|
Ảnh minh họa. |
Cây ngải tím thường được lấy rễ (củ) tươi hoặc khô để làm thuốc và thu hái vào đầu tháng 11 - 12. Theo Đông y, thân rễ ngải tím có vị đắng, cay, tính ấm, mùi thơm, hăng. Tác dụng phá tích, tán kết, hành khí chỉ thống, thông kinh, tiêu lợi. Thường dùng chữa kinh nguyệt không đều, thống kinh, kinh bế, khó tiêu, đầy bụng, ói ra nước chua. Bôi ngoài chữa được các vết thâm tím trên da. Sau đây là một số bài thuốc có dùng cây ngải tím.
Chữa đầy bụng, ăn không tiêu, ợ chua: Nga truật, trần bì, mỗi thứ 12 - 20g, gừng tươi 10g. Nấu với 500ml nước, sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.
Chữa đau bụng kinh, sắc kinh xấu: Nga truật 16 - 20g, ích mẫu 16g, ngải cứu 8g. Nấu với 500ml nước, sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.
Chữa bụng lạnh đầy, hay đau bụng lâm râm: Nga truật 100g, mộc hương 50g, tán bột mịn, mỗi lần uống 2g với nước giấm pha loãng, lúc đói bụng.
Chữa trẻ con bú sữa bị nôn, trớ ra ngoài: Nga truật 4g, muối ăn 3 hạt (có thể 2 hạt, càng ít càng tốt) sắc chung với sữa, đợi 5 - 7 phút để hòa tan rồi cho trẻ sơ sinh uống.
Chữa viêm loét dạ dày tá tràng hoặc bệnh lý đại tràng mãn thể táo: Nga truật sấy khô, tán bột, trộn với mật ong. Ngày uống 5 - 10g, chia 2 lần sáng tối, sau mỗi bữa ăn... Trường hợp viêm đại tràng mạn thể táo, có thể uống bột nga truật với dầu mè đen, sẽ cải thiện chức năng tiêu hóa, đi cầu phân có khuôn bình thường, hết táo bón kéo dài.
Liều lượng dùng nga truật cho các bệnh nói trên mỗi ngày từ 4 - 6g sắc uống, nhưng thường dùng dưới dạng bột nga truật có thêm ít mật ong hoặc dầu mè đen. Phụ nữ có thai và rong kinh không nên dùng.