Mê công nghệ khi đã về hưu
Ông Nguyễn Văn Lục (Nhân Chính, Hà Nội) vốn là một kỹ sư nhưng thuộc thế hệ trước nên khi đi làm không được tiếp xúc nhiều với công nghệ thông tin. Sau khi nghỉ hưu, rảnh rỗi lại sẵn máy tính nên ông quyết định tìm tòi để đọc báo, nghe nhạc, tra cứu thông tin chuyên môn cũng như các bài thuốc phục vụ cho bản thân.
Lúc đầu, ông chỉ mày mò tắt mở, dần dần vào các trang tin tức báo chí, các ứng dụng thủ thuật... Đến bây giờ, ông đã sử dụng máy tính thành thạo. Hằng ngày, ông vào đọc báo, xem tin tức. Ông cũng vào mạng xã hội như facebook để theo dõi thông tin bạn bè, con cháu. Ngày nào không có thời gian vào mạng, ông cảm thấy "thèm".
Chưa dừng lại, từ đam mê máy tính ông cũng thích khám phá hơn với các loại điện thoại thông minh, máy ảnh kỹ thuật số... Ông tìm hiểu các ứng dụng, chơi game trên điện thoại.
Ông Lục chia sẻ, từ ngày sử dụng máy tính và các thiết bị thông minh trên thấy vui vẻ hẳn lên, hứng thú với cuộc sống, thay vì cảm giác bị tù túng, chây ì sau khi về hưu. Chính vì thế, sức khoẻ tăng lên, trí nhớ ổn định...
Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Y tế Mayo Clinic (Mỹ) cho thấy, việc sử dụng máy tính kèm theo tập thể dục giúp người cao tuổi hạn chế giảm trí nhớ. Theo đó, có 41 người (tương đương 20%) trong số 205 người tham gia không tập thể dục và không sử dụng máy vi tính có dấu hiệu của bệnh suy giảm nhận thức ở mức độ nhẹ (MCI), trong khi có 20 người (tương đương 6%) trong số 314 người vừa tập thể dục vừa sử dụng máy vi tính bị mắc bệnh MCI.
Ngoài ra, một nghiên cứu khác mới đây của Đại học Texas ở Dallas (Mỹ) cũng chỉ ra rằng, người lớn tuổi sử dụng máy tính bảng (iPad) có thể giúp cải thiện trí nhớ và giúp họ hoàn thành công việc một cách nhanh chóng hơn. Nhóm dùng máy suy nghĩ nhanh chóng hơn và có sự hồi tưởng lại các sự kiện và kinh nghiệm đã xảy ra trước đó.
|
Việc sử dụng máy tính kèm theo tập thể dục giúp người cao tuổi hạn chế giảm trí nhớ. |
Kích thích tế bào não phát triển
Theo BS Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khoẻ tâm thần, trong não bộ của con người có nhiều lớp tế bào. Khi lớn tuổi, có một lớp tế bào bị lão hóa, nhưng cũng có những lớp tế bào chưa được kích thích để sử dụng. Khi sử dụng máy tính hay các thiết bị điện tử thông minh, chơi game, đối với người già chưa qua sử dụng hoặc chưa biết nhiều, đó là một hoạt động học hỏi, kích thích não phát triển hay nói cách khác là kích thích động não. Quá trình này cũng chính là kích thích tế bào "ngủ yên" hoạt động, từ đó tăng trí nhớ lên.
"Đây là một quá trình rất logic và được khuyến cáo nhiều đối với người già. Thậm chí, những người mắc chứng pakinson cũng được khuyến cáo tương tự. Trong đó có những ghi nhận rằng, người có trí thức chứng bệnh này sẽ tiến triển chậm hơn so với những người bị bệnh nhưng ít vận động, tìm tòi, học hỏi", BS Nguyễn Minh Tuấn nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng, việc sử dụng các thiết bị giúp người cao tuổi ghi nhớ, suy luận, hoạt động thị giác và phản ứng nhanh với các trò chơi. Đặc biệt là các trò như ô chữ, xếp hình, đuổi hình bắt chữ... Đây được xem là hoạt động luyện tập tăng trí nhớ ngắn hạn để dẫn đến trí nhớ dài hạn. Trong khi đó, tập thể dục giúp đẩy mạnh sự sống của các tế bào thần kinh, tăng oxy từ đó máu lên não tốt hơn, do đó não bộ được tăng cường để chống lại sự lão hóa của tuổi già.
"Việc tập thể dục với người cao tuổi cần xem xét, lựa chọn môn, vị trí, thời điểm thích hợp để tránh xảy ra tai nạn hay tai biến không đáng có. Nên chọn các môn nhẹ nhàng như khí công, yoga, thể dục tại nhà, đi bộ chậm...".
BS Nguyễn Minh Tuấn