|
Ảnh minh họa. |
Với những tiến bộ vượt bậc về công nghệ chất liệu, kỹ thuật chế tạo sản xuất khớp nhân tạo, độ bền của khớp ngày càng được nâng cao, kỹ thuật mổ ngày càng được hoàn thiện, chỉ định thay khớp háng không chỉ còn tập trung ở bệnh nhân trên 65 tuổi, đau nhiều... mà mở rộng ra nhiều bệnh lý khác.
1. Viêm khớp: Viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp.
2. Bệnh thoái hóa khớp: Thoái hóa khớp nguyên phát; thoái hóa khớp thứ phát như gãy ổ cối do chấn thương, trật khớp háng bẩm sinh hoặc thiểu sản khớp; trật khớp háng do chấn thương, bệnh Legg-Perthes-Calve, bệnh paget, bệnh Hemophilia.
3. Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi liên quan đến: Sau chấn thương hoặc trật khớp; hoại tử vô căn; bệnh hồng cầu hình liềm; có bệnh lý về thận; sử dụng corticoid liều cao; người lạm dụng bia, rượu, khớp lá; người bị bệnh Lupus ban đỏ.
4. Viêm mủ khớp háng hoặc cốt tủy viêm: Do đường máu hoặc sau chấn thương, sau khi điều trị ổn định, hết vi khuẩn.
5. Lao khớp háng đã ổn định.
6. Bán trật hoặc khớp háng bẩm sinh.
7. Khớp giả cổ xương đùi.
8. Thất bại sau tạo hình khớp háng: Sửa trục xương; tạo hình ổ cối; sau thay chỏm; sau cắt tạo hình cổ; sau thay khớp háng toàn phần.
9. U vùng cổ, chỏm xương đùi hoặc ổ cối.
10. Các rối loạn khớp háng di truyền.
Trước đây, tuổi chỉ định thay khớp háng thường từ 65 - 70. Những năm gần đây, tuổi chỉ định được mở rộng hơn. Nghiên cứu cho thấy, khi thay khớp háng cho 99 bệnh nhân trên 80 tuổi và già hơn thấy rằng, tỷ lệ gặp biến chứng và thời gian nằm viện không có sự khác biệt so với nhóm bệnh nhân trẻ tuổi, kết quả cải thiện chức năng khớp sau mổ là như nhau. Vì vậy, tuổi cao không phải là một chống chỉ định của phẫu thuật thay khớp háng. Kết quả kém ở nhóm bệnh nhân cao tuổi dường như liên quan nhiều đến các bệnh lý đi kèm chứ không phải là tuổi.
Viện Sức khoẻ Quốc gia Hoa Kỳ cho rằng, phẫu thuật thay khớp háng là một lựa chọn cho tất cả những bệnh nhân có bệnh lý về khớp háng gây tình trạng đau mạn tính và suy giảm chức năng khớp đáng kể. Việc thay khớp háng ở mỗi đối tượng khác nhau sẽ có những đặc thù khác nhau gồm:
- Phương thức thay khớp này có thể phù hợp với bệnh nhân trẻ tuổi, nhưng chưa hẳn đã phù hợp với bệnh nhân lớn tuổi.
- Những khó khăn khi thay khớp háng cho bệnh nhân chỉ tổn thương một khớp khác với những bệnh nhân tổn thương hai khớp.
Những bệnh nhân có biên độ khớp háng trước mổ khác nhau cho kết quả khác nhau.
- Mức độ sử dụng khớp ở bệnh nhân là người lao động, hay hoạt động khác với mức độ sử dụng khớp ở bệnh nhân ít vận động, dân văn phòng;
- Khả năng lỏng khớp, tiêu xương ở người trẻ, cũng như nguy cơ nhiễm trùng và các biến chứng khác của phẫu thuật thay khớp cần phải được lưu ý.