Tại Hội thảo, có rất nhiều ý kiến cho rằng, nên loại bỏ amiăng ra khỏi đời sống con người, bởi trên thế giới amiăng đã được xếp vào nhóm các chất gây ung thư ở người. Bà Lương Mai Anh, Cục phó Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) cho hay, amiăng gây các bệnh hiểm nghèo cho con người như bụi phổi amiăng, u trung biểu mô, ung thư phổi, thanh quản và buồng trứng ở người… Đối với amiăng thì không có ngưỡng nào được coi là an toàn khi tiếp xúc.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức quốc tế khác, hiện đã có đủ bằng chứng cho thấy tất cả các dạng amiăng đều gây ra ung thư ở người như ung thư biểu mô, ung thư phổi, thanh quản và buồng trứng.
|
Không chỉ có những người làm việc trực tiếp mà những người gián tiếp cũng có thể bị nhiễm độc amiăng. |
Có khoảng 1,25 triệu công nhân trên toàn thế giới tiếp xúc trực tiếp với amiăng và mỗi năm, có hơn 107.000 người chết vì các bệnh liên quan đến vật liệu này. Theo các nhà nghiên cứu, việc sử dụng amiăng không gây bệnh ngay tức thì mà nó âm thầm gây bệnh trong thời gian rất dài.
Ở Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế, không chỉ những công nhân thường xuyên tiếp xúc, hít phải bụi amiăng trong quá trình nghiền amiăng khô, đóng bao, vận chuyển bột amiang... mà ngay cả những người sống trong môi trường gần nơi khai thác hoặc ở trong nhà có mái lợp amiăng cũng có khả năng bị ảnh hưởng.
Nhấn mạnh về sự ảnh hưởng của amiăng, GS.TS Lê Vân Trình, Hội Khoa học kỹ thuật An toàn vệ sinh lao động (thuộc VUSTA) cho biết: “10 năm nay Việt Nam luôn đứng trong tốp 10 nước tiêu thụ amiăng nhiều nhất thế giới. Việt Nam nên có lộ trình cấm sử dụng amiăng trong sản xuất và trong đời sống nhằm ngăn chặn hiểm họa sau này cho con cháu chúng ta”.
Cũng tại Hội thảo này, các đại biểu cho rằng, Việt Nam cần có biện pháp phòng ngừa các bệnh tật liên quan tới amiăng, những cơ chế tài chính để giảm thiểu việc sử dụng amiang, tăng cường kiểm soát và giám sát các cơ sở sản xuất tấm lợp amiăng, tuyên truyền tác hại của amiăng tới người dân...