Gạo thảo dược bổ dưỡng đến đâu?

Google News

(Kiến Thức) - "Gạo thảo dược" bổ dưỡng đến đâu, đây có phải là sản phẩm của những giống lúa mới nhờ chuyển gen? Hay chúng được sản xuất bằng những công nghệ đặc biệt gì?...

Đã có từ rất lâu
GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam giải thích: Gạo thảo dược thực ra chỉ là cách gọi để chỉ những loại gạo có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn các loại gạo thông thường. Các loại gạo này thường có hàm lượng chất dinh dưỡng cao như các vitamin A, B (B1, B2, B6), lipit, chất xơ, chống loãng xương...
Thực tế, ngoại trừ loại gạo vàng (golden rice), loại gạo được biến đổi gen để chứa beta-carotene là tiền tố của vitamin A (hiện nay loại gạo này cũng chưa phổ biến), thì hầu hết các giống lúa cho ra gạo được gọi là "gạo thảo dược" ở nước ta đều không phải là những giống lúa được sản xuất theo những công thức đặc biệt nào mà thực chất đều là những giống lúa địa phương có từ lâu đời như gạo nếp cẩm, gạo đỏ, giống gạo hạt tròn trồng ở các tỉnh miền núi phía Bắc... 
Đây đều là những giống lúa đã có từ lâu, có điều ngày trước nó chưa được khoác lên mình cái tên mỹ miều là gạo thảo dược. Thời gian gần đây, ở một số địa phương người ta phát triển những giống lúa địa phương rồi gắn mác thảo dược và quảng cáo rầm rộ như giàu chất chống oxy hoá anthocyanins, giàu calsium và chất xơ, chất sắt, có chứa nhiều vitamin và khoáng chất...
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lúa, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho biết: Việc gọi là gạo thảo dược thực ra chỉ là cách gọi theo kiểu "tát nước theo mưa" chứ thực chất các giống lúa này đã có từ rất lâu như gạo nếp cẩm, gạo đỏ... Từ xa xưa, ông cha ta đã biết về công dụng của các loại gạo này. Vì thế mà ngày xưa các cụ vẫn có câu "bị phù nề ăn gạo nếp cẩm xay".
Gạo thảo dược thường có hàm lượng chất dinh dưỡng cao như các vitamin A, B (B1, B2, B6), lipit, chất xơ, chống loãng xương... 
Quảng cáo một cách quá mức
Các chuyên gia cho biết, phải thừa nhận rằng, những loại gạo hiện được gọi bằng cái tên thảo dược chỉ có thêm một số chất dinh dưỡng so với gạo thông thường, nhưng không có chức năng chữa bệnh. Chúng chỉ đóng vai trò như là thực phẩm chức năng bổ sung những chất mà cơ thể còn thiếu. 
Theo GS.VS Trần Đình Long, dĩ nhiên khi ăn các loại gạo này thì tốt vì có hàm lượng dinh dưỡng cao. Về cơ bản, các loại gạo có hàm lượng dinh dưỡng cao sẽ giúp nâng cao sức khoẻ, phòng ngừa, giảm nguy cơ bệnh tật, tuy nhiên, chúng không thể chữa được bệnh. Nói rằng ăn gạo này chữa được bệnh ung thư là không thể. "Ăn gạo mà chữa được ung thư thì có lẽ đã được trao giải thưởng Nobel rồi", GS.VS Trần Đình Long khẳng định.
Liên quan đến việc phân biệt gạo "thảo dược" và các loại gạo thông thường, các chuyên gia cho hay, không quá khó trong việc phân biệt các loại gạo giàu dinh dưỡng so với gạo thông thường bằng máy móc, nhưng bằng mắt thường thì không đơn giản. Tuy nhiên, một dấu hiệu mà mắt thường có thể nhận biết đó là bằng màu sắc, vì một số loại gạo được gắn mác thảo dược thường có màu như tím, đỏ... 
Thế nhưng, dù là gạo đỏ nhưng nhiều giống không phải là có hàm lượng dinh dưỡng cao. Hơn thế, ngay cả đúng là giống lúa đó nhưng phải tuân thủ quy trình chọn tạo giống, chăm sóc, thậm chí còn phụ thuộc vào nhiệt độ, thời tiết... Sự thay đổi về điều kiện trồng, cấy nhiều khi cũng làm giảm chất lượng dinh dưỡng trong gạo.
Ý tưởng về gạo vàng được thảo luận đầu tiên ở Hội nghị quốc tế IRRI tại Philippines năm 1984. Năm 1999, nhóm các nhà khoa học bao gồm cả TS Ingo Potrykus, Viện Công nghệ liên bang Thụy Sỹ, đã thành công trong việc thiết kế di truyền cho cây lúa sản xuất carotenoids, tiền chất của vitamin A. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn còn nhiều tranh cãi về tính hiệu quả và độ an toàn của gạo vàng.
Đức Anh

Bình luận(0)