Nghi do sốc thuốc?
Hiện chưa có kết luận cuối cùng về trường hợp tử vong của 3 trẻ khi phẫu thuật miễn phí hở hàm ếch tại Khánh Hòa, nhưng theo đánh giá sơ bộ của ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thì, đây là tai biến liên quan đến thuốc gây mê lớn nhất từ trước đến nay, có thể nói là chưa từng có trong lịch sử ngành y tế.
Trả lời trên báo Tuổi trẻ ông Khuê cho hay: “Chúng tôi sẽ xem kỹ lại toàn bộ quy trình để xác định loại thuốc sử dụng là gây tê hay gây mê, vì có thông tin là dùng thuốc gây tê và gần đây cũng có một số ca tử vong liên quan thuốc gây tê sử dụng khi cắt amidan. Chúng tôi sẽ mời các chuyên gia hàng đầu vào cuộc”.
|
Bác sĩ Bình trả lời báo chí xung quanh việc gây mê. Ảnh: Tuổi trẻ. |
Theo thông tin từ bệnh viện Quân y 87, tham gia gây mê cho 3 cháu nhỏ, có hai bác sĩ. Trong đó, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình (đã nghỉ hưu) gây mê cho hai bé Vân, Hữu, còn bác sĩ Phí Hồng Lê (Bệnh viện Răng hàm mặt TP HCM) gây mê cho một số bệnh nhi khác, trong đó có bé Minh.
Trả lời báo chí sau vụ việc này, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình, người trực tiếp gây mê cho trẻ cho biết: “Gần 35 năm trong nghề gây mê, tôi chưa bao giờ gặp ca tai biến. Nhưng lần này không thể hiểu tại sao lại xảy ra một lúc 3 cháu như thế này. Y văn thế giới cũng nhận định sốc thuốc gây mê là rất hiếm nên không có quy định thử”.
Về phía Trung tâm OSCA, bà Đặng Thị Thu Hoài, Giám đốc Điều hành Trung tâm cho biết, các chuyên gia, bác sỹ ở Trung tâm OSCA tham gia Chương trình đều là những người tự nguyện, và đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc phẫu thuật “hở hàm ếch” cho trẻ em.
“Sau vụ việc này, chúng tôi cũng đang tích cực phối hợp cùng các đơn vị chuyên môn để tìm ra nguyên nhân. Trung tâm OSCA và các đơn vị liên quan cũng đã đến chia buồn cùng gia đình các bé và hỗ trợ gia đình mỗi cháu 120 triệu đồng”, bà Thu Hoài nói.
Trước đó, như Kiến Thức đã đưa tin, ngày 24/8, bé Nguyễn Quang Minh (14 tháng tuổi, ở phường Vĩnh Hiệp, TP Nha Trang) và bé Nguyễn Ngọc Tuyết Vân (11 tháng tuổi, ở xã Diên Phú, huyện Diên Khánh) đã tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Ngày 25/8, bé Pi Năng Tuấn Hữu (16 tháng tuổi, (dân tộc Răklay, ở huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa), cũng qua đời sau khi tham gia chương trình phẫu thuật từ thiện hở hàm ếch do trung tâm OSCA tổ chức.
|
Tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra, Trung tâm OSCA không có mặt tại cơ sở đăng ký. Tuy nhiên, phía dưới có biển tên ghi rất rõ ràng. |
Trung tâm OSCA “vắng mặt” tại điểm đăng ký
Liên quan đến vụ việc 3 trẻ nhỏ tử vong khi phẫu thuật hở hàm ếch miễn phí tại Khánh Hòa, sáng 26/8 Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đối với Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười (OSCA, Hà Nội), có địa chỉ tại số 257-B3 đường giải Phóng (phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội).
Theo đó, Sở Y tế Hà Nội do ông Nguyễn Khắc Hiền, GĐ Sở Y tế phối hợp với phòng y tế quận Đống Đa tới địa điểm đăng ký của tổ chức OSCA để tiến hành kiểm tra thủ tục hành chính, chứng chỉ hành nghề của các nhân viên tham gia phẫu thuật, giấy phép hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất của Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười (OSCA) theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra đến địa chỉ trên, toàn bộ hệ thống của trung tâm này đã được đóng kín, bởi vậy Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành điều tra hồ sơ của trung tâm này theo hướng khác.
Theo ghi nhận của Kiến Thức tại hiện trường, tại địa chỉ đăng ký của Trung tâm có biển hiệu và lô gô ghi rõ: “Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười”. Tuy nhiên, đây cũng là địa chỉ của Thẩm Mỹ viện Hà Nội, do bác sĩ Phạm Văn Ái phụ trách. Tại thẩm mỹ viện này đã từng xảy ra vụ tử vong khi phẫu thuật nâng ngực và chính bác sĩ Phạm Văn Ái cũng đã phải hầu tòa vì sự việc trên.
Theo người dân sống ở khu vực này, họ không hề biết ở đây tồn tại một trung tâm từ thiện mà chỉ biết đó là một thẩm mỹ viện. “Tôi sống ở đây lâu, nhưng không hề biết đây có tổ chức từ thiện nào. Bình thường nếu có tổ chức từ thiện, phải có người đến làm từ thiện chứ. Đằng này tôi có thấy ai đâu”, một người dân cho biết.
* Kiến Thức tiếp tục thông tin về sự việc này…