- Lần đầu tiên tại Việt Nam, các chuyên gia Đức sang chuyển giao kỹ thuật thay khớp háng toàn phần loại cán ngắn, không xi-măng-khớp Spiron, với đường mổ nhỏ, cho bệnh nhân trẻ tuổi. Kỹ thuật này không chỉ đảm bảo tính ổn định và độ đàn hồi tốt mà còn tránh được việc can thiệp nhiều vào ống tủy của xương so với các phương pháp trước.
[links()]
Ngày 29/12, bệnh nhân đầu tiên được thực hiện kỹ thuật này tại Bệnh viện Việt Đức là Cao Văn T. (54 tuổi ở Hà Nội) bị đau khớp háng không đi lại được. Sau hơn 1 tiếng được các chuyên gia Đức và Việt Nam phẫu thuật thay toàn bộ khớp háng, với đường mổ nhỏ 6cm, ca mổ đã thành công tốt đẹp. Buổi chiều bệnh nhân đã ổn định, bớt đau. Ngày mai, bệnh nhân có thể đi lại được.
|
Khớp háng toàn phần loại cán ngắn. Ảnh: IE |
Đây là phương pháp hoàn toàn mới, lần đầu tiên được chuyển giao tại Việt Nam. Phương pháp này hoàn toàn khác biệt so với phương pháp trước là thay khớp háng toàn phần sử dụng loại cán dài. Với các khớp háng toàn phần trước đây, khi thay khớp bác sĩ buộc phải cắt gần toàn bộ cổ xương đùi và can thiệp sâu tới vùng tủy xương của đầu trên xương đùi, điều này làm ảnh hưởng đến cấu tạo toàn vẹn của cấu trúc đầu trên xương đùi.
Hơn nữa, do tuổi thọ của khớp dao động trong khoảng 15 - 20 năm, do vậy nếu bệnh nhân trẻ tuổi, khi phải thay khớp lại thì sẽ khó khăn, đôi khi còn gây tổn thương xương do tháo dụng cụ. Còn với khớp Spiron, toàn bộ cổ xương đùi được giữ nguyên đảm bảo chiều cong sinh lý cũng như phần trục của cổ xương đùi không bị ảnh hưởng giúp làm gia tăng tính đàn hồi vật lý của xương đùi.
Bề mặt của cán là các hệ thống ren có phủ lớp Bonnit kích thích quá trình liền xương, làm cho dụng cụ bám chắc vào xương hơn. Kỹ thuật mới này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự nuôi dưỡng ở vùng đầu trên của xương đùi, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc thay lại khớp háng với cán dài sau 15 - 20 năm nếu cần thiết.
Trước tình trạng gia tăng các yếu tố nguy cơ như nghiện rượu, thuốc lá, lạm dụng thuốc, yếu tố chấn thương... ngày càng nhiều bệnh nhân trẻ bị bệnh lý khớp háng cần phải phẫu thuật thay khớp. Điều đáng quan tâm là với bệnh nhân trẻ, khi tiến hành thay khớp nhân tạo, loại tốt nhất cũng chỉ có tuổi thọ trung bình 15 - 20 năm, bệnh nhân lại phải thay lại khớp để đảm bảo chức năng đi lại.
Tuy nhiên, phương pháp thay khớp cũ với cán dài phải cắt bỏ cổ và khoan vào ống cổ xương đùi... nên khó khăn hơn khi thay lại lần 2. Vì vậy, kỹ thuật sử dụng khớp háng nhân tạo Spiron mới, cán ngắn, với đường mổ can thiệp tối thiểu, không chỉ giúp bảo tồn cổ xương đùi, tránh mất cân bằng phần mềm, nâng cao tính thẩm mỹ mà còn làm tăng diện tích tiếp xúc thúc đẩy quá trình tái tạo xương, đồng thời giữ lại được độ dài và độ đàn hồi của xương với cấu trúc ren tự cắt hiện đại của thiết bị.
Do đó, tuổi thọ của khớp có thể đạt kết quả tối đa nhất. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là chi phí còn cao và chỉ có thể phẫu thuật được cho bệnh nhân trẻ có chất lượng cổ xương đùi còn tốt.
PGS.TS Nguyễn Văn Thạch - TS Đinh Ngọc Sơn
(Viện Chấn thương Chẩn hình, Bệnh viện Việt Đức)