TP HCM: Cụ bà tử vong nghi bác sỹ điều trị bát nháo

Google News

(Kiến Thức) - Bà L. đến phòng mạch bác sĩ V.M.C tiêm thuốc và truyền dịch. Vài tiếng sau, bệnh nhân nôn ra máu ồ ạt, nhập viện và tử vong sau 2 tháng.

Ngày 2/3, Báo điện tử Kiến thức đã nhận được đơn kêu cứu của chị Phạm Thị Th.L. (47 tuổi, ngụ tại Phường 2, Thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) về việc mẹ chị là bà D.T.L. (65 tuổi, đang tạm trú tại phường Tân Hưng, quận 7, TP HCM) thường hay bị đau nhức khớp, đau chân nên đến phòng mạch tư của bác sĩ V.M.C (Lô A, Chung cư Tôn Thất Thuyết, đường Khánh Hội, quận 4, TP HCM) để điều trị đau nhức. Tuy nhiên, lần điều trị gần nhất về tới nhà thì  bệnh nhân bị nôn ói ra máu ồ ạt phải vào bệnh viện cấp cứu suốt gần 2 tháng trời. Cuối cùng bệnh nhân đã tử vong hôm qua (10/3).
Bệnh nhân tiêm thuốc về ói ra máu, nguy kịch...
Theo chị Phạm Thị Th.L., mẹ chị đã có thời gian ba năm trung thành đến khám ở phòng mạch tư của bác sĩ V.M.C. Cách điều trị của bác sĩ V.M.C là tiêm thuốc trực tiếp vào 2 khớp gối mỗi ngày và cho thuốc về nhà uống (nhưng không có toa thuốc đem về). Khi tiêm xong, có cảm giác bớt đau vài ngày, có khi vài tuần, sau đó nhức lại.
TP HCM: Cu ba tu vong nghi bac sy dieu tri bat nhao
Hình ảnh bệnh nhân D.T.L phải bóp bóng.
Chị Th.L. cho biết: "Mỗi đợt điều trị là 10 ngày liên tục nên mẹ tôi thực hiện đúng như lời bác sĩ hướng dẫn. Mẹ tôi đã điều trị rất nhiều đợt kéo dài trong 3 năm nay. Đến chiều 17/1, mẹ tôi trong người không khỏe, hơi mệt và đau nhức chân nhiều hơn những ngày trước, nhưng tinh thần vẫn tỉnh táo bình thường nên bà đi taxi cùng người nhà tới phòng mạch bác sĩ V.M.C khám bệnh. Lần này mẹ tôi cũng được bác sĩ V.M.C. tiêm thuốc vào khớp gối và truyền 2 chai dịch vì bác sĩ C. nói huyết áp của mẹ tôi bị tụt không đo được hay lúc đo được chỉ 5 – 6". 
Theo đơn của chị Th.L, mẹ chị về nhà, bị mệt, khó thở, đau ngực, ngã gục, ói ra máu và tiểu ra máu rất nhiều. Người nhà đưa mẹ chị vào Bệnh viện Thống nhất để cấp cứu. Tại đây, bà T.L tiếp tục nôn ra máu (lượng máu nôn tại nhà và ở bệnh viện gần 1 bô máu) và còn đi ngoài phân đen. 
"Các bác sĩ của bệnh viện tích cực cấp cứu, lúc đó tình trạng mẹ tôi rất yếu, mạch huyết áp tụt. Bác sĩ báo với gia đình tôi chắc bà không qua khỏi, sẽ tử vong, người nhà chuẩn bị tinh thần. Các bác sĩ cũng khai thác bệnh sử của mẹ tôi trước khi nhập viện, có điều trị ở phòng mạch tư không và đã uống thuốc gì? Người nhà tôi trình bày là có đến phòng mạch bác sĩ V.M.C điều trị với cách điều trị như trên. Sau đó, các bác sĩ tích cực cấp cứu chỉ định truyền máu nội soi dạ dày thì phát hiện mẹ tôi có nhiều ổ loét trong dạ dày rất nặng, gây ra xuất huyết tiêu hóa", chị Th.L nói trong đơn.
... Rồi tử vong sau 2 tháng
Ngày 10/3, ThS.BS Trương Quang Anh Vũ, Trưởng phòng Kế Hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất TP HCM cho biết, bệnh nhân D.T.L (65 tuổi, ngụ tại quận 7, TP HCM) nhập viện lúc 21h30 ngày 17/1 với tình trạng nôn ra máu, bệnh nhân tỉnh, mạch nhanh, huyết áp thấp và được chẩn đoán là xuất huyết tiêu hóa mức độ nặng do viêm loét dạ dày.
Theo thông tin hồ sơ bệnh án, các BS đã tiến hành truyền dịch, máu, nội soi dạ dày với kết quả: hang vị có ổ loét lớn – Forset IB nên đã chích xơ cầm máu ổ loét và nhập vào khoa Hồi sức Chống độc, Bệnh viện Thống Nhất để tiếp tục theo dõi và điều trị. Sau đó, bệnh nhân tuy đã cầm máu nhưng lại bị viêm phổi và nhiễm trùng huyết nên phải nằm trong khoa này cho đến đầu tháng 3 thì bệnh nhân D.T.L có hồi phục sức khỏe và được chuyển lên theo dõi và điều trị tại khoa Nội – Nhiễm.
