Trong y học hiện đại và cổ truyền, một người nếu không đo được mạch, huyết áp thì có nghĩa là chết. Thế nhưng, thời gian gần đây dư luận lại xôn xao trường hợp của ông Lê Văn Khi, ở xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam mặc dù "không mạch, không huyết áp" vẫn sống khoẻ.
Vô tình biết "vô mạch"
Mặc dù căn bệnh "vô mạch" được các bác sĩ trước đây đánh giá là rất hiếm gặp, và chưa có phác đồ điều trị, nhưng ông Lê Văn Khi vẫn không cảm thấy lo lắng vì điều đó. Ông cho rằng, sống chết là do số và nếu chết thì ông đã chết từ lâu rồi.
Ông Khi tình cờ biết mình "vô mạch" từ khoảng năm 1995. Lúc đó ông được gia đình đưa đi khám bệnh nhưng các bác sĩ không bắt được mạch cho ông. Qua lời kể của bác sĩ, ông mới biết là mình mang căn bệnh hiếm gặp nhất hành tinh là "vô mạch". Thời bấy giờ, các bác sĩ ở cấp huyện và tỉnh đã huy động tất cả các loại máy móc trang thiết bị hiện có để đo mạch, huyết áp cho ông nhưng không được trước sự ngỡ ngàng của không ít bác sĩ và thân nhân của ông.
"Có thể tôi bị căn bệnh này từ hồi chiến tranh chống đế quốc Mỹ với 17 lần bị thương thừa chết thiếu sống. Đến giờ tôi không nhớ rõ lịch sử của mỗi vết thương găm vào cơ thể như thế nào. Duy có điều, gần như tất cả những lần tôi bị thương được đưa đến trạm quân y đều khiến các bác sĩ hốt hoảng tưởng tôi đã chết vì không bắt được mạch, huyết áp. Nhưng rồi tôi vẫn sống. Sau đó có người buông lời trêu tôi là người trời. Sau mỗi lần điều trị vết thương, các bác sĩ ở binh trạm bắt mạch lại trước khi cho xuất viện đều rất lo lắng. Họ nói sức khoẻ của tôi rất yếu, không thể chiến đấu. Nhưng tôi vẫn đánh nhau bình thường chả thấy ốm đau gì cả", ông Khi cho biết.
Đến năm 1995 ông Khi được đi khám bệnh theo chế độ của người có công với cách mạng. Lúc này các bác sĩ mới hốt hoảng tưởng ông chết đến nơi vì không đo được mạch, huyết áp. Ngay lập tức, ông được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng để kiểm tra. Tuy nhiên, các bác sĩ ở đây vẫn không thể đo được mạch, huyết áp của ông. Những lần tiếp theo ông Khi được đưa đi một số bệnh viện khu vực để điều trị nhưng vẫn không có kết quả khả quan. Trong khi đó, ông Khi thấy sức khoẻ vẫn ổn, vẫn cày, cấy, lên rừng xuống suối như chẳng kém cạnh gì cánh thanh niên, trai tráng từ đó đến nay.
|
Ảnh minh họa. |
Không có chuyện "vô mạch”
Trước căn bệnh kỳ lạ trên của ông Khi, chúng tôi đã tìm đến các chuyên gia Đông, Tây y nhờ giải thích. BS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Viện Tim Hà Nội cho rằng: "Không thể có chuyện người "vô mạch". Chỉ có người chết mới không có mạch, huyết áp. Nếu không đo được mạch thì đồng nghĩa với việc tim không hoạt động, không thể đưa máu đến các cơ quan, tế bào để nuôi cơ thể. Nếu không đo được mạch ở tay thì có thể đo ở cổ... Đã là người sống thì chắc chắn đo được mạch, huyết áp. Từ khi làm nghề y đến nay tôi chưa nghe nói hay chưa gặp trường hợp nào "vô mạch" mà vẫn sống.
Tuy nhiên, BS Nguyễn Quang Tuấn cho rằng: Một số trường hợp tu luyện khí công đến mức thượng thừa thì có thể tự điều chỉnh nhịp tim chậm lại. Họ có thể ngồi tu luyện cả tuần mà không cần ăn uống gì. Nhưng đó không có nghĩa là "vô mạch" mà tim vẫn đập, máu vẫn được lưu thông đến các cơ quan, bộ phận nuôi cơ thể.
|
Lương y Nguyễn Hữu Toàn cho rằng, trường hợp của ông Khi không phải là "vô mạch" mà do mạch lặn sâu vào trong hoặc mạch máu bị teo lại khiến cho việc bắt mạch, đo huyết áp gặp khó khăn. |
Khi được hỏi về hiện tượng "vô mạch" của ông Lê Văn Khi, nhiều bác sĩ Đông y cũng cho rằng, đây có thể là sự nhầm lẫn bởi người sống thì không thể không có mạch, huyết áp. Lương y Nguyễn Hữu Toàn, nhà thuốc Đông y Hữu Toàn cho rằng, có thể do tĩnh mạch lặn sâu vào trong cho nên khi bắt mạch thường rất khó khăn vì nhịp đập của tim yếu, khó phát hiện. Trường hợp mạch lặn này rất hy hữu, cũng giống như là người có tim nằm ở bên phải. Ở một số người tập Yoga, khí công thì họ có thể điều chỉnh nhịp tim xuống thấp khiến các máy móc hiện đại và kể cả phương pháp bắt mạch truyền thống cũng khó khăn trong việc đo mạch vì nhịp tim yếu. Nhưng máu thì vẫn được dẫn đi nuôi cơ thể.
Trao đổi với chúng tôi, ông Khi cho biết: "Cách đây ít lâu có một đoàn bác sĩ đi xe 4 bánh đến đem tôi đi chữa bệnh. Các bác sĩ này ở ngoài Đà Nẵng. Sau khi khám bệnh, họ bảo tim mạch của tôi không được tốt. Cụ thể là nhịp tim yếu, mạch máu lưu thông chậm và có dấu hiệu teo lại. Sau đó, tôi được nhận thuốc về điều trị tại nhà. Uống thuốc được hơn một tuần thì thấy tứ chi không còn lạnh toát như trước, đêm dễ ngủ hơn, chứng tức ngực, khó thở khi trời trở gió không còn nữa. Bác sĩ bảo bệnh của tôi phải điều trị dài ngày, nếu không điều trị kịp thời sau này sẽ dễ bị đột quỵ do tim yếu. Việc điều trị của tôi được miễn phí hoàn toàn".
"Sau 17 lần bị thương, toàn thân tôi bỗng trở nên lạnh như người chết, mất ngủ nhiều năm liền. Dù vậy sức khoẻ của tôi vẫn tốt. Một ngày bữa ăn 3 bát cơm, có hôm ăn tới 4 bát. Đêm thức trắng nhưng ngày vẫn vác cuốc đi làm mà không thấy uể oải. Vào mùa khô, trời nắng như đổ lửa, mọi người thường tìm chỗ điều hòa ở nhưng tôi không cần... Thời gian gần đây tôi bị chứng tức ngực, khó thở mỗi khi trái gió trở trời, nhưng có lẽ đó là bệnh của tuổi già vì năm nay tôi đã 75 tuổi".
Ông Lê Văn Khi