Kinh hoàng hàng nghìn sán chó làm tổ trong phổi người

Google News

(Kiến Thức) - Đến bác sĩ cũng phải kinh hoàng vì sau khi cắt thùy phổi của bệnh nhân với khối u lớn hàng nghìn đầu sán dây chó ngoe nguẩy trong khối u. 

Lần đầu tiên phát hiện ở trên người Việt Nam 
Bệnh nhân Ngô Ngọc T. (42 tuổi ở Thanh Hóa) được chẩn đoán u phổi được, chỉ định cắt bỏ 1 thùy phổi + khối u. Sau phẫu thuật các bác sĩ vô cùng kinh hãi khi khối u là một bọc nước và trong bọc nước là hàng nghìn đầu sán đang ngoe nguẩy. Kết quả xét nghiệm là loại sán dây chó.
Tương tự, chị Cẩm Thị H. (Sơn La), từ tháng 6/2003, xuất hiện tức ngực, khó thở, ho ra máu tưởng lao phổi. Tháng 8/2013, nhập Viện Lao Phổi T.Ư để điều trị, kết quả chụp X-quang có 4 khối u khổng lồ trên phổi, mỗi bên có 2 u, nếu phẫu thuật phải cắt toàn bộ phổi, bệnh nhân sẽ tử vong. Kết quả chọc dò hút dịch thấy hàng nghìn đầu sán ở mỗi ổ. Bệnh nhân được điều trị nội khoa, 6 tháng khối u đã giảm một nửa, vẫn còn ho ra máu, kết quả xét nghiệm dương tính với sán dây chó còn cao. 
Kết quả chụp X-quang của chị Cẩm Thị H. có 4 khối u khổng lồ trên phổi, mỗi bên có 2 u.
GS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội cho biết, trong hơn 30 năm làm nghề, đây là lần đầu tiên phát hiện được loại sán dây chó gây khối u khổng lồ trên người Việt Nam. Phổi của hai bệnh nhân đều bị nhiễm sán dây chó Echinococcus ortleppi. Sán dây chó (Echinoccocus) trưởng thành dài 3 - 6mm gồm 3 - 4 đốt, ký sinh ở ruột non họ chó. Ấu trùng sán dây chó ký sinh ở động vật có vú như chó, mèo, gấu, báo, khỉ, người và có khi ở cừu, dê, bò, lạc đà, hươu và động vật gặm nhấm. 
Trên người, ấu trùng ký sinh ở gan hay phủ tạng khác tạo những bọc nước lớn chứa nhiều đầu sán, các bọc nước này thường ở gan (65%), ở phổi (10%) và ở một số cơ quan khác như thận, não. Khi bọc nước vỡ, giải phóng các đầu sán và các đầu sán này bám vào phủ tạng khác tạo nên bọc nước mới, bệnh rất hiếm gặp ở Việt Nam nhưng hết sức nguy hiểm. 
Sán dây chó dưới kính hiển vi. 
Dễ gây tử vong
GS.TS Nguyễn Văn Đề cho biết, tác nhân gây bệnh là Echinococcus, một loài sán dây ký sinh trong ruột của họ chó. Trứng của chúng theo phân ra ngoài môi trường và phát tán vào đất, bụi, rau... Nếu người ăn phải trứng, trứng vào cơ thể, các ấu trùng giun sẽ được phóng thích, đi xuyên qua thành ruột và theo đường máu di chuyển đến gan, phổi, hệ thần kinh trung ương. Tại đây, các ấu trùng tạo nên những nang chứa nước trong và chứa các đầu sán gây chèn ép tại chỗ. 
Đặc biệt, các đầu sán có khả năng tự nhân lên tới hàng ngàn hàng vạn đầu sán, theo đó nang nước cũng to dần lên. Nguy hiểm nhất là nang nước có thể bị vỡ ra giải phóng hàng vạn đầu sán và bám vào cơ quan phủ tạng khác tạo nên u mới, có thể dẫn đến tử vong. 
Theo GS.TS Nguyễn Văn Đề, khi bị nhiễm sán chó, cơ thể thường xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, đau vùng có ấu trùng sán ký sinh, tùy thuộc phủ tạng sán ký sinh mà có những triệu chứng tương ứng, ví dụ như ở phổi kèm theo ho, có khi ho ra máu. Khi nghi ngờ nhiễm ký sinh trùng nói chung và sán dây chó nói riêng cần đi xét nghiệm để điều trị nội khoa, tránh tình trạng điều trị nhầm, thậm chí mổ nhầm vừa tốn kém, không khỏi bệnh lại hại sức khoẻ.
Để hạn chế việc nhiễm sán dây chó thì cần phải vệ sinh, tẩy giun sán định kỳ cho chó mèo, tắm rửa thường xuyên cho chúng. Không nên âu yếm chó mèo, hôn hít chúng vì làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh hơn, nhất là trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, người có bệnh mạn tính sức đề kháng yếu.
Thúy Nga

Bình luận(0)