Theo ThS.BS Anh Vũ, đêm ngày 7/3, bệnh nhân trở nặng vì bị nhiễm trùng huyết, sốt cao liên tục, suy đa cơ quan… phải thở máy, huyết áp phụ thuộc vào thuốc vận mạch… diễn tiến xấu, tiên lượng tử vong nên ngày 10/3, gia đình xin mang bệnh nhân về để lo hậu sự.
Giấy ra viện của bệnh nhân D.T.L được Bệnh viện Thống Nhất cấp với chuẩn đoán: Nhiễm khuẩn huyết do A.Baumannii – Viêm phổi – SHH/ td/ Cushinh do thuốc – XHTH do viêm loét dạ dày, tá tràng tạm ổn.
TP HCM: Cu ba tu vong nghi bac sy dieu tri bat nhao-Hinh-2
Giấy ra viện của bệnh nhân.  
Nguyên nhân khiến bệnh nhân qua đời?
Trước cái chết của mẹ, chị L cho rằng, mẹ chị bệnh nặng là do bác sĩ phòng khám tư điều trị bát nháo. Gia đình chị đã đến phòng mạch bác sĩ V.M.C để hỏi thông tin về cách điều trị đối với mẹ chị. Bác sĩ V.M.C sau đó cũng đến Bệnh viện Thống nhất thăm mẹ chị và đề nghị hỗ trợ 10.000.000 đồng cho gia đình trước và cứ tập trung lo cho bà khỏe đi rồi tính sau. Gia đình chị Th.L. không đồng ý, mà yêu cầu bác sĩ V.M.C. phải có trách nhiệm với bà T.L. cụ thể là phải lo toàn bộ chi phí điều trị tại bệnh viện cho bà khoảng 300.000.000 đồng. 
Chị L cũng cho biết thêm, mỗi lần tới điều trị ở phòng khám, mẹ chị đều được bác sĩ tiêm thuôc Corticoid vào gối(?)
Trao đổi với phóng viên Kiến Thức về trường hợp bệnh nhân T.L, bác sĩ V.M.C khẳng định từng điều trị cho bệnh nhân và đã ủng hộ 10 triệu đồng cho bà T.L. vì bình thường bà cụ cũng rất quý bác sĩ, chứ không phải là bồi thường. Còn việc tiêm thuốc, BS nhấn mạnh không phải tiêm Corticoid, mà là Lidocain với B12 bằng phương pháp thủy châm, liệu pháp từ 7 – 10 ngày. Nếu tiêm Corticoid thì chỉ một mũi thuốc và tiêm 1 lần.
Tiếp tục đặt câu hỏi nghi vấn của gia đình bệnh nhân T.L. về việc bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa nặng như vậy có phải là do biến chứng từ việc tiêm Corticoid ở phòng mạch hay không, ThS.BS Anh Vũ, chia sẻ biến chứng do tiêm Corticoid dẫn đến xuất huyết dạ dày là có thể nhưng với trường hợp bệnh nhân D.T.L thì chúng tôi không thể khẳng định có phải do bác sĩV.M.C tiêm hay không vì chỉ nghe thân nhân nói, nhưng không có toa thuốc hay sổ khám bệnh gì của phòng mạch tư này. Bệnh viện Thống Nhất cũng thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa trên nền viêm khớp có điều trị bằng tiêm Corticoid.
Tiêm Corticoid dễ bị nhiễm trùng
Corticoid được chỉ định trong điều trị xương khớp bởi các BS chuyên khoa xương khớp chứ không phải là BS nội khoa. Vì các BS chuyên khoa sẽ khám và điều trị thuốc uống trước, nếu không đáp ứng thì mới tiêm Corticoid. Nhưng tiêm Corticoid phải bảo đảm vô trùng vì biến chứng thường gặp nhất là gây nhiễm trùng khiến bệnh càng nặng thêm. Bên cạnh đó, phải do các BS xương khớp chỉ định tiêm vì họ mới biết tiêm chính xác vào chỗ nào và chỗ nào thì chống chỉ định… Đặc biệt, 1 năm không được tiêm quá 3 lần. Bệnh nhân nên hỏi và tư vấn kỹ trước khi quyết định tiêm thuốc vào cơ thể, d6e3 tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
BS.CK II Nguyễn Trọng Anh
(Giảng viên Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch)

Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này tới bạn đọc.
Thanh Thủy – Bùi Hương

Bình luận(0)