Đình chỉ chương trình phẫu thuật nụ cười
Theo đó, ngay sau khi xảy ra sự việc, Bộ
Y tế đã yêu cầu đình chỉ chương trình phẫu thuật nụ cười của OSCA, Hà Nội. Đồng thời yêu cầu Sở Y tế Khánh Hòa làm rõ nguyên nhân xảy ra sự việc.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Kiến Thức về việc các tổ chức từ thiện y tế đang hoạt động hiện nay, ông Vũ Sỹ Vân, Phó Chánh văn phòng Bộ Y tế cho biết, theo quy định, hội từ thiện muốn hoạt động phải xin phép chính quyền địa phương.
Điều kiện bắt buộc đối với những người tham gia khám chữa bệnh trong các hội từ thiện y tế là phải có chứng chỉ hành nghề. Theo ông Vân, chứng chỉ này được cấp 1 lần có giá trị vĩnh viễn, nhưng cứ 2 năm, bản thân người được chứng chỉ phải cập nhật kiến thức y khoa hoặc bồi dưỡng sau đại học…. Các bác sĩ phải được đào tạo y khoa… liên tục, nếu không sẽ bị tước chứng chỉ này.
Riêng về số lượng các hội từ thiện hoạt động như Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười (OSCA), hiện ông Vân vẫn chưa nắm được con số chính xác.
|
Gia đình bệnh nhân phẫu thuật hở hàm ếch khi đưa đến viện điều trị. Ảnh: Tuổi trẻ. |
Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết đã nhận được thông tin về sự việc đau lòng trên.
Ông Khuê cho hay đã ngay lập tức, thông qua đường dây nóng của Sở Y tế Khánh Hòa đã yêu cầu tiến hành đình chỉ chương trình phẫu thuật nụ cười của OSCA. Đồng thời thành lập Hội đồng chuyên môn để đánh giá tai biến, quy trình phẫu thuật và cấp cứu cho
bệnh nhân.
Đồng thời, Cục quản lý khám chữa bệnh cũng đã yêu cầu ngành y tế địa phương tổ chức thăm hỏi các gia đình có trẻ tử vong. Riêng về vấn đề chuyên môn, ông Khuê cho biết: “ Cần phải thông tin cho các phương tiện truyền thông nắm rõ được thông tin, những vấn đề liên quan đến chuyên môn cần phải đợi kết quả của hội đồng chuyên môn”.
"Gây mê cần phải đúng liều"
Đó là nhận định của một bác sĩ gây mê hồi sức đã có kinh nghiệm hơn 30 năm trong lĩnh vực này, khi nói về quy trình gây mê hồi sức.
Theo vị bác sĩ này, hiện chưa có kết luận của Hội đồng chuyên môn nên chưa thể kết luận được là các cháu tử vong vì nguyên nhân gì. Tuy nhiên, việc phẫu thuật hở hàm ếch là loại phẫu thuật khó của các bác sĩ Răng - Hàm - Mặt hoặc Tai - Mũi - Họng, vì thế mọi quy trình không thể để xảy ra sai sót.
Đánh giá về kỹ thuật gây mê, bác sĩ này nhận định, dù là người có kinh nghiệm đến đâu khi gây mê vẫn hoàn toàn có thể xảy ra tai biến, nên việc xử lý tai biến cũng là điều hết sức quan trọng.
Riêng về liều lượng gây mê cho bệnh nhân, thì hoàn toàn phụ thuộc vào trọng lượng cơ thể. Thông thường khi gây mê thường phải trải qua 4 bước: Tiền mê, khởi mê, duy trì mê và thoát mê. Mỗi bước phải làm một nhiệm vụ khác nhau, vì thế bác sĩ gây mê cũng đòi hỏi trình độ cao.
Theo đó, bác sĩ gây mê phải được đào tạo đúng chuyên ngành, bài bản. Ngoài ra, bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề. Khi gây mê cho bệnh nhân, dứt khoát phải là bác sĩ, chứ không thể để thực tập viên hay các nhân viên y tế chưa đủ điều kiện làm, vì như thế rất dễ xảy ra tai biến.
Nói về sự việc ba trẻ tử vong ở Khánh Hòa, vị bác sĩ này cho biết, trách nhiệm trước hết là thuộc đơn vị cấp phép và kiểm tra, thứ 2 là chính quyền địa phương. "Tuy nhiên, chưa có kết luận cuối cùng nên chúng ta cũng không nên bàn luận sâu về vấn đề này", vị này nói.
Trước đó, 3 cháu Nguyễn Ngọc Tuyết, Nguyễn Quang Minh, Pi Năng Tuấn Hữu ở Khánh Hòa được Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười (OSCA, Hà Nội) phối hợp với Bệnh viện Quân y 87 phẫu thuật hở hàm ếch miễn phí. Cả 3 cháu đều tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa sau khi được Bệnh viện Quân y 87 chuyển qua cấp cứu.