng gì xấu. Tuy nhiên, không nên vì cho rằng sản phẩm an toàn mà lạm dụng quá mức, bởi bất kỳ hóa chất nào cũng có ngưỡng độc nhất định.
Tốt nhất nếu muốn vệ sinh nhà cửa bằng các dung dịch tự pha chế thì chỉ nên dùng chanh, giấm, bột baking soda, là những nguyên liệu thực sự an toàn. Tuy nhiên, việc vệ sinh nhà cửa cần được tiến hành thường xuyên, ngay sau khi sử dụng chứ không phải chờ đến lúc thấy bẩn mới cọ rửa. Có thể tận dụng tinh dầu từ vỏ cam, quýt, chanh, bưởi, củ sả... để tạo hương thơm tự nhiên cho không gian sống, bằng cách đun các loại vỏ quả này trong nước sôi hoặc phơi khô để đốt.
Các vết bẩn cứng đầu không thể làm sạch với nguyên liệu thiên nhiên thì vẫn nên dùng những loại hóa chất chuyên dụng để làm sạch hoặc có thể tự pha dung dịch tẩy rửa với cồn Iso-propyl hoặc Javen. Tuy nhiên, khi pha chế cần tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng và tỷ lệ.
Ông Nguyễn Thành Vinh