Gà ác có máu đỏ hơn gà thường, chứa nhiều lysin. Theo sách Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh, thịt gà ác vị ngọt, tính bình không độc, chữa hư nhược, phụ nữ băng huyết, bạch đới, đau bụng và trẻ em đi lị, không ăn được. Thịt gà ác được ưa chuộng vì bổ dưỡng, thường dùng cho người suy nhược cơ thể, người mới ốm dậy, phụ nữ mới sinh. Thường hầm chung với các thuốc bổ dưỡng khác như hoài sơn, sinh địa, sâm, hạt sen, câu kỷ, đại táo... Nếu kết hợp với tam thất, mật ong thì làm thành một món ăn rất bổ dưỡng.
Theo Đông y, thịt gà ác có tác dụng bổ can thận, ích khí huyết, thường được dùng để chữa các chứng bệnh hư nhược, tiêu khát, đi tả lâu ngày do tỳ hư, chán ăn, khí hư, liệt dương, di tinh, hoạt tinh, ra mồ hôi trộm, kinh nguyệt không đều...
Gà nấu câu kỷ, tam thất có tác dụng bổ can thận, ích tinh, bổ huyết thích hợp với người bị thận hư, tinh ít, thiếu máu. Nguyên liệu gồm có gà ác 1 con, câu kỷ tử 15g, tam thất 10g, thịt heo nạc 100g, cải bắp trắng 250g, bột mì 150g, rượu 30ml, muối 10g, bột nêm 5g, gừng, hành, lượng thích hợp. Gà làm sạch, bỏ nội tạng, móng, tam thất lấy 4g nghiền thành bột, 6g ngâm nước xắt thành miếng. Thịt heo bầm nhuyễn, cải trắng rửa sạch, dùng nước sôi nấu chín rồi băm nát. Bột mì nhồi nước cho dẻo để làm da bao bánh, gừng, hành rửa sạch.
Để gà vào nồi luộc chín, vớt ra nhúng vào nước lạnh, rồi vớt ra để ráo. Cho câu kỷ tử, tam thất miếng, gừng miếng, gừng khúc vào trong bụng gà, để vào trong cái thố chưng, đổ nước vào; cho tiêu, rượu vào, rắc bột tam thất lên mình gà, dùng khăn đậy kín. Đặt thố vào nồi chưng 2 giờ.
Thịt heo băm nhuyễn trộn với muối, tiêu bột và chút ít nước, rồi đổ cải trắng vào trộn đều làm nhân bánh. Chia bột mỳ ra làm 20 phần, làm 20 cái bánh sủi cảo. Khi thịt gà chưng chín, lấy nước đó luộc 20 cái bánh sủi cảo vừa làm xong. Đồng thời lấy thịt gà ra, nêm muối, bột nêm vào. Bánh sủi cảo sau khi luộc chín để ra dĩa là dùng được.